Kinh tế Nhật Bản phục hồi nhẹ song cảnh báo bất ổn trên thị trường

Trong báo cáo hằng tháng, Chính phủ Nhật Bản hạ đánh giá về hoạt động sản xuất lần đầu tiên kể từ tháng 12, trong bối cảnh nhu cầu ở nước ngoài đối với chất bán dẫn và các mặt hàng khác sụt giảm.
Kinh tế Nhật Bản phục hồi nhẹ song cảnh báo bất ổn trên thị trường ảnh 1Người dân mua thực phẩm trong siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Trong báo cáo kinh tế tháng 3 công bố ngày 22/3, Chính phủ Nhật Bản đánh giá nền kinh tế nước này đang phục hồi nhẹ, song duy trì cảnh báo những bất ổn trên thị trường, trong bối cảnh gia tăng lo ngại liên quan đến cuộc khủng hoảng mới đây tại ngân hàng Credit Suisse ở Thụy Sĩ và sự sụp đổ của hai ngân hàng lớn tại Mỹ.

Trong báo cáo hằng tháng này, Chính phủ Nhật Bản hạ đánh giá về hoạt động sản xuất lần đầu tiên kể từ tháng 12, trong bối cảnh nhu cầu ở nước ngoài đối với chất bán dẫn và các mặt hàng khác sụt giảm. Đánh giá về thu nhập của doanh nghiệp cũng giám lần đầu tiên sau gần 3 năm.

Trong số các thành phần quan trọng của nền kinh tế, sản xuất công nghiệp "ở mức yếu trong thời gian gần đây." Trong khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp nhìn chung đang được cải thiện, nhưng với tốc độ "vừa phải."

Báo cáo cũng đánh giá xuất khẩu “ở mức yếu” trong khi tiêu dùng tư nhân phục hồi nhẹ, tương đương với mức được ghi nhận trong tháng 2.

[Nhật Bản thông báo nền kinh tế quay lại quỹ đạo tăng trưởng]

Sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank tại Mỹ phải đóng cửa, bầu không khí lo ngại đã lan khắp các thị trường toàn cầu.

UBS, ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ, đã thông báo mua lại Credit Suisse trong một thỏa thuận giải cứu do chính phủ làm trung gian, trong khi đó các ngân hàng trung ương ở những nền kinh tế lớn đã quyết định tăng tính thanh khoản thông qua các thỏa thuận hoán đổi đồng USD.

Trong bối cảnh đó, báo cáo của Văn phòng Nội các Nhật Bản nêu rõ: “Cần tập trung chú ý tình trạng giá cả tăng, các vấn đề nguồn cung và những rối loạn trên các thị trường tài chính và vốn."

Kinh tế Nhật Bản đã tránh được suy thoái vào quý 4/2022. Nhiều chuyên gia kinh tế hy vọng sẽ đạt tăng trưởng trong quý 1/2023 khi tiêu dùng tư nhân, vốn chiếm hơn 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), được hỗ trợ nhờ lượng cầu về dịch vụ tăng, bất chấp lạm phát ở mức cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục