Lãi suất ngân hàng: Đầu ra ép đầu vào

Trong khi các ngân hàng vẫn đang chờ sự cân nhắc của Quốc hội và chính phủ về kiến nghị cho vay theo lãi suất thỏa thuận, thì Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ngày 7/11 tiếp tục công bố hạ lãi suất cho vay xuống thấp hơn cả lãi suất cơ bản, chỉ còn 6,5%.

Trong khi các ngân hàng vẫn đang chờ sự cân nhắc của Quốc hội và chính phủ về kiến nghị cho vay theo lãi suất thỏa thuận, thì Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ngày 7/11 tiếp tục công bố hạ lãi suất cho vay xuống thấp hơn cả lãi suất cơ bản, chỉ còn 6,5%.
 

Mặc dù mức lãi suất này chỉ dành cho một số đối tượng khách hàng cụ thể của BIDV, nhưng điều này đã cho thấy nhu cầu tiếp tục hạ lãi suất đang là rất bức thiết từ phía các doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều ngân hàng vẫn đang "lúng túng" trước việc cân đối lãi suất giữa "đầu vào" và đầu ra".

Ngân hàng lớn mạnh tay

Theo BIDV, mức lãi suất cho vay 6,5%/năm (trước đó là 10%/năm) sẽ chỉ áp dụng đối với dư nợ của các khách hàng còn sản phẩm tồn kho, chậm tiêu thụ như phôi thép, thép xây dựng, phân bón, xi măng, thuốc chữa bệnh và cũng chỉ kéo dài trong vòng 3 tháng, với tính chất là hỗ trợ những doanh nghiệp này qua khỏi giai đoạn khó khăn. Hiện tại, dư nợ của các khách hàng này tại BIDV vào khoảng 2.000 tỷ đồng.

Đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước đó mà hiện tại đang chịu mức lãi suất cao, BIDV cũng sẽ điều chỉnh giảm trên cơ sở có sự thỏa thuận với khách hàng, với mục tiêu chia sẻ khó khăn và tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục sản xuất, kinh doanh.

BIDV cũng sẽ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các khoản vay xuất khẩu có hợp đồng xuất khẩu trực tiếp và khách hàng có cam kết bán lại ngoại tệ tương ứng cho BIDV từ 10% xuống còn 8,5%, nhưng cũng chỉ áp dụng trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày 9/1/2009.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay ngắn hạn đồng loạt được BIDV áp dụng là 9%/năm cho khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng trên 1.000 lao động, sản xuất hàng tiêu dùng thay thế hàng nhập khẩu. Các khoản vay còn lại chia làm hai kỳ hạn: 9,5%- 10%/năm đối với thời hạn cho vay đến 6 tháng; 10% - 10,5%/năm đối với thời hạn cho vay trên 6 tháng.

Riêng đối với cho vay trung và dài hạn, BIDV áp dụng mức lãi suất tiết kiệm 12 tháng trả sau + phí tối thiểu là 3%/năm nhưng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Riêng đối với cho vay mua nhà để ở đối với người có thu nhập trung bình và cận trung bình, nhà ở cho lực lượng vũ trang, quân đội, công nhân viên thì lãi suất sẽ bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng trả sau cộng mức phí 2%/năm.

Thông điệp mà BIDV đưa ra tại lần điều chỉnh lãi suất này vẫn "là hành động thiết thực thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội...", thế nhưng ai cũng hiểu không phải ngân hàng nào cũng làm được như thế.

Việc BIDV là ngân hàng đầu tiên công bố hạ lãi suất trong năm 2009 cho thấy, các ngân hàng lớn vẫn đang là những người dẫn dắt thị trường và gây những sức ép không nhỏ cho các ngân hàng cổ phần "yếu thế" hơn.

"Các anh "cả đỏ" thì nói hạ lãi suất rất dễ, nhưng chúng tôi vốn là những ngân hàng nhỏ nên tiềm lực mỏng, phản cân nhắc rất nhiều trước khi đưa ra bất kỳ một mức lãi suất nào." -  lãnh đạo một ngân hàng cổ phần nhỏ cho biết.

Vì thế, xu hướng chung của các ngân hàng cổ phần-không nằm ngoài dự đoán nhưng những lần hạ lãi suất trước, đó là vẫn có sự điều chỉnh nhưng mức hạ sẽ không nhiều và nhìn nhau để hạ.

Vốn có vào ngân hàng?
 

Lãi suất cho vay hạ cũng đồng nghĩa lãi suất huy động sẽ phải hạ theo. "Cũng trong ngày 9/1 tới, chúng tôi sẽ công bố biểu lãi suất huy động mới với mức được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, sẽ chỉ có hai thành phố là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là áp dụng biểu lãi suất huy động như nhau, còn lại các địa phương khác thì còn tùy thuộc vào các ngân hàng bạn hoạt động trên cùng địa bàn", bà Võ Thị Sánh, Phó Giám đốc Ban Nguồn vốn Kinh doanh Tiền tệ  của BIDV nói.

Đó cũng chính là lý do mà BIDV chưa công bố biểu lãi suất huy động mới ngay trong cuộc họp báo công bố hạ lãi suất cho vay, mà phải chờ tới đúng ngày áp dụng, ngày 9/1 mới chính thức niêm yết.

Bởi, khi lãi suất lại tiếp tục vào một đợt điều chỉnh giảm, có nhiều ý kiến cho rằng liệu người gửi tiền có mặn mà với ngân hàng không và người đi vay liệu có tâm lý chờ đợi lãi suất hạ tiếp rồi mới đi vay.

Thừa nhận việc hạ lãi suất huy động sẽ có những tác động nhất định đến các đối tượng là người gửi tiền và cũng sẽ có tâm lý chờ để đi vay, nhưng bà Sánh vẫn lạc quan và cho rằng đó là những yếu tố mà người làm ngân hàng đều đã tính toán kỹ.

"Bao giờ trong hoạt động ngân hàng cũng có những tình huống kinh doanh như vậy. Tuy nhiên, trong thực tế, những khách hàng buôn bán nhỏ lẻ vẫn có nhu cầu vay vốn để thực hiện việc kinh doanh nhằm không lỡ thời cơ về giá. Những khách hàng vay để sản xuất kinh doanh những mặt hàng chưa thiết yếu thì sẽ có tâm lý chờ lãi suất tiếp tục giảm rồi mới vay. Còn lại hầu hết những dự án đầu tư do có áp lực về tiến độ thực hiện thì vẫn phải vay, chứ không có tâm lý chờ giá", bà Sánh phân tích.

Trong khi đó, bài toán vốn ra-vốn vào lại đang thực sự khiến các ngân hàng nhỏ đau đầu. Ngay tại cuộc họp giữa Hiệp hội Ngân hàng với các thành viên phía Bắc ngày 6/1, nhiều lãnh đạo ngân hàng nhỏ cũng đang phân vân giữa việc nên xử lý thế nào đối với các hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng trước đó.

Bởi, thực tế nhiều người trong số họ đã ký các quyết định huy động lãi suất có thời điểm lên tới 19% để cạnh tranh thu hút vốn, thì nay đang "chết dở" khi mặt bằng lãi suất huy động hiện chỉ còn khoảng trên 8%/năm và dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống trong thời gian tới.

Ngay bản thân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng phải thừa nhận, điều hành lãi suất trong thị trường hiện nay rất phức tạp (có ngân hàng lớn, ngân hàng nhỏ). Vậy làm thế nào để cân đối giữa các nhóm lợi ích khác nhau?

"Đây quả là một bài toán rất khó do tính chất của thị trường Việt Nam là không đồng đều. Mong muốn của các nhà lãnh đạo là giảm nhanh, nhưng tôi cũng thực sự đang như ngồi trên đống lửa, nhưng thị trường vẫn là thị trường. Nếu chúng ta vượt quá sự chịu đựng của thị trường thì sẽ gây khó khăn", Thống đốc Giàu nói.

Vấn đề của các ngân hàng hiện nay, đó là phải tính toán làm sao để cơ cấu trong bảng cân đối tài sản luôn đảm bảo, hài hòa giữa các dải kỳ hạn cũng như khung lãi suất nhằm hạn chế những rủi ro mà thị trường đem lại. Còn đứng ở góc độ nhà quản lý, Thống đốc Giàu cho rằng, với biên độ (giữa huy động và cho vay) hiện nay từ 5-6% là hoàn toàn "khả thi" để các ngân hàng cạnh tranh./.
 

Anh Quân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục