Ký ức hào hùng của lớp phóng viên chiến trường GP10

Những tháng năm chiến tranh gian khổ đói cơm, nhạt muối, sốt rét hành hạ, cái chết rình rập, song các phóng viên GP10 luôn lạc quan, yêu đời, “phơi phới dậy tương lai,” tất cả vì miền Nam ruột thịt.
Ký ức hào hùng của lớp phóng viên chiến trường GP10 ảnh 1Các cựu phóng viên GP10 thắp hương tại căn cứ Trung ương cục miền Nam - vùng “Mã Đà sơn cước”- chiếc nôi của “Chiến khu Đ”. (Ảnh: Vũ Xuân Bân/Vietnam+)

Ngày đón nhận danh hiệu anh hùng của Thông tấn xã Giải phóng, nay là Thông tấn xã Việt Nam, đang đến gần khiến chúng tôi xốn xang, xúc động.

Là lớp phóng viên chiến trường GP10, chúng tôi có dịp hồi tưởng lại những tháng ngày gian khổ hành quân trên đường Trường Sơn cũng như những tháng năm hào hùng ở chiến khu xưa, hay còn gọi là ở R (Tây Ninh) và những ngày làm phóng viên mặt trận ở khắp chiến trường miền Nam.

Những tháng năm chiến tranh gian khổ đó, đói cơm, nhạt muối, lo ăn từng bữa, ốm đau bệnh tật, nhất là sốt rét không chừa một ai, sống chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng không ai kêu ca, phàn nàn, nản chí, tính toán cá nhân, mà luôn lạc quan, yêu đời, trong lòng lúc nào cũng “phơi phới dậy tương lai,” tất cả vì miền Nam ruột thịt, thống nhất đất nước.

Thế hệ trẻ lúc đó được giáo dục rất tốt. Học xong đại học, học tiếp lớp phóng viên đặc biệt GP10 cho trận đánh cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất non sông, chúng tôi được về ăn Tết nguyên đán Quý Sửu (1973) và nghỉ một tuần chia tay tạm biệt cha mẹ, người thân ở quê nhà để chuẩn bị bước vào những ngày gian khổ hành quân vượt Trường Sơn.

Buổi sáng hết phép chia tay cha mẹ, người thân, tôi mới thổ lộ: “Con ra Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới đi B” (đi nhận công tác tại chiến trường miền Nam)."

Cả nhà nghe tin đó đều bất ngờ vì cứ ngỡ tôi sau khi tốt nghiệp đại học sẽ làm việc tại một cơ quan nghiên cứu nào đó ở Hà Nội.

Ký ức hào hùng của lớp phóng viên chiến trường GP10 ảnh 2Các phóng viên GP10 chụp ảnh kỷ niệm tại khu di tích căn cứ Trung ương cục miền Nam nhân chuyến trở lại R – Chiến khu Tây Ninh. (Ảnh: Vũ Xuân Bân/Vietnam+)

Việc tôi đi B đột ngột đã khiến mẹ tôi bị sốc, bà cứ thẫn thờ như người mất hồn vì thương tôi, là con trai duy nhất trong gia đình, lại phải đi B, tức vào chiến trường - nơi mũi tên hòn đạn - không biết sống chết ra sao.

Tôi còn nhớ như in hôm mẹ tiễn tôi lên đường ra đến bờ đê Nam sông Mã, mẹ tôi khóc nức nở khi tôi vẫy tay chào và nhắn hẹn: “Con đi công tác xa có lẽ khi nào giải phóng miền Nam con mới về thăm quê nhà.”

Vài tháng sau đó, vào buổi chiều đi chăn trâu ở ngoài đồng, mẹ tôi bần thần vì thướng nhớ con trai nên không tránh kịp trời mưa dông bất chợt và bị cảm lạnh, ốm một trận “thập tử nhất sinh." May mà bà qua được nhưng bị di chứng lạnh cóng chân tay, sức khỏe yếu hẳn đi.

Được phân công đi chiến trường “miền Đông Nam Bộ - gian lao mà anh dũng,” chủ yếu là tại Long Khánh-Bà Rịa-Vũng Tàu trong năm 1974, tôi đã nếm trải vài ba trận sốt rét, phải tiêm thuốc quinin vào mông để nhanh chóng cắt cơn, hành quân tiếp.

Nhớ nhất là có cả gần tháng trời ở trong hang trên núi Minh Đạm với cán bộ và du kích địa phương nằm ngay sát bờ biển, cách không xa bãi tắm Vũng Tàu, vô cùng gian nan.

Tại đây cuộc đấu tranh với nguy quân, ngụy quyền diễn ra quyết liệt, tôi đã viết những bài báo đầu tiên “Cuộc sống vùng ven,” “ Dưới chân núi Minh Đạm,” “Sự thức tỉnh muộn màng của một sỹ quan ngụy," “Trên vành đại Úc hôm nay”

[''GP10'' - thế hệ ''vàng'' cho trận đánh thống nhất đất nước]

Các bài báo được phát trên bản tin thời sự Thông tấn xã Giải phóng và TTXVN, sau đó  được phát trên Đài phát thanh Giải Phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam , là nguồn cổ vũ động viên rất lớn, làm tôi rất phấn chấn về nghề nghiệp.

Cũng chính tại đây đã không ít ngày đói cơm, nhạt muối, sốt rét hành hạ và thật may mắn đến ngày chiến thắng 30/4/1975 giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi cùng nhiều đồng đội vẫn còn sống để được về quê gặp lại cha mẹ, người thân, như nhắn hẹn lúc chia tay mẹ già ngày nào đã thành hiện thực.

Thật bất ngờ, đầu năm 2019, tôi được người bạn cùng quê Phạm Quang Nghị, đồng môn Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ, nay là Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội đã tặng quyển sách quý Nhật ký “Nơi ấy là CHIẾN TRƯỜNG,” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, thu hút sự chú ý của bạn đọc.

Ở trang 253 của cuốn Nhật ký, Phạm Quang Nghị ghi chép “Ngày 7/6/1973 có nhắc đến tôi (Vũ Xuân Bân) trong một kỷ niệm ‘Ngày qua, tức ngày 6/6/1973,’ tôi mới từ ngoài Bắc vượt Trường Sơn vào nhận công tác tại Thông tấn xã Giải Phóng được 4 ngày, hỏi thăm được địa chỉ đã tranh thủ băng rừng ở “R” đến thăm Phạm Quang Nghị, lúc đó là phóng viên biên tập Văn nghệ Giải phóng.

Ký ức hào hùng của lớp phóng viên chiến trường GP10 ảnh 3Phạm Quang Nghị (bên phải) gặp Vũ Xuân Bân (Phóng viên TTXGP) vừa miền Bắc vào “R” – Chiến khu Tây Ninh. Ảnh chụp tháng 6/1973). (Ảnh tác giả cung cấp)

Câu chuyện gặp nhau cách nay hơn 47 năm không ngờ đã được Phạm Quang Nghị ghi chép lại một cách trung thực, sống động.

Không những vậy, trong phần cuối của sách “Nơi ấy là CHIẾN TRƯỜNG” có mục “Một số hình ảnh và tư liệu” đăng hai bức ảnh quý tôi chụp chung với Phạm Quang Nghị, trong đó có ảnh chú thích “Gặp Vũ Xuân Bân (Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng) vừa miền Bắc vào “R”(ảnh chụp tháng 6 năm 1973 - cách nay hơn 47 năm) và một ảnh chú thích “Đi tiếp phẩm qua trảng ‘Cố Vấn’-Căn cứ ‘R’ Tây Ninh” (Phạm Quang Nghị đi xe đạp trước, tôi đi sau - ảnh dưới: Chụp cuối năm 1973, cách nay hơn 47 năm).

Có thể nói cuốn Nhật ký “Nơi ấy là Chiến Trường” như một bộ phim tái hiện chân thực về một giai đoạn chiến tranh giải phóng miền Nam, về quê hương đất nước, về cuộc sống, về tâm trạng người chiến sỹ, người dân và các đối tượng bên kia chiến tuyến…

Đó là tư liệu quý mà bạn đồng môn, đồng nghiệp Phạm Quang Nghị, vốn là người rất cẩn trọng còn lưu giữ được và là kỷ niệm cực kỳ sâu sắc giữa tôi và Phạm Quang Nghị thời trai trẻ cùng quê, cùng học khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Ký ức hào hùng của lớp phóng viên chiến trường GP10 ảnh 4“Đi tiếp phẩm qua trảng ‘Cố Vấn’ – Căn cứ ‘R’ – Chiến khu Tây Ninh” (Phạm Quang Nghị đi xe đạp trước, Vũ Xuân Bân đi sau. Ảnh Chụp cuối năm 1973). (Ảnh tác giả cung cấp)

(Nghị học khoá 12, trước tôi 1 năm) và cùng vượt Trường Sơn vào “R” (Nghị đi trước tôi gần 2 năm) cùng vào chiến trường Nam Bộ, cùng là phóng viên nhưng ở 2 cơ quan Văn nghệ và Thông tấn xã Giải phóng.

Cả hai chúng tôi chỉ bị những trận sốt rét, có lúc "lên bờ xuống ruộng," tối tăm mặt mũi tưởng không qua nổi, nhưng may mắn cuối cùng chúng tôi vẫn còn sống để về với cha mẹ, người thân và quê hương, tiếp tục công tác cho đến lúc nghỉ hưu.

Đối với Phạm Quang Nghị thành đạt hơn nhiều, trở thành cán bộ cấp cao, là một trong những cựu sinh viên khoa Sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) thành đạt nhất, nay đã nghỉ hưu, trở về đời thường, làm “dân vạn đại,” lại tiếp tục viết sách, làm thơ dâng hiến tiếp cho đời.

Chiến tranh lùi xa gần nửa thế kỷ, Thông tấn xã Giải phóng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng, là dịp gợi nhớ lại những tháng năm gian lao kháng chiến, ác liệt, tình đồng chí, đồng đội, tình yêu thương của người dân, đã giúp chúng ta củng cố niềm tin tất thắng, có thêm nghị lực, dũng khí, vững vàng trên vị trí phóng viên chiến trường, người lính xung kích trên mặt trận chính trị tư tưởng, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc để đất nước có ngày hôm nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục