Phải tới cuối ngày hôm nay (26/8), điền kinh mới kết thúc nội dung thi đấu cuối cùng tại SEA Games 2017 nhưng ngay từ bây giờ đã có thể khẳng định đội tuyển điền kinh Việt Nam đã giành ngôi nhất toàn đoàn với 16 huy chương vàng, nhiều gấp đôi số huy chương vàng của đoàn Thái Lan.
Đây thực sự được coi là một kỳ tích, bởi ở 2 kỳ SEA Games gần nhất, đội tuyển điền kinh Việt Nam đều chỉ có 11 huy chương vàng và phải đứng sau người Thái Lan.
Những vận động viên giành huy chương vàng cho điền kinh Việt Nam như Lê Tú Chinh (100m, 200m, 4x100m), Vũ Thị Ly (800m), Nguyễn Thị Oanh (1500m, 5000m), Dương Văn Thái (800m và 1500m), Nguyễn Thị Huyền (400m và 400m rào), Dương Thị Việt Anh (nhảy cao), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa)… đều xứng đáng được coi là người hùng bởi thành tích xuất sắc của họ.
[Nhà vô địch nhảy xa Thu Thảo từng... bỏ điền kinh đi làm phụ hồ]
Nhưng ít ai biết rằng phía sau mỗi người hùng ấy là cả một câu chuyện dài về sự hy sinh và tinh thần đồng đội, và trường hợp của vận động viên Phạm Thị Huệ là một ví dụ như thế.
Phạm Thị Huệ là một trong những vận động viên điền kinh khá đặc biệt của SEA Games 29, bởi cô đã thi đấu với đôi chân trần ở nội dung chạy 10.000m và đã giành được huy chương bạc.
Giải thích về lý do Phạm Thị Huệ dùng chân trần để chạy thi trên quãng đường dài tới 10.000m, huấn luyện viên Trần Văn Sỹ của đội tuyển điền kinh cho biết: "Vận động viên Huệ từ địa phương lên tập trung đội tuyển quốc gia nên có thói quen sử dụng chân đất chạy trên đường chạy phủ nhựa tổng hợp ở các địa phương như rất nhiều vận động viên khác. Nhiều vận động viên từng chạy giày đinh, như vận động viên Phạm Thị Bình từng chạy chân đất suốt cả 42.195km để giành huy chương vàng."
"Khi triệu tập vận động viên, chúng tôi phải tập dần dần cho họ làm quen, kể cả về ý thức cũng như chuyên môn. Trong quá trình tập huấn, chúng tôi có cho vận động viên chạy bằng giày nhưng vì chưa quen nên các em bị cấn cá ở cổ chân. Thật ra Huệ đang bị chấn thương cổ chân nên chúng tôi không dám mạo hiểm cho Huệ chạy giày đinh ở nội dung 10.000m," ông Trần Văn Sỹ nói.
Còn Phạm Thị Huệ thì giải thích: "Tôi bị trượt da ở gót chân nên chạy 10.000m mà đi giày đinh sẽ bị bó hơn. Không phải không đi giày thì sẽ tốt hơn mà điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Khi chạy chân đất thì tôi cảm thấy thoải mái hơn, thoát chân hơn. Thật sự ở giải này tôi cũng muốn chạy giày đinh nhưng do lúc tập luyện ở nhà tôi bị chấn thương ở gót và khoeo nên tôi không đi được giày đinh trong thời gian dài. Nếu dùng giày đinh thi đấu tất cả các nội dung sẽ bị ảnh hưởng lớn."
Theo ông Sỹ, vận động viên điền kinh nếu sử dụng giày đinh sẽ thi đấu tốt hơn so với khi không mang giày, đặc biệt là ở đoạn cuối. Tuy nhiên, với tình trạng chấn thương và thể lực của Huệ hiện tại, cô không thể mang giày đinh chạy ở cả 2 nội dung 10.000m và 5.000m, nên sau khi đội tuyển điền kinh Việt Nam thất bại ở nội dung 10.000m nữ, Ban huấn luyện và cá nhân Huệ đã quyết định để cô mang giày đinh thi đấu ở nội dung 5.000m.
Ông Sỹ giải thích thêm: "Với nội dung 10.000m thì Huệ chưa tập chạy bằng giày đinh, còn ở nội dung 5.000m thì Huệ đã tập chạy rồi nên mới Ban huấn luyện mới để em xỏ giày thi đấu.”
Để có thể giành chiến thắng ở những cuộc thi chạy cự ly trung bình và dài, Ban huấn luyện và vận động viên bắt buộc phải có chiến thuật hợp lý và trong trường hợp ở nội dung 5.000m thì Huệ được chọn là người “chạy mồi” để thu hút sự chú ý của vận động viên Indonesia, người đang giữ kỷ lục SEA Games ở nội dung 5.000m.
Ông Sỹ tiết lộ: “Khi nhìn vận động viên Indonesia thi đấu nội dung 10.000m thì chúng tôi đã biết được ưu điểm và nhược điểm của vận động viên Indonesia. Đó là nếu chúng ta chạy chậm và bứt tốc độ ở đoạn cuối sẽ có lợi thế. Chúng ta có Huệ làm ẩn số để dẫn vận động viên Indonesia chạy chậm lại, sau đó Oanh sẽ sử dụng tốc độ để bứt lên ở đoạn cuối.”
Và diễn biến ở trên đường chạy sân Bukit Jalil đã có kịch bản đúng như mong đợi của Ban huấn luyện đội tuyển điền kinh, khi Huệ chủ động chạy dẫn để kìm chân vận động viên Indonesia, và đến những vòng cuối cùng thì Oanh dùng tốc độ bứt lên.
Kết quả cuối cùng là Oanh đã về nhất với khoảng cách gần một vòng sân (khoảng 400m) so với vận động viên Indonesia, còn Huệ cũng xuất sắc về nhì, dù cô chỉ xuất trận với vai trò "chim mồi."
Khi tới vạch đích, Huệ đã gần như ngã ngất ngay trên sân vì quá mệt và phải nhờ tới sự giúp đỡ của Oanh để đứng dậy.
Với 2 chiếc huy chương bạc ở SEA Games 29, Huệ vẫn chưa thể xóa được cái dớp không có huy chương vàng SEA Games, vì ở SEA Games 28 cô cũng chỉ có huy chương bạc, nhưng Huệ không lấy thế làm buồn, bởi với cô được đóng góp công sức vào thành công chung của cả đội tuyển điền kinh Việt Nam đã là một niềm hạnh phúc lớn lao.
Trả lời phỏng vấn, trong khi Oanh cười tươi như hoa thì Huệ khóc như mưa vì quá xúc động. Huệ nói: “Thật sự là tôi không ngờ mình lại giành huy chương bạc. Khi chạy chân đất thì chỗ gót chân của tôi bớt đau hơn như khi chạy giày đinh, còn hôm nay chạy bằng giày đinh thì tôi có bị đau ở gót, nhưng tôi không nghĩ tới chuyện bỏ giày hay đau đớn, mệt mỏi mà chỉ biết cố gắng vượt qua đối thủ. Tôi nghĩ vận động viên Indonesia chạy không tốt lắm ở phần thi này. Chị em chúng tôi rất vui khi được giương cao cờ Tổ quốc trên đất nước Malaysia. Chúng tôi mong mình ngày càng cố gắng để thi đấu tốt hơn nữa nhằm hướng tới đấu trường Asian Games.”
[Cận cảnh khoảnh khắc điền kinh Việt Nam giành tấm HCV lịch sử]
Còn huấn luyện viên Trần Văn Sỹ thì nói: “Chúng ta thắng được là nhờ có chiến thuật hợp lý và sự đoàn kết của 2 vận động viên, phối hợp với nhau rất ăn ý, đặc biệt là ở đoạn cuối. Đến nội dung 5.000m này chúng tôi mới dám để Huệ sử dụng giày đinh và chúng tôi hy vọng ở các kỳ giải tiếp theo chúng tôi sẽ huấn luyện cho Huệ quen sử dụng giày đinh để thi đấu tốt hơn, vì tâm lý Huệ vẫn chưa hoàn toàn quen với việc chạy bằng giày đinh. Tôi khẳng định là nếu có giày đinh thì vận động viên sẽ chạy tốt hơn ở đoạn cuối, nhưng chạy cả quãng đường dài như cự ly 5.000m hay 10.000m thì cần nỗ lực ý chí trong cả tập luyện cũng như thi đấu.”
Nguyễn Thị Oanh cũng nói rằng trước khi thi đấu nội dung 5.000m thì cô không hề nghĩ tới việc sẽ giành được huy chương vàng, nhưng nhờ sự hy sinh thầm lặng của người đồng đội Phạm Thị Huệ và phần nào là cả sự sa sút bất ngờ của vận động viên Indonesia nên Oanh đã về nhất một cách xuất sắc.
Kỳ tích số 1 toàn đoàn của điền kinh Việt Nam được viết lên bởi những người hùng như Nguyễn Thị Oanh, như Lê Tú Chinh, nhưng phía sau các nhà vô địch luôn có công sức và cả sự hy sinh của những người đồng đội./.