“Đã bảo là đánh quân 3 vào cạnh quân 5 mà ông đánh thế thì hỏng rồi,” tiếng bà Trí vừa dứt thì phía đối phương, ông Hoạt đã dùng quân 4 đánh bật quân 3 ra ngoài biên và liên tiếp có những bước tiến đến trụ giữa sân.
Bộ môn thể thao bóng cửa, thoạt nhìn tưởng đơn giản mà lại khá phức tạp, khiến nhiều người già phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) đến khi rời khỏi sân, vẫn tranh cãi về đường đi, nước đánh.
Chơi bóng kiểu… già
Sân bóng cửa Thạch Bàn một ngày mùa hạ. Mới tinh mơ, ông Mai Văn Hoạt (62 tuổi) đã vác “chày” ra sân tập luyện. Chỉ một lát sau, nhiều người già từ khắp các nẻo đường trong xóm đã kéo đến sân bóng vốn là khoảnh đất ở trước đền Nghè, cùng tập.
Khi trên sân tập hợp độ 10 người, họ bắt đầu chia đội để chơi bóng. Sân bóng cửa ở Thạch Bàn có chiều rộng khoảng 15m, chiều dài 20m, được bố trí 3 ô cửa (như khung thành bộ môn bóng đá) ở 3 góc sân khác nhau, mỗi ô cửa có chiều rộng 22cm và chiều cao 20cm. Giữa sân có một thanh sắt nhỏ được đóng xuống nơi giao điểm 2 đường chéo của sân, có độ cao 20cm gọi là trụ. Bóng được sử dụng trong tập luyện và thi đấu gồm 10 quả với 2 màu đỏ và trắng, kích cỡ 7,5cm thường được làm bằng nhựa tổng hợp.
Ông Hoạt bảo, mỗi đội bóng cần có 5 cầu thủ chính thức, 1 chỉ đạo viên và 2 dự bị. Khi thi đấu, một đội nhận bóng (có thể là màu trắng) số 2, 4, 6, 8, 10 và đội còn lại nhận bóng (có thể là màu đỏ) số 1, 3, 5, 7, 9. Mỗi trận đấu thường kéo dài từ 2-3 hiệp, mỗi hiệp 30 phút và có trọng tài điều khiển. Đội nào thắng trong phần bốc thăm trước trận đấu sẽ được ưu tiên đánh trước.
Vừa thoăn thoắt đánh bóng, ông Hoạt vừa kể, mỗi một vận động viên phải quản lý 1 quả bóng. Đầu tiên, bóng được để ngoài biên và các vận động viên phải dùng chày (trông tựa chiếc vồ) đánh lần lượt bóng qua ô cửa số 1 gọi là… nhập sân. Mỗi lần đánh trượt, vận động viên này sẽ phải đợi các bóng khác vào sân hết rồi mới quay vòng đến lượt mình. Nếu sau 3 lần đánh bóng mà không qua ô số 1, vận động viên đó sẽ bị loại khỏi trận đấu.
Sau khi nhập sân, các vận động viên phải đưa bóng vào ô số 2 và số 3. Mỗi một lần bóng qua cửa, đội đó được tính 1 điểm và khi đánh trúng trụ giữa sân sẽ được cộng 2 điểm và kết thúc lượt chơi. Đội nào có các vận động viên đưa bóng về trụ trước sẽ chiến thắng, còn nếu không sẽ tính điểm khi trọng tài báo hiệp đấu 30 phút kết thúc.
Tuy nhiên, ngoài việc phải ngắm đánh chính xác và tiên lượng sức để độ lăn của bóng chuẩn theo ý muốn thì tính đồng đội trong bóng cửa được đề cao số 1. Bà Hoàng Thị Minh Trí (60 tuổi) bảo rằng, chơi bóng cửa đòi hỏi chiến thuật, thậm chí còn phải “cao tay” như chơi… cờ tướng. Mỗi đội bóng cửa buộc phải có một chỉ đạo viên khi đi thi đấu. Đây là người có thể “điều binh, khiển tướng” theo thế trận của đối phương và góp phần lớn quyết định chiến thắng.
Lý giải, bà Trí bảo, khi đội mình đánh bóng mà bị mất lượt (do không vào được cửa hoặc không chạm bóng nào) thì bóng có số thứ tự kế tiếp của đội bạn sẽ đến lượt. Lúc ấy, nếu bóng của mình “lớ ngớ” ở cạnh đội bạn thì có thể bị đánh bật ra biên và phải đợi đến khi các vận động viên đánh hết vòng mới được trở lại sân bóng. “Ở đội Thạch Bàn, cậy kỹ thuật tốt nên ông Hoạt là người chuyên môn… đánh bóng của đội bạn ra ngoài,” bà Trí cười “kể tội” đối phương.
Cũng theo bà Trí, trong một trận bóng cửa, người chỉ đạo và vận động viên không chỉ hiểu nhau, mà còn phải nghiên cứu kỹ cách đánh, đường đi của “địch” để tìm liệu pháp chống đỡ và phản công. Thông thường, các vận động viên phải biết bọc lót cho đồng đội cùng về đích, tránh việc bị đánh ra ngoài, ảnh hưởng tới tổng điểm chung của hiệp đấu. Cái hay, cái thú vị và cái khó của bóng cửa cũng chính là ở chỗ hai đội phài giằng co để nhích từng điểm số.
Sống vui, sống khỏe
Cả ông Hoạt và bà Trí đều bảo rằng, họ ham mê bóng cửa bởi đây là môn thể thao phù hợp với người già. So với tập thể dục dưỡng sinh hoặc đi bộ, bóng cửa không chỉ đòi hỏi sự dẻo dai, kiên trì mà còn cần độ chuẩn xác cao và đầu óc tính toán tốt. Ngoài ra, khi tham gia vào câu lạc bộ bóng cửa, những người già còn tìm được niềm vui mỗi lần xôm tụ cùng nhau, cùng hướng tới chiến thắng với chính người trong đội của mình.
Bà Trí bảo, câu lạc bộ bóng cửa Thạch Bàn có 30 người thì phân nửa là nữ giới. Họ thường tập vào một thời điểm nhất định trong ngày, và mùa hè là vào buổi sáng. Có người thì tập sớm, tập muộn tùy vào việc có phải đưa cháu đi học hay không. Buổi tập của các cụ thường kéo dài đến 9 giờ sáng hoặc muộn hơn, tùy thuộc vào thời tiết.
Trong câu lạc bộ bóng cửa Thạch Bàn, có lẽ đi xa nhất là cụ Đỗ Thị Sợi. Đã 74 tuổi, nhưng sáng nào cụ Sợi cũng mất tới 25 phút đạp xe từ thôn Cầu, tới sân trước đền Nghè (thôn Ngô) để tập bóng cửa. Cụ Sợi bảo, trước đây mình tập dưỡng sinh, nhưng do sân đình đang xây dựng lại, nên cụ tìm đến sân bóng này tập cùng các cụ ở thôn Ngô để… cho biết. Nhưng tập rồi mê, bởi thế “khi sân đình làm xong, tôi sẽ vận động các cụ ở thôn Cầu thành lập đội bóng cửa,” cụ Sợi nói.
Còn ông Hoạt thì cho hay, nhiều người yêu thích bóng cửa là vậy, nhưng cũng có nhiều trường hợp gia nhập câu lạc bộ rồi lại xin nghỉ vì đánh mãi mà bóng chẳng… vào cửa. Chơi bóng, lập đội, các cụ đã có nhiều cuộc giao lưu với các câu lạc bộ bóng cửa thuộc các xã ở Sóc Sơn, Gia Lâm, từ đó gắn kết tình bạn tuổi già.
Không chỉ đơn thuần đến sân chơi, tập thể dục, các cụ trong câu lạc bộ bóng cửa Thạch Bàn còn đóng tiền, lập quỹ để thăm hỏi nhau lúc ốm đau, bệnh tật. Nhiều người còn mang cả những tâm tư, nguyện vọng chia sẻ với nhau về cách giáo dục con cháu, cách ăn uống hợp lý, tự trồng rau xanh trong nhà để bảo đảm có rau sạch…
Rời sân bóng cửa Thạch Bàn khi mặt trời đã lên quá ngọn tre, trong lúc các cụ đã phải đội nón để chơi bóng vì những tán cây trứng cá không che nổi trời nắng. Gió sông Hồng thổi vào mát rượi, lại thấy tinh thần tập luyện của những người già nơi đây thật miệt mài. Tôi nhớ mãi lời ông Hoạt: “Bóng cửa là môn thể thao của giới quý tộc Anh, du nhập qua Trung Quốc vào Việt Nam. Đây là môn thể thao rất phù hợp với người già vì không chỉ giúp họ vận động khắp thân thể, mà còn tận dụng cả trí lực. Nhưng thật tiếc, bóng cửa chưa thực sự phát triển được bởi nhiều nơi thiếu một khoảng đất làm sân bóng.”
Ngẫm lời ông Hoạt, càng thấy sân chơi cho trẻ nhỏ, người già hiện nay còn thiếu quá nhiều…./.
Bộ môn thể thao bóng cửa, thoạt nhìn tưởng đơn giản mà lại khá phức tạp, khiến nhiều người già phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) đến khi rời khỏi sân, vẫn tranh cãi về đường đi, nước đánh.
Chơi bóng kiểu… già
Sân bóng cửa Thạch Bàn một ngày mùa hạ. Mới tinh mơ, ông Mai Văn Hoạt (62 tuổi) đã vác “chày” ra sân tập luyện. Chỉ một lát sau, nhiều người già từ khắp các nẻo đường trong xóm đã kéo đến sân bóng vốn là khoảnh đất ở trước đền Nghè, cùng tập.
Khi trên sân tập hợp độ 10 người, họ bắt đầu chia đội để chơi bóng. Sân bóng cửa ở Thạch Bàn có chiều rộng khoảng 15m, chiều dài 20m, được bố trí 3 ô cửa (như khung thành bộ môn bóng đá) ở 3 góc sân khác nhau, mỗi ô cửa có chiều rộng 22cm và chiều cao 20cm. Giữa sân có một thanh sắt nhỏ được đóng xuống nơi giao điểm 2 đường chéo của sân, có độ cao 20cm gọi là trụ. Bóng được sử dụng trong tập luyện và thi đấu gồm 10 quả với 2 màu đỏ và trắng, kích cỡ 7,5cm thường được làm bằng nhựa tổng hợp.
Ông Hoạt bảo, mỗi đội bóng cần có 5 cầu thủ chính thức, 1 chỉ đạo viên và 2 dự bị. Khi thi đấu, một đội nhận bóng (có thể là màu trắng) số 2, 4, 6, 8, 10 và đội còn lại nhận bóng (có thể là màu đỏ) số 1, 3, 5, 7, 9. Mỗi trận đấu thường kéo dài từ 2-3 hiệp, mỗi hiệp 30 phút và có trọng tài điều khiển. Đội nào thắng trong phần bốc thăm trước trận đấu sẽ được ưu tiên đánh trước.
Vừa thoăn thoắt đánh bóng, ông Hoạt vừa kể, mỗi một vận động viên phải quản lý 1 quả bóng. Đầu tiên, bóng được để ngoài biên và các vận động viên phải dùng chày (trông tựa chiếc vồ) đánh lần lượt bóng qua ô cửa số 1 gọi là… nhập sân. Mỗi lần đánh trượt, vận động viên này sẽ phải đợi các bóng khác vào sân hết rồi mới quay vòng đến lượt mình. Nếu sau 3 lần đánh bóng mà không qua ô số 1, vận động viên đó sẽ bị loại khỏi trận đấu.
Sau khi nhập sân, các vận động viên phải đưa bóng vào ô số 2 và số 3. Mỗi một lần bóng qua cửa, đội đó được tính 1 điểm và khi đánh trúng trụ giữa sân sẽ được cộng 2 điểm và kết thúc lượt chơi. Đội nào có các vận động viên đưa bóng về trụ trước sẽ chiến thắng, còn nếu không sẽ tính điểm khi trọng tài báo hiệp đấu 30 phút kết thúc.
Tuy nhiên, ngoài việc phải ngắm đánh chính xác và tiên lượng sức để độ lăn của bóng chuẩn theo ý muốn thì tính đồng đội trong bóng cửa được đề cao số 1. Bà Hoàng Thị Minh Trí (60 tuổi) bảo rằng, chơi bóng cửa đòi hỏi chiến thuật, thậm chí còn phải “cao tay” như chơi… cờ tướng. Mỗi đội bóng cửa buộc phải có một chỉ đạo viên khi đi thi đấu. Đây là người có thể “điều binh, khiển tướng” theo thế trận của đối phương và góp phần lớn quyết định chiến thắng.
Lý giải, bà Trí bảo, khi đội mình đánh bóng mà bị mất lượt (do không vào được cửa hoặc không chạm bóng nào) thì bóng có số thứ tự kế tiếp của đội bạn sẽ đến lượt. Lúc ấy, nếu bóng của mình “lớ ngớ” ở cạnh đội bạn thì có thể bị đánh bật ra biên và phải đợi đến khi các vận động viên đánh hết vòng mới được trở lại sân bóng. “Ở đội Thạch Bàn, cậy kỹ thuật tốt nên ông Hoạt là người chuyên môn… đánh bóng của đội bạn ra ngoài,” bà Trí cười “kể tội” đối phương.
Cũng theo bà Trí, trong một trận bóng cửa, người chỉ đạo và vận động viên không chỉ hiểu nhau, mà còn phải nghiên cứu kỹ cách đánh, đường đi của “địch” để tìm liệu pháp chống đỡ và phản công. Thông thường, các vận động viên phải biết bọc lót cho đồng đội cùng về đích, tránh việc bị đánh ra ngoài, ảnh hưởng tới tổng điểm chung của hiệp đấu. Cái hay, cái thú vị và cái khó của bóng cửa cũng chính là ở chỗ hai đội phài giằng co để nhích từng điểm số.
Sống vui, sống khỏe
Cả ông Hoạt và bà Trí đều bảo rằng, họ ham mê bóng cửa bởi đây là môn thể thao phù hợp với người già. So với tập thể dục dưỡng sinh hoặc đi bộ, bóng cửa không chỉ đòi hỏi sự dẻo dai, kiên trì mà còn cần độ chuẩn xác cao và đầu óc tính toán tốt. Ngoài ra, khi tham gia vào câu lạc bộ bóng cửa, những người già còn tìm được niềm vui mỗi lần xôm tụ cùng nhau, cùng hướng tới chiến thắng với chính người trong đội của mình.
Bà Trí bảo, câu lạc bộ bóng cửa Thạch Bàn có 30 người thì phân nửa là nữ giới. Họ thường tập vào một thời điểm nhất định trong ngày, và mùa hè là vào buổi sáng. Có người thì tập sớm, tập muộn tùy vào việc có phải đưa cháu đi học hay không. Buổi tập của các cụ thường kéo dài đến 9 giờ sáng hoặc muộn hơn, tùy thuộc vào thời tiết.
Trong câu lạc bộ bóng cửa Thạch Bàn, có lẽ đi xa nhất là cụ Đỗ Thị Sợi. Đã 74 tuổi, nhưng sáng nào cụ Sợi cũng mất tới 25 phút đạp xe từ thôn Cầu, tới sân trước đền Nghè (thôn Ngô) để tập bóng cửa. Cụ Sợi bảo, trước đây mình tập dưỡng sinh, nhưng do sân đình đang xây dựng lại, nên cụ tìm đến sân bóng này tập cùng các cụ ở thôn Ngô để… cho biết. Nhưng tập rồi mê, bởi thế “khi sân đình làm xong, tôi sẽ vận động các cụ ở thôn Cầu thành lập đội bóng cửa,” cụ Sợi nói.
Còn ông Hoạt thì cho hay, nhiều người yêu thích bóng cửa là vậy, nhưng cũng có nhiều trường hợp gia nhập câu lạc bộ rồi lại xin nghỉ vì đánh mãi mà bóng chẳng… vào cửa. Chơi bóng, lập đội, các cụ đã có nhiều cuộc giao lưu với các câu lạc bộ bóng cửa thuộc các xã ở Sóc Sơn, Gia Lâm, từ đó gắn kết tình bạn tuổi già.
Không chỉ đơn thuần đến sân chơi, tập thể dục, các cụ trong câu lạc bộ bóng cửa Thạch Bàn còn đóng tiền, lập quỹ để thăm hỏi nhau lúc ốm đau, bệnh tật. Nhiều người còn mang cả những tâm tư, nguyện vọng chia sẻ với nhau về cách giáo dục con cháu, cách ăn uống hợp lý, tự trồng rau xanh trong nhà để bảo đảm có rau sạch…
Rời sân bóng cửa Thạch Bàn khi mặt trời đã lên quá ngọn tre, trong lúc các cụ đã phải đội nón để chơi bóng vì những tán cây trứng cá không che nổi trời nắng. Gió sông Hồng thổi vào mát rượi, lại thấy tinh thần tập luyện của những người già nơi đây thật miệt mài. Tôi nhớ mãi lời ông Hoạt: “Bóng cửa là môn thể thao của giới quý tộc Anh, du nhập qua Trung Quốc vào Việt Nam. Đây là môn thể thao rất phù hợp với người già vì không chỉ giúp họ vận động khắp thân thể, mà còn tận dụng cả trí lực. Nhưng thật tiếc, bóng cửa chưa thực sự phát triển được bởi nhiều nơi thiếu một khoảng đất làm sân bóng.”
Ngẫm lời ông Hoạt, càng thấy sân chơi cho trẻ nhỏ, người già hiện nay còn thiếu quá nhiều…./.
Trung Hiền (Vietnam+)