Lại đau đầu với giao thông Hà Nội sau nghỉ Tết

Hết nghỉ Tết, Hà Nội lại ùn tắc. Lượng người đổ về Hà Nội bằng đủ loại phương tiện ken đặc trên mọi tuyến đường, nhất là các cửa ô...
Hết nghỉ Tết, Hà Nội lại ùn tắc,  lượng người đổ về Hà Nội bằng đủ loại phương tiện ken đặc, kìn kịt trên các tuyến đường như Pháp Vân-Cầu Giẽ, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Bắc Thăng Long-Nội Bài, Láng-Hòa Lạc...

Khắp nơi ùn tắc

Sau 9 ngày nghỉ Tết, khu vực các bến xe, nhà ga, sân bay của Thủ đô lại trở nên sôi động trở lại bởi lượng hành khách về quê ăn Tết quay lại thành phố làm việc.

Mặc dù hành khách xuống đến bến tại Hà Nội được giải tỏa nhanh chóng, hạn chế được tình trạng chen lấn, quá tải trong bến, nhưng khi xuất bến về chỗ ở lượng hành khách này lại gây xáo trộn cho các tuyến đường vào Thủ đô bằng xe ôm, taxi, người nhà đưa đón… gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ trên hầu hết các tuyến phố vào nội đô.

Những hành khách chủ động đi bằng xe gắn máy cũng "tay xách nách mang," chở ba chở bốn kìn kìn, bổ sung không ít phương tiện cho việc ùn tắc trên các tuyến đường cửa ngõ.

Chưa hết, vấn nạn xe dù, bến cóc sau Tết cũng gây nhiều bức xúc cho hành khách, đồng thời bắt các cung đường trước cổng các bến xe, nhà ga oằn mình gánh chịu.

Tại các điểm chờ xe buýt, do lượng khách đông, hành khách đợi khoảng 30 phút mới lên được xe buýt, khiến cho giao thông tại các điểm nhà chờ xe buýt thêm phần mất trật tự.

Trung tâm điều hành xe buýt, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, đã điều tiết xe buýt bằng cách tăng xe chạy xe trong giờ cao điểm từ khoảng 15-17 giờ để giải tỏa hành khách, nhưng vẫn không xuể.

Không chỉ đông khách từ các địa phương quay trở về Thủ đô, hành khách từ Hà Nội lên đường vào các tỉnh phía Nam cũng tấp nập không kém.

Tại các bến xe Nước Ngầm, Phía Nam, Mỹ Đình.., hành khách xếp hàng dài trước các quầy bán vé đi miền Trung, miền Nam. Nhiều hành khách không mua vé trong bến đã ra ngoài đường vẫy xe góp phần làm giao thông trở nên phức tạp hơn.

Chị Hạnh Thu đi tuyến Nghệ An-Hà Nội, xuống Bến xe Nước Ngầm trưa mồng 9 Tết bơ phờ cho biết: "Tôi đi từ Vinh ra Hà Nội bằng xe chất lượng cao, lúc mới lên xe thì có chỗ ngồi đàng hoàng, nhưng khi xe chạy được vài chục cây số thì nhà xe dừng đỗ tùy tiện và bắt khách dọc đường... Còn điệp khúc tăng giá vé được nhà xe vận dụng triệt để theo kiểu lộng hành.”

Theo quan sát của phóng viên, khu vực cổng trả khách tại các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm, Mỹ Đình… tấp nập ôtô, khách chờ đứng ngồi la liệt, rồi việc ngã giá giữa nhà xe-hành khách chính là nguyên nhân gây tình trạng ùn tắc.

Trung bình tại các bến xe cứ mỗi phút lại có vài chuyến xe xuất bến, vào bến, quay vòng xe dồn dập, trong khi đó, càng đến cuối giờ chiều, khách đổ về càng nhiều.

Tăng cường lực lượng cũng không xuể

Ngay từ ngày 19/2 (mồng 6 Tết), lực lượng cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông đã ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố sau dịp Tết Canh Dần.

Mặc dù số vụ tai nạn giao thông trên toàn quốc tăng, nhưng trong dịp Tết Canh Dần, số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô đã giảm mạnh.

Các lực lượng chức năng của thành phố đã tập trung xử lý xe ôtô dừng, đỗ sai quy định, lái xe sử dụng rượu bia, xử phạt các trường hợp không đội mũ bảo hiểm, xe chạy quá tốc độ...

Một cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tại khu vực Pháp Vân-Cầu Giẽ cho biết từ sáng ngày 22/2,  cảnh sát giao thông phối hợp với thanh tra giao thông đã tăng cường lực lượng cắm chốt tại đây, cố gắng giảm thiểu tới mức tối đa tình trạng tắc đường sau Tết.

Riêng đoạn Pháp Vân rẽ về hướng Bến xe Nước Ngầm, có tới 6 cảnh sát giao thông đứng làm công tác phân luồng. Ngoài ra, xe đặc chủng của cảnh sát giao thông cũng được dùng chắn đường, điều tiết giao thông. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra do xe từ hướng Phủ Lý về Hà Nội quá đông, cộng thêm việc nhiều xe máy cố ý len lỏi, lấn đường khiến nhiều ôtô phải đứng yên tại chỗ.

Ở chiều ngược lại, tình hình khả quan hơn, xe cộ vẫn có thể lưu thông dù tốc độ chậm. Đoạn đường từ Trương Định đến ngã tư Trường Chinh-Giải Phóng, hàng chục xe buýt, cùng hàng trăm ôtô, xe máy chậm chạp nhích từng bánh xe. Càng về chiều, lượng xe càng đông khiến nhiều người đi xe máy đành tắt máy đứng chờ, nhiều hành khách xe buýt còn xin xuống để đi bộ...

Đội Cảnh sát giao thông số 4 (Công an thành phố Hà Nội) chốt trực tại những khu vực này dừng xe vi phạm không xuể, thậm chí phải huy động toàn đội dàn hàng vừa điều tiết giao thông, vừa xử lý xe vi phạm./.
 
 
Phó Giám đốc Bến xe phía Nam Vương Duy Toàn cho biết, lượng hành khách về bến và xuất bến trong các ngày từ 20-22/2 đều trong tình trạng quá tải, cao điểm thường vào cuối giờ chiều.

Bình quân, có khoảng gần 1.000 xe từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình... về bến mỗi ngày, tương đương khoảng 25.000 người/ngày cộng với lượng khách xếp hàng mua vé xuất bến. Các bến xe khác trong nội thành cũng rơi vào tình trạng này.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục