Ngày 11/4, tại Hà Nội, Trung tâm thông tin Năng lượng Nguyên tử (ICONE) - Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Khoa học Nga tại Việt Nam, Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội tổ chức kỷ niệm Ngày vũ trụ Liên bang Nga, 55 năm chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ của Yuri Gagarin và ứng công nghệ hạt nhân vào chinh phục vũ trụ.
Tại lễ kỷ niệm, ông Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh thế giới vũ trụ rộng lớn vẫn chứa đựng nhiều điều bí ẩn mà khoa học hiện đại vẫn chưa khám phá hết, thế giới ngày càng phẳng hơn, nghiên cứu không gian vũ trụ đã trở thành một lĩnh vực hợp tác quốc tế.
Liên bang Nga với nhiều thập kỷ giữ vững vị thế cường quốc hàng đầu về nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ để phát triển kinh tế-xã hội và những mục đích hòa bình, đã luôn đồng hành với các quốc gia phát triển hàng không vũ trụ khác thực hiện các chuyến bay có người lái vào không gian vũ trụ.
Năm 1961, nhà du hành vũ trụ của Liên Xô Yuri Gagarin đã thực hiện chuyến bay đầu tiên lên không gian. Đến ngày 23/7/1980, hai nhà du hành vũ trụ của Liên Xô và Việt Nam là Viktor Vassilyevich Gorbatko và Phạm Tuân đã được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu “Liên hợp-37,” sự kiện này vẫn là một dấu mốc quan trọng đối với Việt Nam.
Hiện nay, các phi hành gia và chuyên gia kỹ thuật của Nga đã tích lũy được những kinh nghiệm quý giá trong lĩnh vực đảm bảo cuộc sống trên tàu vũ trụ và trong không gian, ông Huỳnh Quyết Thắng nói.
Tại lễ kỷ niệm, liên quan đến ứng dụng công nghệ hạt nhân chinh phục vũ trụ, phó giáo sư-tiến sỹ Hà Mạnh Thư, Giám đốc Trung tâm thông tin Năng lượng Nguyên tử (ICONE) cho biết trong công cuộc chinh phục vũ trụ, động cơ hạt nhân là loại động cơ duy nhất có thể giúp con người chinh phục dải Ngân hà với hành trình ngắn nhất. Vì vậy, ứng dụng của lĩnh vực hạt nhân vô cùng to lớn trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ.
Vào trung tuần tháng Ba vừa qua, Nga thông báo kế hoạch sử dụng động cơ hạt nhân để đưa các phi hành gia lên sao Hỏa vào đầu năm 2018.
Động cơ hạt nhân cho phép phi thuyền cơ động linh hoạt trong suốt chuyến bay, trong khi công nghệ hiện nay chỉ đi theo một quỹ đạo nhất định.
Tàu vũ trụ với động cơ đẩy hạt nhân có thể giúp các nhà du hành vũ trụ đến Sao Hỏa chỉ trong một tháng rưỡi thay vì 18 tháng như hiện nay, nếu thành công, Nga sẽ là nước đầu tiên đưa được người lên hành tinh Đỏ, phó giáo sư-tiến sỹ Hà Mạnh Thư nói.
Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, ICONE tổ chức một chương trình đố vui dành cho sinh viên, học sinh Hà Nội nhằm giúp giới trẻ nhận diện rõ ràng hơn về hệ mặt trời, dải Ngân Hà.
Đặc biệt, tại lễ kỷ niệm, lần đầu tiên, Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội thực hiện trình diễn bắn tên lửa nước tại sảnh lớn Thư viện Đại học Bách khoa Hà Nội./.
Nga phóng tàu vũ trụ mang vi vệ tinh đầu tiên trên thế giới lên ISS
Tàu vận tải Progress MS-02 được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur (do Nga thuê của Kazakhstan) bằng tên lửa đẩy Soyuz-2.1a, đã tách khỏi tầng thứ ba của tên lửa đẩy và đi vào quỹ đạo.