Làm luận văn: Đề tài cần gắn với ứng dụng thực tế

Giảng viên nhiều trường đại học cho rằng để hạn chế sao chép, đề tài luận văn cần giảm lý thuyết, gắn với thực tiễ và có tính thời sự.
Để hạn chế tình trạng sao chép từ các khóa luận, tiểu luận, chuyên đề…, nhiều giảng viên cho rằng cần có những đề tài luận văn gắn với thực tiễn và có tính thời sự.

Nên cắt giảm lý thuyết

“Đối với các kiến thức chung của nhân loại có tính chân lý thì các sinh viên có quyền vận dụng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều sinh viên lại cố tình hiểu sai từ “vận dụng”, không đưa thành kiến thức của mình mà lại sao chép y nguyên, hơn nữa lại không hề dẫn nguồn,” thạc sĩ Phạm Đình Lân, Chủ nhiệm khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng sao chép thì các giảng viên không nên ra đề quá nhiều lý thuyết, phần lý thuyết giảng viên nên để sinh viên tự nghiên cứu rồi áp dụng vào phân tích thực tế. Bởi ra đề quá nhiều lý thuyết sẽ không tạo được cảm hứng sáng tạo cho sinh viên.

Ông Lân cũng cho rằng các giảng viên không nên ra đề tài trùng lặp giữa các khóa học để tránh việc sao chép, cần gắn vấn đề với một sự kiện có tính thời sự.

Mặc dù đặc thù ngành kinh tế tính thực tiễn càng được đề cao, nhưng theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Hương, giảng viên môn Kinh tế và kinh doanh thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, thì nhiều sinh viên đã gặp phải rất nhiều khó khăn tại cơ quan thực tập. Cơ quan thực tập không giao việc, sinh viên đứng ngoài nhìn thì không thể hiểu phân tích sâu sắc, chặt chẽ về vấn đề. Do đó dẫn đến tình trạng sao chép, copy những khóa luận đi trước.

Từ phía nhà trường, để khắc phục tình trạng này, bà Hương cho rằng các trường nên thay đổi mẫu cấu trúc trình bày các đề tài nghiên cứu mà hiện thường gồm 3 phần lý luận, thực tiễn và giải pháp, trong đó phần lý luận là phần các sinh viên rất hay sao chép.

“Chúng ta nên thay đổi cấu trúc của bài trình bày thành 2 phần và chỉ tập trung vào thực tiễn, ví dụ nêu thực trạng và giải pháp của cơ quan thực tập. Như thế buộc sinh viên phải vận dụng những gì đã học để phân tích tình hình tại cơ quan mình thực tập,” bà Hương nói.

Tuy nhiên, ông Lân cũng nhấn mạnh cắt giảm lý thuyết nhưng không có nghĩa là coi nhẹ phần này vì lý thuyết luôn là nền móng để có thể thực hành tốt. Vì thế, giảng viên cần rèn cho sinh viên thói quen tự nghiên cứu lý thuyết chứ không phải là đọc chép như trước đây nữa.

Chấm điểm theo quá trình học

Để khắc phục tình trạng sao chép kiến thức, các giảng viên cũng cho rằng không nên lấy điểm cả môn học chỉ thông qua điểm thi hoặc điểm tiểu luận cuối kỳ.

Tiến sĩ Trịnh Thị Bích Liên, giảng viên môn Phóng sự, khoa Phát thanh-Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng nếu chỉ thông qua bài tiểu luận cuối kỳ thì không đánh giá được toàn diện sinh viên. “Có nhiều sinh viên thường chỉ chăm học trong thời gian cuối kỳ hoặc thậm chí là đi mua bài về để không mất công làm lại vẫn đạt điểm cao. Trong khi đó, có nhiều sinh viên phấn đấu cả kỳ, rất chăm chỉ đi học và phát biểu trong lớp lại không được ghi nhận thì rất bất công,” bà Liên nhấn mạnh.

Chính vì thế, theo bà Liên, để tránh kiểu “học gạo” và hạn chế các tiêu cực trong việc làm những bài tập này thì giảng viên không nên chỉ lấy điểm cuối kỳ mà phải cho điểm theo cả quá trình học.

Đồng tình với quan điểm này, bà Hương cũng cho biết từ trước đến nay nhiều sinh viên còn nuôi tâm lý chơi suốt kỳ, đến lúc thi mới cắm đầu dùi mài đèn sách. Theo nhà giáo này, đó là một phương pháp học thiếu khoa học đồng thời lại không hiệu quả, học nhồi nhét để đối phó nên không thể hiểu kiến thức một cách sâu sắc.

“Do đó, các giảng viên nên chấm điểm ý thức và ra nhiều bài tập cho sinh viên trong quá trình học chứ không nên dồn hết vào thời gian cuối kỳ học,” bà Hương cho biết thêm./.

Bài 1: Luận văn, khóa luận: Mua chất xám như... đi chợ
Bài 2: Sinh viên buồn khi làm luận văn để... xếp xó


Nguyễn Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục