Lá chắn dịch bệnh cho đồng bào ở Tây Nguyên

Qua gần 35 năm hoạt động, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã thật sự trở thành lá chắn dịch bệnh cho cộng đồng các dân tộc nơi đây.
Ngay sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên được thành lập (22/10/1975) có trụ sở tại địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
 
Qua gần 35 năm hoạt động, Viện đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và thật sự trở thành lá chắn về dịch bệnh cho cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
 
Phòng chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch
 
Trước ngày giải phóng, Tây Nguyên được coi là nơi “rừng thiêng, nước độc”, các bệnh truyền nhiễm, bệnh xã hội nhiều, nhất là các bệnh sốt rét, dịch hạch, giun sán, các bệnh về đường ruột... nhưng, chỉ trong thời gian ngắn, Viện đã trực tiếp chỉ đạo, tham gia phòng chống có hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đảm bảo không còn dịch ở khu vực Tây Nguyên.
 
Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên hoạt động trên địa bàn rộng, dân cư còn thưa thớt (bình quân 80 người/km2) gồm các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum, với trên 40% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, dân trí thấp... nhưng với kinh nghiệm từ thực tiễn, lòng nhiệt tình, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sự phối kết hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế dự phòng địa phương, Viện đã khống chế thành công bệnh dịch hạch ở người, quần thể động vật gặm nhắm (quần thể vật chủ lưu giữ mầm bệnh)...
 
Theo đánh giá của Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Tuấn Đạt, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên: Đây là thành tựu xuất sắc có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử trên 110 năm phòng chống dịch hạch của ngành Y tế ở Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng.
 
Viện cũng đã chủ động trong việc chỉ đạo và cùng với các địa phương thực hiện tốt chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1983 và nhanh chóng phủ kín đến tất cả các khu dân cư ở khu vực Tây Nguyên.

Năm 2000, khu vực Tây Nguyên đã thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván trẻ sơ sinh. Các bệnh khác như: sởi, lao, bạch hầu, ho gà ở trẻ em hầu như không còn xuất hiện, góp phần làm thay đổi cơ bản mô hình bệnh tật truyền nhiễm trẻ em, mang lại hạnh phúc cho trẻ thơ các dân tộc Tây Nguyên.
 
Sau 9 năm triển khai công tác phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em (1989 – 2001), cùng với xã hội hoá, Viện đã hạ nhanh tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em khu vực Tây Nguyên, cải thiện tình trạng khô mắt do khô mắt thiếu Vitamin A, chấm dứt tình trạng khô mắt hoạt tính ở cộng đồng.
 
Viện còn chỉ đạo, đề xuất nhiều nhiều biện pháp hữu hiệu trong phòng chống ô nhiễm môi trường, vận động cộng đồng ăn ở hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch... góp phần làm thay đổi nếp sống lạc hậu.

Đồng bào các dân tộc Êđê, Bana, Xê đăng, K’ho, Châu Mạ, Gia rai... nhà nhà sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, uống nước sạch, xây dựng buôn, làng văn hoá sức khoẻ.
 
Trong gần 10 năm trở lại đây, các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột như tiêu chảy, hội chứng lỵ trực huẩn, lỵ amibe... của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên giảm mạnh. Công tác giám sát, phòng chống sốt xuất huyết từ năm 2.000 đến nay không xảy ra dịch.
 
Cũng theo đánh giá của Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Tuấn Đạt, khu vực Tây Nguyên nay đã trở thành khu vực khá bình an về vấn đề dịch bệnh.
 
Chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học
 
Kết hợp giữa tham gia phòng chống dịch với nghiên cứu khoa học, đào tạo, đến nay, Viện đã có trên 130 báo cáo đề tài điều tra, nghiên cứu khoa học, trong đó thực hiện thành công sáu đề tài cấp Nhà nước, với nội dung về: Các yếu tố nguy cơ đặc thù của môi trường Tây Nguyên tác động đến sức khoẻ cộng động, tìm ra các biện pháp can thiệp nhằm bảo vệ sức khoẻ cho người dân, các đề tài về phòng chống dịch nguy hiểm và tìm ra các giải pháp khống chế không để dịch xảy ra, quản lý các nguồn lây truyền bệnh.
 
Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên còn chủ động thực hiện 18 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Tỉnh về quản lý các bệnh truyền nhiễm gây dịch, can thiệp, khống chế dịch hạch, tiêu chảy, dịch sốt xuất huyết.
 
Viện cũng triển khai, thực hiện có hiệu quả trên 100 đề tài khoa học cấp cơ sở, nhiều đề tài đã được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước, quốc tế về các lĩnh vực vi sinh y học, côn trùng, ký sinh trùng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch tễ, miễn dịch học... góp phần quan trọng trong việc hoạch định chiến lược về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng.
 
Viện đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, nâng cấp các phòng thí nghiệm, xây dựng phòng an toàn sinh học, phòng sinh học phân tử, trang bị nhiều trang thiết bị tiên tiến, hiện đại đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cao của nghiên cứu khoa học, đào tạo và hợp tác quốc tế trong nước, quốc tế.
 
Nguồn nhân lực của Viện không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cả về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, quản lý Nhà nước, kinh tế kỹ thuật, lý luận chính trị đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của đơn vị. Cụ thể, giai đoạn 1975-1985, số cán bộ có trình độ đại học chỉ chiếm tỷ lệ 35% và duy nhất chỉ có 1 cán bộ là phó tiến sĩ, nhưng nay, Viện đã có trên 60% là đại học, trên đại học, trong đó có 4 giáo sư, phó giáo sư, 5 tiến sĩ, 28 thạc sĩ...
 
Viện tham gia công tác đào tạo, giảng dạy cho trường Đại học Tây Nguyên, một số cơ sở đào tạo khác, hướng dẫn 145 luận văn tốt nghiệp đại học và 36 luận văn cao học, tiến sĩ, đồng thời, đào tạo cho hàng chục ngàn lượt cán bộ y tế dự phòng tuyến cơ sở cho các tỉnh Tây Nguyên...
 
Viện cũng triển khai quan hệ hợp tác với tổ chức, cá nhân của 14 nước và tổ chức quốc tế thông qua mạng lưới quốc gia như Tổ chức Y tế Thế giới, UNICEF, JICA về tiêm chủng mở rộng, với Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, các Viện nghiên cứu dịch hạch của Nga, CDC (Hoa Kỳ), tổ chức Welcome Trust (Vương quốc Anh) về phòng chống bệnh dịch hạch, với Uỷ ban Khoa học Mỹ- Việt về chăm sóc sức khoẻ ban đầu.
 
Viện còn quan hệ với các Viện, Trường đại học của các nước Nhật, Thái Lan, Canada...về các lĩnh vực dịch tễ học, vi sinh y học, côn trùng, ký sinh trùng...

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tiếp tục vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lá chắn dịch bệnh, góp phần nâng cao sức khoẻ cho cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
 
Bên cạnh nâng cao nguồn nhân lực, Viện tập trung nghiên cứu, giám sát, kiểm soát các bệnh truyền nhiễm gây dịch, nhất là các dịch bệnh mới phát sinh, tác động nâng cao chất lượng chuyên môn kỹ thuật (trang thiết bị, công nghệ thông tin, nhân lực) của mạng lưới y tế dự phòng các tỉnh, huyện, xã, phường đủ năng lực hoạt động.
 
Viện tiếp tục mở rộng hợp tác khu vực, quốc tế trong nghiên cứu, đào tạo huấn luyện để phát triển theo kịp trình độ khu vực và quốc tế....
 
Viện đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng ba, hạng nhì, hạng nhất, Cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ...
 
Đặc biệt, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (1999- 2008).../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục