Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 7,76%; cao hơn mức tăng cùng kỳ của hai năm gần đây.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức ngày 15/6.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, với nhiều giải pháp được triển khai từ đầu năm 2017, đến nay kinh tế thành phố có nhiều chuyển biến khả quan, tiếp tục tăng trưởng cao với 7,76% (cùng kỳ tăng 7,47%).
Với đà tăng trưởng này, Thành phố Hồ Chí Minh có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2017 là từ 8,4-8,7%. Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đã đạt 173 nghìn tỷ đồng, bằng 49,5% so với kế hoạch năm, do vậy có cơ sở đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2017.
[[Infographics] Thành phố Hồ Chí Minh: Đầu tàu kinh tế của cả nước]
Trong tăng trưởng kinh tế chung, lĩnh vực dịch vụ tăng 7,38%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, khu vực nông nghiệp tăng 5,93%.
Về cơ cấu ngành trong GRDP, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 57,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 23,8%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,7%.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết chỉ số phát triển công nghiệp 6 tháng ước tăng 7,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,9%) và đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Kết quả này có được nhờ chính sách cả nước và thành phố đang tập trung phát triển công nghiệp, nhất là thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn vốn, mặt bằng chương trình hỗ trợ khác... phát huy hiệu quả. Động lực tăng của ngành công nghiệp tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố với mức tăng 9,72%, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.
Về đầu tư trong nước trên địa bàn 6 tháng qua, thành phố có hơn 18.000 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 227.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, có hơn 26.000 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng hơn 265 nghìn tỷ đồng. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là trên 492.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng con số doanh nghiệp thành lập mới chỉ tăng 10% cùng kỳ nhưng số vốn tăng trên 2 lần là một tín hiệu rất tốt, cho thấy các doanh nghiệp thành lập mới có chất lượng hơn cũng như doanh nghiệp có xu hướng mở rộng đầu tư, sản xuất.
Trong những tháng cuối năm, số lượng doanh nghiệp thành lập mới dự kiến cũng sẽ tăng cao hơn nữa khi các quận, huyện đang tích cực triển khai các giải pháp phát triển doanh nghiệp.
Đối với dự án đầu tư FDI, thành phố cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 340 dự án, tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và công nghiệp chế tạo. Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, thành phố thu hút được 2,15 tỷ USD (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ).
Để đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2017, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các sở ngành, quận huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan... đồng thời, hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Ngoài ra, thành phố sẽ đẩy mạnh giới thiệu các Chương trình kết nối cung-cầu, Chương trình kết nối doanh nghiệp-ngân hàng, Chương trình kích cầu thông qua đầu tư, Chương trình bình ổn thị trường... để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành, sản phẩm công nghiệp./.