Kỳ vọng của đại biểu ở buổi chất vấn Phó Thủ tướng

"Tôi hy vọng Phó Thủ tướng sẽ giải đáp hết những vấn đề cơ bản và tạo ra sự đồng thuận, trước hết là trong Quốc hội và Chính phủ."
Chiều nay (14/6), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Sau khi 4 vị Bộ trưởng đã đăng đàn trả lời trước Quốc hội, phiên chất vấn chiều nay được cử tri và các đại biểu Quốc hội trông chờ hơn cả.

Bên lề Quốc hội, các đại biểu đã có cuộc trao đổi với báo chí về phiên chất vấn quan trọng này.

Thỏa mãn yêu cầu đại biểu

Ông Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng): Tôi nghĩ rằng phần trả lời này sẽ thỏa mãn được yêu cầu của đại biểu và cử tri. Bởi vì, với những vấn đề có tính liên ngành, Phó Thủ tướng sẽ có giải đáp rất rõ ràng. Nếu chúng ta nhìn lại tổng thể cả quá trình chất vấn tại kỳ họp này thì sẽ thấy có một sự cải cách rất hợp lý.

Đầu tiên là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Chính phủ trình bày những nội dung mà Chính phủ đã thực hiện, những gì đã thực hiện như lời hứa trước Quốc hội. Phần tiếp theo, các Bộ trưởng trả lời chất vấn và cuối cùng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải đáp nốt những vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Tuy nhiên, trong một buổi chiều mà yêu cầu Phó Thủ tướng phải giải đáp đầy đủ và làm thỏa mãn hết cử tri trong bối cảnh hiện nay rất khó. Nhưng tôi hy vọng với những vấn đề cơ bản, Phó Thủ tướng sẽ giải đáp hết và tạo ra sự đồng thuận, trước hết là trong Quốc hội và các thành viên Chính phủ.

Về các phiên chất vấn Bộ trưởng, trong xã hội pháp quyền thì mọi việc được tiến hành theo luật, ông Bộ trưởng không thể vì sức ép "nóng" trên nghị trường rồi đưa ra một lời hứa không thuộc thẩm quyền của mình.

Các phiên chất vấn không phải buổi điều trần và cũng không phải phiên chất vấn như ở Quốc hội các nước khác. Vì mục tiêu của chúng ta là giữa Quốc hội và Chính phủ có sự thống nhất, chỉ khác nhau về phương pháp tổ chức thực hiện và thứ tự ưu tiên. Cho nên, không nên căng thẳng quá mà hãy coi đó là một buổi trao đổi để các đại biểu bày tỏ quan điểm đại diện cho cử tri ở từng khu vực.

Chất lượng chất vấn sẽ đảm bảo hơn

Ông Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận): Phiên chất vấn Chính phủ luôn thu hút được sự chú ý đặc biệt của các Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Với tình hình kinh tế đất nước hiện nay đang có nhiều khó khăn, nhưng ngành ngân hàng, công thương, tài chính không đăng đàn trả lời thì buộc lòng các đại biểu phải hỏi đến Thủ tướng, trong lần này Phó Thủ tướng sẽ thay mặt trả lời. Và theo quan điểm của tôi, khi đại biểu hỏi Phó Thủ tướng thì phải đặt đúng tầm của Phó Thủ tướng trả lời, chứ không nên đi vào những gì quá chi tiết.

Để nâng cao chất lượng, theo tôi, các phiên chất vấn cần có sự thay đổi, đặc biệt là với khu vực Chính phủ. Tôi cho rằng đây là chất vấn với tập thể Chính phủ và nếu tiến tới được sự thay đổi, thì Thủ tướng phải chủ trì phiên trả lời chất vấn đó, trên cơ sở các câu hỏi đặt ra Thủ tướng giao cho các Bộ trưởng trả lời.

Làm như vậy sẽ mang tính tổng thể, chất lượng nội dung trả lời chắc chắn sẽ đảm bảo hơn. Đối với lĩnh vực quản lý Nhà nước thì có liên quan tới nhiều bộ ngành khác nhau, mà với cách làm như hiện nay thì có nhiều câu hỏi đặt ra cho một Bộ trưởng này nhưng đành phải để Bộ trưởng khác trả lời.

Cần những giải pháp mạnh mẽ

Đại biểu Trương Văn Vở, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai: Những vấn đề đặt ra về kinh tế-xã hội đã được mổ xẻ nhiều trong các phiên chất vấn và thảo luận hội trường nhưng tôi vẫn kỳ vọng Chính phủ có những giải pháp mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn để tháo gỡ khó khăn của tình hình kinh tế-xã hội.

Tôi muốn Phó Thủ tướng khi thay mặt Chính phủ báo cáo, giải trình trước Quốc hội phải có những giải pháp để làm sao từng bộ, ngành phát huy được trách nhiệm của mình, chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lĩnh vực mình được phân công, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Theo chức năng, nhiệm vụ, Chính phủ đã có các văn bản xác định rõ trách nhiệm, có sự phối hợp giữa các cơ quan nhưng vẫn có người chủ trì.

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Khánh Hòa: Thủ tướng sẽ thay mặt cho Chính phủ ổn định tâm lý cho các doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Tôi cho rằng, Phó Thủ tướng sẽ có cách nhìn khác để giao trách nhiệm cho các Bộ trưởng, nhất là với những ngành nóng, những lĩnh vực nóng có liên quan đến đời sống sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân.

Tôi rất mong đợi chiều nay Phó Thủ tướng sẽ có những trả lời tháo gỡ những băn khoăn lo lắng của đại biểu và cử tri trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, và đặc biệt là phải chấn chỉnh lại trật tự xã hội, kỷ cương phép nước, cho tới an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm… ở tất cả các lĩnh vực hiện nay đều có những vấn đề rất bất ổn cần phải có quyết sách tháo gỡ./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục