Kinh tế châu Âu chịu tác động lớn do cuộc xung đột Nga-Ukraine

Trong quý 4 năm 2022, sáu nền kinh tế ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng trưởng âm, trong đó có Đức và Italy, với các mức tương ứng là -0,2% và -0,1%.
Kinh tế châu Âu chịu tác động lớn do cuộc xung đột Nga-Ukraine ảnh 1Giá cả tại Pháp đã tăng cao kỷ lục kể từ tháng 2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một năm sau khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine, Pháp và các nước khác ở châu Âu rơi vào thế khó, khi chịu tác động của lạm phát, khủng hoảng năng lượng, trong khi tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Xung đột Nga-Ukraine đã khiến lạm phát tại Pháp gia tăng. Giá cả tại nước này tăng lên mức kỷ lục kể từ tháng 2/2022.

Số liệu của Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (INSEE) cho thấy lạm phát tại Pháp ở mức 5,2% trong năm 2022, so với mức 1,6% trong năm 2021 và 0,5% trong năm 2020.

Riêng giá năng lượng tăng 23,1%, tiếp đến là thực phẩm tăng 6,8%, và hàng chế tạo và dịch vụ tăng 3%.

Giá năng lượng tại Pháp ở mức cao kỷ lục trong năm 2022, với giá khí đốt tự nhiên là 340 euro (364 USD)/MWh vào ngày 26/8/2022, so với mức dưới 30 euro (32 USD)/MWh của cùng kỳ năm 2021.

[Liên minh châu Âu gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Nga]

Ủy ban châu Âu dự báo kinh tế Pháp sẽ tăng trưởng ở các mức tương ứng 0,6% và 1,4% trong năm nay và năm tới, và kinh tế Đức thậm chí còn tăng trưởng thấp hơn, với các mức tương ứng 0,2% và 1,3%.

Trong quý 4 năm 2022, sáu nền kinh tế ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng trưởng âm, trong đó có Đức và Italy, với các mức tương ứng là -0,2% và -0,1%.

Hai nền kinh tế này chịu tác động mạnh nhất do cuộc khủng hoảng Ukraine, khi cùng dựa vào xuất khẩu và phụ thuộc lớn vào khí đốt tự nhiên của Nga, trong khi nguồn cung này bị gián đoạn sau khi các biện pháp trừng phạt Nga được thực hiện.

Khi việc tiếp cận khí đốt của Nga trở nên khó khăn hơn do xung đột, các nước châu Âu đã phải mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ với giá cao hơn nhiều.

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire năm ngoái cho biết, Mỹ bán LNG cho châu Âu với giá cao gấp bốn lần so với giá bán cho các nhà cung cấp Mỹ.

Theo công ty cung cấp và phân tích số liệu Kpler, EU nhập khẩu tổng cộng 94,73 triệu tấn LNG vào năm 2022, trong đó Mỹ chiếm gần 40%, trở thành nguồn cung lớn nhất cho khối này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục