Mẹ của một người phụ nữ có tên Uthra phát hiện con gái nằm bất động trên giường tại nhà riêng ở bang Kerala, miền Nam Ấn Độ, với cánh tay trái bê bết máu. Gia đình vội đưa cô đến bệnh viện Kollam ở bang này để cấp cứu, nhưng đã quá muộn.
Kết quả khám nghiệm tử thi vào ngày 7/5/2020 xác nhận Uthra bị rắn hổ mang chúa có nọc độc cực cao cắn vài giờ trước đó. Ở Ấn Độ, việc bị rắn cắn không phải là hiếm, nhưng gia đình đã nghi ngờ có uẩn khúc sau cái chết của Uthra và gửi đơn khiếu nại lên nhà chức trách.
Sau phiên tòa gây xôn xao toàn quốc, kẻ giết Uthra đã nhận tội và bị kết án tù chung thân cho những tội ác mà thẩm phán gọi là “quỷ quyệt và ghê tởm.” Dù cái chết của Uthra là do rắn hổ mang gây ra, nhưng kẻ sử dụng rắn hổ mang làm vũ khí lại chính là chồng cô: Suraj Kumar.
Kinh khủng hơn, đây không phải là lần đầu tiên anh ta làm việc này.
Câu chuyện tình yêu tan vỡ
Suraj Kumar và Uthra gặp nhau thông qua dịch vụ mai mối và kết hôn vào tháng 3/2018.
“Chúng tôi muốn tìm một người có thể khiến em ấy hạnh phúc,” anh trai Uthra, Vishu, cho biết. "Em ấy không giống người bình thường do mắc chứng học chậm. Chúng tôi muốn tìm một người đàn ông có thể chăm sóc cho em ấy.”
Kumar, nhân viên ngân hàng 27 tuổi, có xuất thân không mấy giàu có. Cha anh là người lái xe kéo trong khi mẹ làm nội trợ. Theo bản án, Kumar kết hôn với Uthra "để trục lợi tài chính.”
Khi hai người kết hôn, Kumar nhận của hồi môn là 720 gram vàng, một chiếc xe hơi hiệu Suzuki và 500.000 rupee (khoảng 6.700 USD) tiền mặt.
Những tháng ngày đầu tiên sau hôn nhân không mấy êm đềm. Một năm sau khi kết hôn, họ có một cậu con trai. Nhưng cha mẹ Kumar muốn nhiều hơn thế.
[Hoại tử vì đắp thuốc lá, tự chữa theo cách dân gian khi bị rắn cắn]
Cha mẹ Kumar yêu cầu cha mẹ Uthra trả tiền mua đồ dùng gia đình, xe hơi, đồ nội thất, sửa sang và phí tham gia khóa học quản trị kinh doanh cho em gái Kumar.
“Uthra là người chưa bao giờ nhìn thấy điểm xấu của người khác,” Vishu nói. "Em ấy luôn cảm thấy mình không có giá trị gì để người khác lợi dụng.”
Cha Uthra khai trước tòa rằng ông đáp ứng mọi yêu cầu của Kumar, đồng thời trả cho anh này 8.000 rupee (107 USD) mỗi tháng để chăm sóc con gái. Nhưng Kumar ngày càng "không hài lòng" với vợ nên đã lên âm mưu giết chết người đầu gối tay ấp, tòa án kết luận.
Nỗ lực giết người không thành
Vào cuối năm 2019, Kumar bắt đầu bị ám ảnh về loài rắn. Anh ta dành hàng giờ trên YouTube để xem và học cách tương tác với rắn.
Vào ngày 26/2/2020, Kumar mua một con rắn lục Russell - một trong những loài rắn hung dữ nhất châu Á - với giá 10.000 rupee (135 USD). Ngày hôm sau, anh ta để con rắn ở cầu thang và yêu cầu Uthra lấy điện thoại từ phòng ngủ tầng một, với hy vọng con rắn sẽ cắn và giết chết cô. Nhưng Uthra đã nhìn thấy và kêu toáng lên.
Sau đó, Kumar bắt con rắn và giữ nó trong túi nhựa. Tới đêm ngày 2/3/2020, anh ta thử lại âm mưu thêm lần nữa. Kumar trộn thuốc an thần vào bát bánh gạo khiến người vợ ngủ say. Tuy nhiên, Uthra tỉnh dậy và hét lên vì "đau đớn tột độ." Sau đó, Kumar đã đưa Uthra đến bệnh viện. Cô nói mình bị rắn tấn công do ra bên ngoài giặt quần áo vào ban đêm.
Ngay ngày hôm sau, khi vợ vẫn đang nằm trong bệnh viện, Kumar lại tiếp tục nghiên cứu về rắn. Nhưng lần này, anh ta tìm kiếm thông tin về “rắn hổ mang.”
Sau khi nằm 52 ngày trong bệnh viện, cha mẹ đón Uthra về nhà để chăm sóc vào ngày 22/4/2020. Cô không thể đi lại và phải nằm bẹp trên giường. Đây chính là lúc Kumar quyết định ra tay.
Vào ngày 6/5/2020, chỉ 15 ngày sau khi Uthra xuất viện, Kumar mua lậu một con rắn hổ mang và thả nó vào nhà. Trước khi đi ngủ, Kumar đã đưa Uthra một ly nước hoa quả có thuốc an thần.
Khi vợ đã ngủ say, người đàn ông ném con rắn vào phía Uthra nhưng con rắn lại không cắn. Bực tức, anh ta túm lấy đầu nó, dùng hàm răng sắc nhọn của con rắn cắm sâu vào cánh tay Uthra 2 lần.
Bất chấp nỗ lực biến vụ giết người thành tai nạn, một số manh mối cho thấy vết cắn không tự nhiên - từ độ rộng của răng nanh, vị trí vết cắn cho tới việc con rắn tự chui vào nhà.
Cụ thể, hai vết cắn trên cánh tay của Uthra có chiều rộng lần lượt là 2,3 và 2,8 cm, lớn hơn nhiều so với chiều rộng nanh rắn hổ mang từ 0,4 đến 1,6 cm.
Thời gian rắn hoạt động trong ngày cũng khiến các chuyên gia nghi ngờ. "Rắn hổ mang thường không cắn người trừ khi bị kích động mạnh. Sau 20h, chúng thường không hoạt động,” Hari Shankar, điều tra viên chính về vụ án, cho biết.
Các nhà điều tra đã thực nghiệm hiện trường, để xem liệu rắn hổ mang có tấn công người đang ngủ hay không. Trong thí nghiệm, rắn hổ mang được ném lên giường với hình nộm vào ban đêm. Đoạn video cho thấy con rắn trườn qua trườn lại hình nộm nhiều lần và chỉ cắn khi bị khiêu khích liên tục.
Các chuyên gia cũng đặt nghi vấn về việc làm thế nào mà con rắn hổ mang lại ở trong phòng của Uthra.
Theo tòa án, rắn hổ mang chỉ có thể nâng mình theo phương thẳng đứng đến 1/3 chiều dài của chúng. Điều đó có nghĩa con rắn tấn công Uthra dài 152cm chỉ có thể tự nâng cao khoảng 50cm, không đủ cao để bò vào cửa sổ. Ba lỗ thoát khí trong phòng cũng bị bịt kín.
Vava Suresh, bậc thầy về rắn mà Kumar xem trên YouTube, cũng được tòa gọi tới. Suresh cho biết loài này sẽ không cắn 2 lần theo cơ chế tự vệ, bởi chúng cần phải để dành nọc độc. Ông cũng khẳng định Uthra sẽ tỉnh dậy sau khi bị cắn, trừ khi cô bị chuốc thuốc mê.
Được biết sau khi thực hiện hành vi sát hại vợ, Kumar thức cả đêm để tiêu hủy chứng cứ gồm cốc thủy tinh đựng thuốc mê, giết con rắn hổ mang và xóa lịch sử cuộc gọi.
Tuy nhiên xác của con rắn sau đó đã được anh trai Uthra tìm thấy. Lúc này, diễn biến cuộc điều tra đã tiến triển đáng kể khi khám nghiệm tử thi cho thấy bụng con rắn trống rỗng.
“Trung bình, rắn mất 7 ngày để tiêu hóa thức ăn, đồng nghĩa với việc con rắn đã không ăn gì suốt 7 ngày. Rắn sống trong tự nhiên thường ăn 2 ngày/lần, vậy nên con rắn cắn Uthra đã bị giam giữ,” điều tra viên Shankar kết luận.
Vào ngày 8/5/2020 - một ngày sau cái chết của Uthra - người bán rắn Chavarukavu Suresh đã đọc về cái chết của cô trên báo. Sau đó, Kumar gọi cho Suresh để yêu cầu giữ kín giao dịch giữa 2 người, thú nhận mình phạm “trọng tội” do không thể sống cùng với vợ mình nữa.
Kumar cho rằng nếu Suresh giữ im lặng, họ sẽ coi cái chết của Uthra là hệ quả từ lời nguyền của rắn - niềm tin mê tín cho rằng rắn hổ mang sẽ nguyền rủa những gia đình không thờ cúng chúng - và cả hai tránh liên lụy đến tội giết người.
Sau khi bắt Kumar, cảnh sát cũng tìm tới Suresh. Người này thú nhận đã bán cho Kumar 2 con rắn nhưng khẳng định mình không liên quan tới âm mưu giết người. Suresh đã sử dụng điều này để chống lại Kumar trước tòa.
Kumar nhất quyết không nhận tội. Tuy nhiên, thẩm phán tuyên bố người đàn ông phạm 4 tội danh, trước khi tuyên hai bản án chung thân.
Không phải vụ án đầu tiên
Ở Ấn Độ, cái chết của Uthra không phải là vụ án đầu tiên liên quan đến cáo buộc giết người bằng rắn.
Ngày 6/10, Tòa án tối cao Ấn Độ từ chối bảo lãnh cho Krishna Kumar. Đây là một trong ba người bị buộc tội gây ra cái chết của một phụ nữ ở bang Rajasthan, miền Bắc nước này bằng cách để một con rắn độc gần giường của cô.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tử vong do rắn cắn ở Ấn Độ không hiếm, với 1,2 triệu trường hợp thiệt mạng từ năm 2000-2019. Nhưng điều tra viên Shankar cho biết 99,9% trường hợp bị rắn cắn ở Ấn Độ được phân loại là “tai nạn.”
“Chúng tôi không biết bao nhiêu vụ trong số những trường hợp đó là giết người nhưng bị che đậy thành tai nạn,” ông Shankar nói. “Chúng tôi cần chứng minh vết cắn là do dàn dựng, thủ phạm mua con rắn, tìm kiếm giao dịch trên điện thoại và nhiều bằng chứng tương tự vậy” - ông Shankar cho biết./.