Kinh tế Mỹ Latin phục hồi ấn tượng vào năm 2010

Khu vực Mỹ Latin và Caribe chia tay năm 2010 bằng sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, với GDP bình quân tăng 6% trong cả năm 2010.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC) cảnh báo điều quan trọng là khu vực này cần sẵn sàng để đương đầu với thời kỳ tăng trưởng kém lạc quan hơn trong năm 2011.

Khu vực Mỹ Latin và Caribe chia tay năm 2010 bằng sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, nhưng Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC) cảnh báo điều quan trọng là khu vực này cần sẵn sàng để đương đầu với thời kỳ tăng trưởng kém lạc quan hơn trong năm 2011.

ECLAC cho rằng toàn cảnh nền kinh tế khu vực phía Nam Tây bán cầu năm qua rất khả quan, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân tăng 6% trong cả năm, sau khi tăng trưởng âm 1,9% trong năm 2009.

Nhìn chung, thành tựu kinh tế năm 2010 của Mỹ Latin được ECLAC đánh giá là "nổi bật" và đó là kết quả của những chính sách hợp lý cũng như sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Theo ECLAC, trong năm 2010, khu vực Mỹ Latin dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng (6,6%), trong đó Paraguay tăng trưởng mạnh nhất (9,9%).

Nền kinh tế lớn nhất khu vực là Brazil cũng phục hồi nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,7% và tỷ lệ tạo việc làm mới cũng tăng mạnh, nhanh nhất trong nhóm các nền kinh tế mới nổi. Có được những thành tựu nổi bật này là nhờ nhu cầu nội địa tăng mạnh, chủ yếu do các chính sách công của Chính phủ nhằm khuyến khích chi tiêu và nguồn cung cấp tài chính, nhất là trong lĩnh vực đầu tư.

Khu vực tăng trưởng nhanh thứ hai ở Tây Bán cầu là Mexico và khu vực Trung Mỹ (4,9%) trong khi các nước Caribe chỉ tăng trưởng khiêm tốn (0,5%). Riêng Haiti, quốc gia nghèo nhất trong vùng, tăng trưởng âm 7% do hậu quả của trận động đất hồi đầu năm.

Trong bối cảnh lãi suất thấp và lượng tiền mặt trên thị trường tài chính quốc tế dồi dào, dòng vốn chảy vào Mỹ Latin dự kiến sẽ tăng, cùng với đó là dự trữ ngoại tệ và tính chuyên môn hóa trong sản xuất các sản phẩm hàng đầu cũng tăng mạnh.

Một kết quả tích cực khác là tỷ lệ thất nghiệp giảm, từ 8,2% năm 2009 xuống còn 7,6% trong năm 2010. Tuy nhiên, lạm phát tăng nhẹ do giá một số sản phẩm cơ bản trên thị trường quốc tế tăng mạnh.

Trong năm qua, khu vực Mỹ Latin tập trung hướng tới các thị trường mới nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Theo Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB), kim ngạch xuất khẩu của khu vực này trong năm 2010 ước tính tăng 29%, đạt khoảng 853 tỷ USD.

Tuy nhiên, ECLAC cũng khuyến cáo các nền kinh tế trong khu vực cần có những bước đi thận trọng do kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục