Gã chủ hàng tên Hiếu cứ lẽo đẽo theo chân mấy vị khách lạ vòng quanh khu chợ thương mại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). “Iphone 4 đời mới pin dùng 30 ngày, trong 6 tháng, nếu có vấn đề gì, đảm bảo một đổi một,” gã quả quyết.
Đã xác định tâm lý bỏ mặc những lời chèo kéo ở nơi có tiếng là giá rẻ, chất cũng… "bèo" này nhưng lời mời gọi của gã chủ hàng nọ chẳng hiểu sao vẫn mê dụ mấy vị khách đường xa lạc bước nơi thiên đường điện thoại vùng biên này.
Kinh đô điện thoại “độc”
Kéo chúng tôi vào một góc nhỏ của Trung tâm thương mại Vinh Cơ (Móng Cái, Quảng Ninh), Hiếu vội vàng lôi trong tủ kính ra đủ loại điện thoại của những hãng có tiếng. Nhưng gã cũng chả giấu, khách tới mua hàng ở đây không nên quan tâm tới thương hiệu, bởi xuất xứ có thể ở bất kỳ đâu, ngoại trừ… chính hãng.
“Tính năng của những điện thoại này đủ đánh gục thương hiệu rồi,” Hiếu cười hỉ hả.
Thủng thẳng lôi trong tủ kính ra chiếc Iphone mới coóng, gã chủ hàng hí hửng, đây là loại đang được chuộng nhất. Khách dưới xuôi lên đây, nếu không phải mua buôn thì cũng mê mệt với loại này mà rút ví ra mua liền.
“Bốn sim, bốn sóng, màn hình chấm trượt thoải mái, pin dùng trong một tháng,” Hiếu vừa bật máy vừa giới thiệu… sơ sơ vài tính năng của chiếc điện thoại đinh của cửa hàng.
Đã qua rồi cái thời điện thoại hai sim hai sóng làm rung động biết bao con tim ham đồ đa năng. Giờ, điện thoại ở nơi chợ vùng biên đã được lên đời cả, loại thường thường cũng nghiễm nhiên ba sim ba sóng. Ấy là chưa kể, khách thích kiểu dáng của điện thoại đời mới nào cũng đều được đáp ứng cả.
“Đắt hết cỡ cũng chỉ dưới hai triệu đồng, bằng một phần mười điện thoại chính hãng,” một chủ hàng cạnh đó lớn tiếng.
Chưa hết, những "chiếc alô" giá rẻ vốn chỉ có tính năng nghe, gọi nay cũng được giới thạo máy “tâng” thêm nhiều tính năng mới.
Chỉ vào chiếc điện thoại Nokia 1202 còn nguyên hộp, Thủy, một chủ hàng chợ Vinh Cơ, quả quyết, chiếc điện thoại này hơn hẳn chiếc Nokia mà khách vẫn thường dùng. “Nhỏ thế thôi nhưng xem được cả MP4 đấy các chú, không phải cục gạch thông thường đâu,” người phụ nữ tuổi ngoài 30 quảng cáo.
Nói đoạn, chị nọ tự tin đưa điện thoại cho chúng tôi kiểm tra. Quả không sai, chiếc điện thoại có giá chưa đầy 400 nghìn đồng phát nhạc ầm ầm chẳng kém mấy chiếc điện thoại đắt tiền bên cạnh.
Thế nhưng, như vậy vẫn chưa nói hết tầm vóc của thiên đường điện thoại nơi vùng biên Móng Cái. Ở đây, khách trái tính đến mấy cũng được đáp ứng cả. Tính năng tùy khách chọn, hình dáng, nếu muốn, khách cũng cứ vô tư sáng tạo.
Theo tiết lộ của một chủ hàng, các mẫu điện thoại Trung Quốc này có nhiều điểm tương đồng, cả phần cứng lẫn phần mềm. Vì thế, nếu thích khách có thể lấy máy này lai với máy khác. Miễn là khách thấy vừa mắt.
“Tuy nhiên, những mẫu này không bày bán công khai mà thường là hàng thủ công của một số cửa hàng có thợ tay nghề khá. Có như thế mới phục vụ được nhu cầu đa dạng của khách,” gã buôn điện thoại tên Hưng nói nhỏ.
Rinh "thiên đường" về xuôi
Mỏi chân hoa mắt trong "thế giới alô" giá rẻ một hồi, chúng tôi được giới chủ hàng ở đây gợi ý gom hàng về kiếm lời.
Chưa kịp suy tính với lời ngỏ ý, một chủ hàng đã nhanh nhảu vác máy tính ra chia lời lỗ. Nếu khách lấy nhiều, mỗi chiếc điện thoại 400 nghìn đồng sẽ được giảm 15%. Nhẩm ra, mỗi chiếc điện thoại mua về, khách có thể bán lại kiếm lời vài chục nghìn đồng.
“Những chiếc này ở dưới kia đang có giá gần 500 nghìn đồng/chiếc. Tức là, mỗi chiếc điện thoại có thể lời cả trăm nghìn đồng. Những chiếc này giá rẻ, nên dễ bán hơn nhiều so với loại đắt tiền,” người phụ nữ đứng tuổi người Hoa nói thứ tiếng Việt lơ lớ.
Chị nọ tiết lộ, đây chủ yếu là hàng trốn thuế. Thế nên, chất lượng chả khác gì so với điện thoại chính hãng mà lại rẻ hơn rất nhiều.
Thấy chúng tôi ngại ngùng việc chuyển hàng về xuôi, một khách quen dưới Hà Nội cười xòa, việc đó chẳng khó, cứ giao cả cho mấy người ở đây là xong.
Dịch vụ trọn gói cũng nhanh chóng được giới buôn điện thoại mời chào ngay. Khách hàng nếu mua nhiều, lại “ngại” vận chuyển về xuôi, nhà chủ có thể giúp tận tình.
“Các chú cứ mua bảo hiểm cho đống điện thoại đặt mua. Mỗi chiếc thêm một ít tiền, phần việc còn lại để bọn tôi lo. Chỉ cần cho cái địa chỉ dưới xuôi là nhận đủ hàng,” Hưng chào mời.
Gã chủ hàng cũng không quên giải thích cho chúng tôi mánh chuyển hàng của giới buôn hàng. Chẳng cứ điện thoại, rất nhiều mặt hàng cũng được chuyển về Hà Nội bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, phần lớn đều được xé lẻ rồi âm thầm gửi nhờ trên những chuyến xe khách về xuôi.
“Mất công một chút nhưng được cái an toàn, lực lượng chức năng có ba đầu sáu tay cũng chẳng thể kiểm tra hết được những lô hàng bị xé lẻ như thế,” Hưng nói.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lý Trần Tuấn, Đội trưởng đội liên hiệp số 1, Hải quan Quảng Ninh cho hay, phương thức xé hàng giấu trên các chuyến xe khách quả thực là chiêu qua mặt cơ quan chức năng của nhiều chủ hàng. Tuy nhiên, rất khó để cơ quan chức năng ngăn chặn được triệt để tình trạng này.
“Hàng ngày có hàng ngàn chuyến xe, lực lượng chức năng rất khó để kiểm tra hết được. Vả lại, nếu đặt mình ở vị trí khách đi xe, bị kiểm tra như thế cũng vô cùng bất tiện,” ông Tuấn chia sẻ.
Và cứ thế, những chiếc điện thoại giá rẻ bất ngờ, tính năng “vô biên” vẫn cứ âm thầm về xuôi từ nơi thiên đường của những "chiếc alô" sành điệu ấy./.
Đã xác định tâm lý bỏ mặc những lời chèo kéo ở nơi có tiếng là giá rẻ, chất cũng… "bèo" này nhưng lời mời gọi của gã chủ hàng nọ chẳng hiểu sao vẫn mê dụ mấy vị khách đường xa lạc bước nơi thiên đường điện thoại vùng biên này.
Kinh đô điện thoại “độc”
Kéo chúng tôi vào một góc nhỏ của Trung tâm thương mại Vinh Cơ (Móng Cái, Quảng Ninh), Hiếu vội vàng lôi trong tủ kính ra đủ loại điện thoại của những hãng có tiếng. Nhưng gã cũng chả giấu, khách tới mua hàng ở đây không nên quan tâm tới thương hiệu, bởi xuất xứ có thể ở bất kỳ đâu, ngoại trừ… chính hãng.
“Tính năng của những điện thoại này đủ đánh gục thương hiệu rồi,” Hiếu cười hỉ hả.
Thủng thẳng lôi trong tủ kính ra chiếc Iphone mới coóng, gã chủ hàng hí hửng, đây là loại đang được chuộng nhất. Khách dưới xuôi lên đây, nếu không phải mua buôn thì cũng mê mệt với loại này mà rút ví ra mua liền.
“Bốn sim, bốn sóng, màn hình chấm trượt thoải mái, pin dùng trong một tháng,” Hiếu vừa bật máy vừa giới thiệu… sơ sơ vài tính năng của chiếc điện thoại đinh của cửa hàng.
Đã qua rồi cái thời điện thoại hai sim hai sóng làm rung động biết bao con tim ham đồ đa năng. Giờ, điện thoại ở nơi chợ vùng biên đã được lên đời cả, loại thường thường cũng nghiễm nhiên ba sim ba sóng. Ấy là chưa kể, khách thích kiểu dáng của điện thoại đời mới nào cũng đều được đáp ứng cả.
“Đắt hết cỡ cũng chỉ dưới hai triệu đồng, bằng một phần mười điện thoại chính hãng,” một chủ hàng cạnh đó lớn tiếng.
Chưa hết, những "chiếc alô" giá rẻ vốn chỉ có tính năng nghe, gọi nay cũng được giới thạo máy “tâng” thêm nhiều tính năng mới.
Chỉ vào chiếc điện thoại Nokia 1202 còn nguyên hộp, Thủy, một chủ hàng chợ Vinh Cơ, quả quyết, chiếc điện thoại này hơn hẳn chiếc Nokia mà khách vẫn thường dùng. “Nhỏ thế thôi nhưng xem được cả MP4 đấy các chú, không phải cục gạch thông thường đâu,” người phụ nữ tuổi ngoài 30 quảng cáo.
Nói đoạn, chị nọ tự tin đưa điện thoại cho chúng tôi kiểm tra. Quả không sai, chiếc điện thoại có giá chưa đầy 400 nghìn đồng phát nhạc ầm ầm chẳng kém mấy chiếc điện thoại đắt tiền bên cạnh.
Thế nhưng, như vậy vẫn chưa nói hết tầm vóc của thiên đường điện thoại nơi vùng biên Móng Cái. Ở đây, khách trái tính đến mấy cũng được đáp ứng cả. Tính năng tùy khách chọn, hình dáng, nếu muốn, khách cũng cứ vô tư sáng tạo.
Theo tiết lộ của một chủ hàng, các mẫu điện thoại Trung Quốc này có nhiều điểm tương đồng, cả phần cứng lẫn phần mềm. Vì thế, nếu thích khách có thể lấy máy này lai với máy khác. Miễn là khách thấy vừa mắt.
“Tuy nhiên, những mẫu này không bày bán công khai mà thường là hàng thủ công của một số cửa hàng có thợ tay nghề khá. Có như thế mới phục vụ được nhu cầu đa dạng của khách,” gã buôn điện thoại tên Hưng nói nhỏ.
Rinh "thiên đường" về xuôi
Mỏi chân hoa mắt trong "thế giới alô" giá rẻ một hồi, chúng tôi được giới chủ hàng ở đây gợi ý gom hàng về kiếm lời.
Chưa kịp suy tính với lời ngỏ ý, một chủ hàng đã nhanh nhảu vác máy tính ra chia lời lỗ. Nếu khách lấy nhiều, mỗi chiếc điện thoại 400 nghìn đồng sẽ được giảm 15%. Nhẩm ra, mỗi chiếc điện thoại mua về, khách có thể bán lại kiếm lời vài chục nghìn đồng.
“Những chiếc này ở dưới kia đang có giá gần 500 nghìn đồng/chiếc. Tức là, mỗi chiếc điện thoại có thể lời cả trăm nghìn đồng. Những chiếc này giá rẻ, nên dễ bán hơn nhiều so với loại đắt tiền,” người phụ nữ đứng tuổi người Hoa nói thứ tiếng Việt lơ lớ.
Chị nọ tiết lộ, đây chủ yếu là hàng trốn thuế. Thế nên, chất lượng chả khác gì so với điện thoại chính hãng mà lại rẻ hơn rất nhiều.
Thấy chúng tôi ngại ngùng việc chuyển hàng về xuôi, một khách quen dưới Hà Nội cười xòa, việc đó chẳng khó, cứ giao cả cho mấy người ở đây là xong.
Dịch vụ trọn gói cũng nhanh chóng được giới buôn điện thoại mời chào ngay. Khách hàng nếu mua nhiều, lại “ngại” vận chuyển về xuôi, nhà chủ có thể giúp tận tình.
“Các chú cứ mua bảo hiểm cho đống điện thoại đặt mua. Mỗi chiếc thêm một ít tiền, phần việc còn lại để bọn tôi lo. Chỉ cần cho cái địa chỉ dưới xuôi là nhận đủ hàng,” Hưng chào mời.
Gã chủ hàng cũng không quên giải thích cho chúng tôi mánh chuyển hàng của giới buôn hàng. Chẳng cứ điện thoại, rất nhiều mặt hàng cũng được chuyển về Hà Nội bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, phần lớn đều được xé lẻ rồi âm thầm gửi nhờ trên những chuyến xe khách về xuôi.
“Mất công một chút nhưng được cái an toàn, lực lượng chức năng có ba đầu sáu tay cũng chẳng thể kiểm tra hết được những lô hàng bị xé lẻ như thế,” Hưng nói.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lý Trần Tuấn, Đội trưởng đội liên hiệp số 1, Hải quan Quảng Ninh cho hay, phương thức xé hàng giấu trên các chuyến xe khách quả thực là chiêu qua mặt cơ quan chức năng của nhiều chủ hàng. Tuy nhiên, rất khó để cơ quan chức năng ngăn chặn được triệt để tình trạng này.
“Hàng ngày có hàng ngàn chuyến xe, lực lượng chức năng rất khó để kiểm tra hết được. Vả lại, nếu đặt mình ở vị trí khách đi xe, bị kiểm tra như thế cũng vô cùng bất tiện,” ông Tuấn chia sẻ.
Và cứ thế, những chiếc điện thoại giá rẻ bất ngờ, tính năng “vô biên” vẫn cứ âm thầm về xuôi từ nơi thiên đường của những "chiếc alô" sành điệu ấy./.
Nhóm PV (Vietnam+)