Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng cao và tác động đối với quan hệ Ấn-Trung

Xét về kim ngạch thương mại, quan hệ kinh tế thương mại hai nước không giảm, ngược lại tăng lên, nhưng đầu tư song phương trong cùng kỳ của hai nước lại suy giảm đáng kể.
Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng cao và tác động đối với quan hệ Ấn-Trung ảnh 1(Nguồn: VCG)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, kinh tế Ấn Độ quý 2/2021 tăng 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là mức tăng theo quý cao nhất trong các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới kể từ đầu thế kỷ XXI đến nay, và cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ khi Ấn Độ bắt đầu sử dụng thước đo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 1996.

Một số phương tiện truyền thông không đồng tình với kết quả tăng trưởng này, và cho rằng điều đó chưa phản ánh đầy đủ nền kinh tế Ấn Độ đã phục hồi, do mức độ suy giảm của quý 2/2020 quá lớn nên dẫn đến hiệu ứng cơ sở thấp so với cùng kỳ.

Mặc dù đây là một trong những nguyên nhân, nhưng không nên xem nhẹ thành tựu đạt được trong bối cảnh Ấn Độ đối diện với cú sốc nặng nề của làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Kinh tế Ấn Độ bắt đầu phục hồi mạnh mẽ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc vốn liên tục xấu đi nhanh chóng kể từ sau năm 2019?

Thứ nhất, kinh tế Ấn Độ sẽ tiếp tục tách rời Trung Quốc. Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, trong nửa đầu năm 2021, kim ngạch thương mại Trung Quốc-Ấn Độ đạt 57,48 tỷ USD, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó Trung Quốc xuất khẩu 42,76 tỷ USD (tăng 60,4%) và nhập khẩu 14,72 tỷ USD (tăng 69,6%).

[Quan hệ Trung-Ấn: Tiềm ẩn nguy cơ leo thang nhưng không vượt kiểm soát]

Xét về kim ngạch thương mại, quan hệ kinh tế thương mại hai nước không giảm, ngược lại tăng lên, nhưng đầu tư song phương trong cùng kỳ của hai nước lại suy giảm đáng kể.

Đầu tư trực tiếp phi tài chính của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Ấn Độ đạt 34,19 triệu USD, giảm 67,5% so với cùng kỳ, ở chiều ngược lại đầu tư của Ấn Độ vào Trung Quốc đạt 3,08 triệu USD, giảm 73,4% so với cùng kỳ. Sự biến động của khối lượng thương mại hàng năm mang tính ngẫu nhiên.

Trong nửa đầu năm nay, kim ngạch thương mại Trung Quốc-Ấn Độ tăng mạnh do vừa liên quan đến hiệu ứng cơ sở thấp về kim ngạch thương mại cùng kỳ của hai nước dưới tác động của dịch COVID-19, vừa liên quan đến việc Ấn Độ nhập khẩu khối lượng lớn vật tư phòng dịch từ Trung Quốc do tác động của làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Trong khi đó, đầu tư lại phản ánh niềm tin đối với nước chủ nhà và nhận định đối với xu hướng quan hệ song phương.

Đầu tư qua lại giữa Trung Quốc và Ấn Độ sụt giảm mạnh, phản ánh một cách đầy đủ hai bên đều thiếu lòng tin vào sự phát triển quan hệ hai nước.

Năm 2019, Ấn Độ bỏ điều 370 của Hiến pháp, điều này không chỉ liên quan đến vấn đề Jammu-Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan, mà còn đưa khu vực Aksai Chin có tranh chấp chủ quyền do Trung Quốc kiểm soát thực tế vào khu vực trực thuộc quản lý hành chính Ladakh mới được thành lập, dẫn đến quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ xấu đi nhanh chóng.

Sau đó, "sự khiêu khích" của Ấn Độ ở thung lũng sông Galwan và các khu vực tranh chấp khác xung quanh, cũng như xung đột kéo dài xuất phát từ đó đã đẩy quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ xuống đáy.

Đúng vào thời điểm đó dịch bệnh bùng phát trên khắp Ấn Độ, do không thể kịp thời mua đầy đủ vật tư phòng dịch từ Trung Quốc khiến Ấn Độ dấy lên sự quan ngại chiến lược đối với an ninh kinh tế, nên đã đưa ra chiến lược “độc lập tự chủ” về kinh tế, đồng thời nghiêm cấm trên diện rộng việc sử dụng các ứng dụng của Trung Quốc, thậm chí những người Ấn Độ quá khích còn đập phá hàng hóa của Trung Quốc.

Thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, bắt đầu trở thành một trong những chính sách của Ấn Độ đối với Trung Quốc, đồng thời trở thành đồng thuận từ trên xuống dưới của Ấn Độ đối với Trung Quốc.

Kinh tế quý 2/2021 của Ấn Độ phục hồi mạnh mẽ sẽ tăng cường lòng tin của Ấn Độ vào chính sách tách rời kinh tế Trung Quốc.

Thứ hai, về mặt ngoại giao, Ấn Độ xích lại gần hơn với Mỹ. Sau khi cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung leo thang toàn diện, Chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi xem đó là cơ hội, đồng thời từ bỏ chiến lược không kết giao đồng minh đã theo đuổi nhiều năm, dứt khoát tìm cách kết giao đồng minh với các nước lớn khác.

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nhấn mạnh chính sách ngoại giao của Ấn Độ có thể làm giá tăng tính rủi ro ở mức độ nhất định.

Từ năm 2014 đến nay, chính quyền của ông Modi liên tục tăng cường quan hệ chính trị và quân sự với Mỹ.

Trong thời kỳ cựu Tổng thống Donald Trump nắm quyền, Mỹ và Ấn Độ phát triển thành quan hệ chuẩn đồng minh.

Kể từ khi ông Trump khởi động cơ chế đối thoại an ninh Bộ tứ (Quad, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) phiên bản 2.0, không những quan hệ Mỹ-Ấn Độ “ấm lên” nhanh chóng, mà quan hệ của Ấn Độ với hai đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là Nhật Bản và Australia cũng phát triển.

Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng thêm dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden.

Do ảnh hưởng của Mỹ, Hiệp định đầu tư toàn diện Trung Quốc-Liên minh châu Âu gần như đã được thu xếp ổn thỏa bị gác lại vô thời hạn. Để tìm kiếm thị trường thay thế Trung Quốc, đàm phán thương mại song phương giữa Liên minh châu Âu và Ấn Độ được đẩy nhanh tiến độ.

Australia là nước tiên phong chống Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời với việc quan hệ kinh tế thương mại Trung Quốc-Australia nhanh chóng tách rời, quan hệ kinh tế tế Ấn Độ-Australia bắt đầu ấm lên.

Ấn Độ là nước hưởng lợi lớn nhất của xung đột nói trên, và đằng sau là sự hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của Mỹ. Ấn Độ có thể sẽ tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ-Mỹ để tạo cơ hội lớn hơn cho sự phát triển của Ấn Độ.

Thứ ba, nền tảng quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ tiếp tục suy yếu. Phát triển quan hệ kinh tế thương mại, thúc đẩy cải cách trật tự quốc tế, bảo vệ ổn định biên giới Trung Quốc-Ấn Độ là ba động lực lớn để phát triển quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ.

Trong số đó, nội dung chủ yếu mà Trung Quốc và Ấn Độ thúc đẩy cải cách trật tự quốc tế là một bộ phận không hợp lý của trật tự quốc tế dưới sự dẫn dắt của Mỹ và các đồng minh phương Tây, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Ấn Độ liên tục ấm lên, quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ không ngừng xấu đi, động lực này cơ bản không còn.

Ấn Độ nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế dẫn đến động lực kinh tế thương mại suy yếu.

Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc trong nước Ấn Độ lên cao, chủ nghĩa cơ hội chiếm ưu thế, quan hệ giữa Ấn Độ với Mỹ và đồng minh liên tục có sự đột phá, việc ổn định biên giới Trung Quốc-Ấn Độ sẽ đối diện với thách thức lớn.

Tóm lại, vào thời điểm quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ xuống đáy, tốc độ tăng trưởng cao của quý 2 có thể khiến Ấn Độ cho rằng, sự xấu đi của quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ sẽ ảnh hưởng không đáng kể đến quá trình phát triển kinh tế của mình.

Thêm vào đó, lợi thế nhiều hơn bất lợi sẽ thúc đẩy Ấn Độ chấp nhận rủi ro hơn nữa trong quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục