Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở y, dược: Bị oan vì tên trường?

"Điều chúng tôi quan tâm là đất nước có nhiều bác sỹ, dược sỹ hơn, chăm sóc sức khoẻ người dân tốt hơn, không hề có mục đích lợi nhuận, kinh doanh,” Hiệu trưởng trường Kinh doanh Công nghệ Hà Nội nói.
Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở y, dược: Bị oan vì tên trường? ảnh 1Giáo sư Trần Phương. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

"Đại học Duy Tân cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo ngành y, dược trước cách đây mấy tháng. Với một trường đại học, việc xin mở ngành là bình thường. Chúng tôi cũng nhiều lần xin mở ngành, nhưng riêng việc trường chúng tôi được cấp phép mở ngành y, dược thì nhiều người xôn xao, lo chúng tôi không đủ điều kiện đào tạo, lo chúng tôi vì lợi nhuận, cho rằng chúng tôi ngoại đạo.”

Đó là chia sẻ của giáo sư Trần Phương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ngay khi mở đầu buổi họp báo do trường tổ chức sáng nay, 28/11.

Còn thiếu điều kiện mở ngành vì… chưa cần

Giải thích về những khuyến cáo của Bộ Y tế trong việc trường cần bổ sung đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, ông Phương cho biết, những nội dung còn thiếu là vì chưa cần đến.

“Bộ Y tế quy định mở ngành Y đa khoa phải có 50 giảng viên cơ hữu, chúng tôi đã có 47 người, và hai năm đầu chỉ cần 20 người. Còn thiếu ba người nhưng vì đây là những môn sẽ chỉ học các năm cuối trong khi học Y đa khoa đến 6 năm. Nếu giờ chúng tôi có mời về, trả lương họ cũng không nhận vì chưa phải làm gì. Trong quá trình đào tạo, chúng tôi sẽ bổ sung,” ông Phương nói.

Tương tự, về trang thiết bị, ông Phương thừa nhận dù đã đầu tư 80 tỷ đồng nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, ông Phương cho rằng các trang thiết bị đó dùng cho những năm cuối, nên nếu trường mua sớm mà không dùng đến sẽ bị hao mòn, hỏng.

“Vì lẽ đó, dù đoàn kiểm tra có ghi thiết bị chưa thật đầy đủ nhưng họ vẫn đồng ý rằng trường đủ điều kiện mở ngành. Đúng là chúng tôi chưa chuẩn bị đầy đủ nhưng là vì chưa cần thiết. Chưa thật đầy đủ là theo ý đó chứ không phải do chúng tôi thiếu điều kiện. Cơ sở vật chất đã sẵn sàng dùng cho hai năm đầu,” ông Phương phân trần. 

Cũng theo ông Phương, trường đã ký hợp đồng với 4 bệnh viện và hai công ty dược để làm nơi thực hành cho sinh viên gồm Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Tràng An, Công ty Dược phẩm Trung ương một, Công ty Dược phẩm DGC.

“Chúng tôi đã mất 3,5 năm chuẩn bị. Thời gian đó không phải ngắn. Trước khi cho phép trường mở ngành y, dược, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng rất cẩn thận, yêu cầu Bộ Y tế gửi trả lời chính thức có đủ điều kiện cho phép mở ngành không. Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đã có công văn trả lời đồng ý nên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga mới ký quyết định mở ngành cho trường,” ông Phương cho biết.

Bị oan vì… tên trường?

Ông Phương cũng cho rằng việc đánh giá trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành y dược là ngoại đạo do cách hiểu của dư luận chưa đúng về trường đa ngành.

“Cơ cấu của trường đa ngành là trong lòng nó có nhiều ngành đào tạo, như các trường đại học con. Khi mở trường, chúng tôi mở ngành kinh tế, sau đó xin phép mở thêm ngành kỹ thuật, đào tạo cả ngoại ngữ, và giờ thêm y, dược. Nếu nói ngoại đạo thì chỉ ngoại đạo với hiệu trưởng, ban giám hiệu, và như thế tất cả các trường đại học đều ngoại đạo với các ngành học của họ. Còn xét tới từng ngành học thì gần 100 giáo viên y, dược của tôi không ngoại đạo với ngành Y đa khoa hay Dược học,” ông Phương nói.

Giáo sư Trần Phương cũng cho rằng, có rất nhiều trường như Đại học Đông Đô, Thăng Long, Phương Đông… mở ngành y, dược nhưng không gặp nhiều phản đối vì trường tên trường không nói lên ngành nào họ cần đào tạo.

“Đại học Duy Tân cũng được Bộ cấp phép đào tạo ngành y, dược trước cách đây mấy tháng nhưng không ai có phản ứng. Trường chúng tôi tuy gọi là trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ nhưng nó cũng chỉ phản ánh những mặt hoạt động chủ yếu. Một trường ngoài công lập khác trường công ở chỗ nó không bị quy định cứng về ngành nghề đào tạo,” ông Phương giải thích.

Không vì lợi nhuận?

Trước nhiều ý kiến băn khoăn về chất lượng đào tạo khi điểm đầu vào thấp, giáo sư Trần Phương cho rằng ông không nặng về đầu vào mà trường sẽ thắt chặt trong đào tạo để đảm bảo chất lượng đầu ra.

Mức học phí khá cao, lên đến 50 triệu đồng/năm cho ngành Y đa khoa cũng được nhiều phóng viên đặt câu hỏi, ông Phương khẳng định mức học phí đều được trường tham khảo từ các trường đã đào tạo y, dược nhiều năm qua.

Ông Phương cũng cho biết, trường mở ngành y, dược không phải vì học phí cao mà vì nhận thấy đất nước đang thiếu nguồn nhân lực của ngành này.

“Trường chúng tôi là trường phi lợi nhuận. Điều chúng tôi quan tâm là đất nước còn nhiều bác sỹ, dược sỹ hơn, chăm sóc sức khoẻ người dân tốt hơn và khai thác được nguồn dược liệu quý của nước ta để tự chế biến thuốc cho nước mình. Đó là hai động cơ, không hề có mục đích lợi nhuận, kinh doanh,” ông Phương nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục