Lâm Đồng triển khai bảo tồn, phát triển 35 làng nghề truyền thống

Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của làng nghề trên địa bàn sẽ tăng từ 2-4 lần sản xuất thuần nông; tỷ lệ lao động trong làng nghề được đào tạo nghề tăng từ 10-20%.
Lâm Đồng triển khai bảo tồn, phát triển 35 làng nghề truyền thống ảnh 1Sinh hoạt giao lưu văn hóa cồng chiêng và giới thiệu ẩm thực truyền thống tại không gian văn hóa cồng chiêng, tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) ngày 29/3/2022. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Tỉnh Lâm Đồng bắt đầu triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2022-2030. Mục tiêu cụ thể đặt ra là bảo tồn và phát triển 17 làng nghề và một nghề truyền thống, phát triển mới 4 làng nghề truyền thống để đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ có 35 làng nghề trong đó có 20 làng nghề được công nhận.

Cũng theo chương trình này, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, thu nhập bình quân của làng nghề sẽ tăng từ 2-4 lần sản xuất thuần nông; tỷ lệ lao động trong làng nghề được đào tạo nghề tăng từ 10-20%; phấn đấu có 5 sản phẩm của làng nghề tham gia chương trình OCOP và được công nhận sản phẩm cấp tỉnh từ 3-4 sao.

Trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh Lâm Đồng sẽ bảo tồn và phát triển 12 làng nghề, làng nghề truyền thống và 2 nghề truyền thống; phát triển mới 4 làng nghề để nâng tổng số có 39 làng nghề, trong đó có 24 làng nghề được công nhận; phấn đấu có 7 sản phẩm của làng nghề tham gia chương trình OCOP và được công nhận sản phẩm từ 3-4 sao cấp tỉnh.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Lâm Đồng sẽ rà soát, thành lập danh mục các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống cần được bảo tồn và phát triển đến năm 2030; trong số đó, ưu tiên các nghề có nguy cơ mai một thất truyền; làng nghề gắn với du lịch, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên; bảo tồn và phát triển các giống hoa quý hiếm và đặc sắc của thành phố Đà Lạt; làng nghề mới có tiềm năng phát triển và có sự lan tỏa.

[Làng nghề đúc đồng truyền thống 400 năm tuổi ở Quảng Nam]

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2022-2030, tỉnh sẽ hỗ trợ đào tạo truyền nghề cho 27 lớp với 960 học viên; hỗ trợ thực hiện 30 mô hình về nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, công cụ, dây truyền sản xuất; xây dựng 4 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm; tổ chức khôi phục và phá triển 2 làng nghề gắn với điểm du lịch, tuyến du lịch, gắn với chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới là làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm K’Long ở thôn K’Long, xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) gắn với truyền di lịch Quốc lộ 20 và điểm du lịch Làng Gà ở thôn Đarahoa xã Hiệp An; Làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà) gắn với tuyến du lịch đèo Tà Nung và điểm du lịch thác 7 tầng...

Lâm Đồng triển khai bảo tồn, phát triển 35 làng nghề truyền thống ảnh 2Nghệ nhân trình diễn dệt thổ cẩm tại không gian văn hoá tiêu biểu của các dân tộc bản địa, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), ngày 27/4/2022. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tính đến năm 2022, toàn tỉnh có 30 làng nghề; trong đó, có 12 làng nghề truyền thống.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ra quyết định công nhận 11 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề. Trong số đó, có 2 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 7 làng nghề xử lý, chế biến nguyên vật liệu sản xuất nông nghiệp nông thôn; 15 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 6 làng nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh.

Các làng nghề ngày đã thu hút 9.229 lao động và 4.960 hộ gia đình tham gia, trong đó có 7.383 lao động thường xuyên, 5.537 lao động nữ và 1.845 lao động là người dân tộc thiểu số.

Trong các làng nghề trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, có thể kể đến các làng hoa Vạn Thành, Thái Phiên, Hà Đông, Xuân Thành, Đa Thiện là các làng nghề truyền thống bảo tồn và phát triển các loại hoa quý hiếm và đặc sắc của thành phố Đà Lạt.

Một số làng nghề có nguy cơ mai một thất truyền như các làng nghề dệt thổn cẩm ở thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà; dệt thổ cẩm ở xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên.

Các làng nghề giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên như làng nghề làm rượu cần ở tổ dân phố Ka Minh, thị trấn Di Linh; làng nghề đan lát ở các thôn Duệ (xã Đinh Lạc) và thôn 4, thôn 5 xã Đinh Trang Thượng (xã Tam Bố) cùng ở huyện Di Linh.

Đặc biệt, nghề làm nhẫn bạc của đồng bào dân tộc Chu Ru ở thôn Ha Wai, xã Tu Tra, nghề làm gốm của dân tộc Chu Ru ở thôn Krăng Gọ, xã Pró cùng ở huyện Đơn Dương... là những làng nghề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên đang có nguy cơ mai một, thất truyền cần được bảo tồn và phát triển./.

Lâm Đồng triển khai bảo tồn, phát triển 35 làng nghề truyền thống ảnh 3Các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng tại đêm hội đại đoàn kết "Âm vang cao nguyên," ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) tối 29/3/2022. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục