Làm thế nào để OCOP thực sự là 'chìa khóa' phát triển kinh tế nông thôn?

Để chương trình OCOP đạt hiệu quả, các chuyên gia cho rằng tổ chức tín dụng cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Vietnam+)
Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Vietnam+)

Chia sẻ tại tọa đàm “Tiếp sức sản phẩm OCOP vươn xa” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 12/7, ông Đào Đức Huấn - Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sau 5 năm thực hiện, chương trình OCOP đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các địa phương trên cả nước. Chương trình này được xem là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

OCOP tác động thế nào đến kinh tế nông thôn?

Theo ông Huấn, tính đến tháng 6/2024, cả nước có 13.368 sản phẩm OCOP. Số lượng sản phẩm hàng tháng đều tăng, cơ cấu sản phẩm cũng có sự thay đổi, trong đó có hơn 70% là được đánh giá 3 sao, khoảng 26% được đánh giá 4 sao còn lại là sản phẩm 5 sao.

Về ngành hàng, hiện có khoảng hơn 7.000, đây là con số rất lớn so với một chương trình đặc thù cho chủ thể quy mô nhỏ. Chương trình cũng có sự tham gia có sự tham gia rất chặt chẽ của các hợp tác xã…

“Chương trình OCOP đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật và giá trị văn hoá vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị,” gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân và tạo sức bật cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn,” ông Đào Đức Huấn khẳng định.

Ông Huấn cho biết thêm chương trình OCOP có những đóng góp về mặt xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, gần 35% chủ thể có tăng lên về quy mô lao động, trong đó có 40% chủ thể là nữ và 18% chủ thể là người dân tộc điều hành… Đây là sự đóng góp trong sự phát triển chung kinh tế-xã hội.

“Đặc biệt, chương trình đã tạo nên những thay đổi về mặt thương mại mạnh mẽ, đã có phiên bán hàng trực tuyến trên TikTok chuyên cho các sản phẩm OCOP, qua đó lan tỏa hầu hết vào hệ thống phân phối, tạo điểm gặp gỡ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng,” ông Huấn nhấn mạnh.

Là ngân hàng chủ lực trong cho vay tam nông - đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho hay đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi, đặc thù cho từng ngành, lĩnh vực của nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.

Ông Chu Ngọc Quý - Phó trưởng Ban Khách hàng cá nhân Agribank hia sẻ hiện nay, tại Agribank, các khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP có thể vay vốn không có đảm bảo tài sản với mức vay lên tới 1 tỷ đồng (đối với hợp tác xã, chủ trang trại) hoặc tối đa 80% dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao).

z5626512691806_93c4612b5310dd7f0c97d15e05c3cbc1.jpg
Chè Hoài Trung đạt chất lượng OCOP. (Ảnh: Vietnam+)

Agribank cũng tham gia các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh dành cho khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp đang được triển khai tại ngân hàng.

Tính đến nay, ngân hàng đã đáp ứng hơn 500 tỷ đồng vốn tín dụng cho các khách hàng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP. Đối với chương trình cho vay ưu đãi khách hàng cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP mới được ngân hàng triển khai 26/1/2024 có quy mô 2.000 tỷ đồng, đến nay có 28/171 chi nhánh triển khai, đạt doanh số cho vay đạt 101 tỷ đồng.

Sản phẩm OCOP chưa vững chắc

Tại tọa đàm, các chuyên gia, diễn giả phân tích dù đạt được những kết quả tích cực, việc phát triển sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều điểm hạn chế, chưa thực sự đảm bảo tính bền vững. Nhiều sản phẩm OCOP vẫn chưa tìm được chỗ đứng vững chắc ở tại thị trường trong nước, chứ chưa nói gì đến xuất khẩu quốc tế.

Nguyên nhân là bởi sự chủ động vào cuộc ở một số địa phương còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP, đặc biệt là nâng cao năng lực về tổ chức, quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm, nhiều sản phẩm chỉ quan tâm đến mẫu mã, bao bì, chưa trú trọng vào yếu tố chất lượng, đặc biệt là gắn với thị hiếu người tiêu dùng.

Ông Chu Ngọc Quý cũng thừa nhận trong quá trình triển khai, ngân hàng cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc khi cho vay như các khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh sản xuất sản phẩm OCOP thường có quy mô nhỏ, việc áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn hạn chế dẫn tới khách hàng thường ít có nhu cầu vay vốn.

Hiện tại, hợp tác xã là đối tượng được cấp chứng nhận OCOP, tuy nhiên trong quá trình vay vốn có phát sinh như giấy chứng nhận OCOP được cấp cho các hợp tác xã, do đó các thành viên của hợp tác xã không được cấp giấy chứng nhận OCOP riêng, dẫn tới khó khăn trong việc vay vốn để sản xuất của từng thành viên. Các đơn vị còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thị trường, thực hiện chế độ thống kê, kế toán còn nhiều hạn chế, ngần ngại trong việc minh bạch tình hình kinh doanh tài chính với ngân hàng, mua bán hàng hóa thiếu hóa đơn tài chính, không đảm bảo chế độ phát hành hóa đơn của nhà nước, do đó ngân hàng không đủ cơ sở để đánh giá, thẩm định cho vay...

449603451-1555851844996457-3125015017427466937-n20240712100200.png
Ông Chu Ngọc Quý - Phó Trưởng Ban Khách hàng cá nhân, Agribank phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Vietnam+)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Mai Quang Vinh - Viện trưởng Viện Công nghệ xanh thì cho biết các sản phẩm OCOP hiện nay chưa thuyết phục được lượng lớn đối tác, người tiêu dùng vì chưa minh bạch trong truy xuất nguồn gốc. Mỗi phẩm ra thị trường phải cho người tiêu dùng biết được sản xuất trên đất nào, nguyên liệu nào, sản xuất như thế nào, thời hạn sử dụng ra sao... nhưng khâu này còn rất yếu, hầu như chưa truy xuất được, chưa quản lý giám sát tốt.

“Chính vì vậy trong thời gian tới, chúng ta cần phải khắc phục những hạn chế này khi nhà cung cấp đã có, công nghệ đã sẵn sàng, cơ chế chính sách đã hỗ trợ. Việc sản xuất một sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, mẫu mã bắt mắt, minh bạch về thông tin truy xuất là mục tiêu cần được đặt rõ,” ông Vinh lưu ý.

Ông Phạm Trường Giang - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh: "Để triển khai các chương trình OCOP hiệu quả hơn, rất cần các cơ chế chính sách đồng bộ, vì vậy cần xem xét, đánh giá, tổng kết để điều chỉnh phù hợp, cũng như nâng cao sự phối hợp của cơ quan quản lý trung ương và địa phương. Riêng với ngành Ngân hàng cũng cần đưa ra các chính sách đồng bộ với các chính sách khác."

Để chương trình OCOP đạt hiệu quả và phát triển bền vững, các chuyên gia khẳng định, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó hành lang pháp lý phải đi trước một bước. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Với các chủ thể OCOP, yêu cầu của thị trường, của kinh tế hàng hóa đã và đang đặt ra những òi hỏi cho các chủ thể OCOP phải luôn có sự cải tiến mẫu mã sản phẩm, để phù hợp với tâm lý, thị hiếu người tiêu dùng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục