Trong không khí rừng rực của đại thắng mùa xuân năm 1975, tiếng nói của phát thanh viên trong mục "Sổ tay chiến sự" cất lên đầy hào sảng đã thu hút và làm rung động hàng triệu triệu trái tim. Chuyên mục do phóng viên Cao Nham trực tiếp biên tập và trình bày trên sóng phát thanh quân đội thời ấy rất được quân và dân quan tâm, ủng hộ.
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với nguyên trưởng phòng Tư liệu-Trung tâm thông tin Khoa học quân sự, Bộ quốc phòng, đại tá Cao Nham, về chuyên mục này cũng như những nguyên tắc của việc đưa tin thời chiến.
Ông có thể nói đôi chút về chuyên mục “Sổ tay chiến sự” từng rất “đắt khách” của phát thanh quân đội thời chiến?
Đại tá Cao Nham: Chuyên mục ra đời ngày 5/2/1968, sau hai lần đổi tên thì kết thúc vào ngày 7/5/1975. Bắt đầu từ tháng 3/1975, tôi hay nói vui "hai vai gánh vác sơn hà, nửa non vô tuyến nửa già phát thanh", ban ngày thì làm chương trình "Sổ tay chiến sự" 15 phút, tương đương 6 trang A4, viết xong 1 giờ chiều đọc vào băng, 7 giờ tối lại sang đài truyền hình thí điểm…
Thời đó chỉ có những người như bà Tuyết Mai, ông Việt Khoa… được phép lên truyền âm ngồi đọc thẳng vì còn phải cảnh giác chính trị, đề phóng “nó” cướp sóng phát thanh kêu gọi đảo chính. Vì thế, mọi thứ đều phải thu vào băng sau đó mới duyệt phát.
Làm mục này khổ lắm, sáng 7 giờ đã phải sang Cục Tác chiến giao ban. Tin hồi đó do Cục Tác chiến đưa ra vì chỉ có cơ quan này mới nắm thực chất cuộc chiến tranh. Sau đó, thủ trưởng lại phải chủ trì giữa tác chiến và tuyên huấn để làm sao cái tin này đưa ra công khai nhưng vừa không lộ bí mật vừa đạt được tác dụng đồng thời lại chính xác.
Vì thời đó tin làm ra cũng phải bịt được mắt địch, phải nghi binh. Thí dụ: đánh trận làng Vây gần Khe Xanh, đúng ra là đã diệt 768 tên địch, nổ súng lúc 11 giờ 30, kết thúc lúc 4 giờ 30 sáng hôm sau; nhưng trong Khe Xanh vô tuyến điện của Thông tấn xã Bình-Trị-Thiên điện ra bằng mật mã, nếu ngoài này mà đưa tin chính xác như điện ra, địch cũng thu ta cũng thu thì địch chỉ cần lấy nhóm số 768 là lần ra được toàn bộ khoá mật mã của bản tin. Như thế, bên cơ yếu sẽ kiện rằng phát thanh đưa tin làm lộ khóa mã của họ. Chính vì thế, tin lại phải đưa một khái niệm khác là “diệt gần 800"…
Cái khó nhất khi làm tin "nghi binh" là gì, thưa ông?
Đại tá Cao Nham: Tuy là nghi binh nhưng quan trọng là không được nói thêm lên. Như tin trên, "gần 800" nghĩa là ta đưa vượt quá lên 30. Thế nhưng ngày mai đánh trận Quảng Trị diệt được 740 địch thì phải nhanh chóng trừ đi 30 tên hôm qua đưa đội lên, chỉ được phép nói 710. Vì tin tức thời chiến còn liên quan tới vấn đề khóa mã nên chúng tôi buộc phải “nghi binh”. Báo cáo tác chiến, tính công thành tích để thưởng huân chương lại có bản thống kê khác.
Làm tin trong chiến tranh là cũng tham gia chiến đấu trên mặt trận chính trị, vì tin còn có thể đánh lừa địch. Thế nhưng đến năm 1975 thì không phải “lừa” nữa. Sướng nhất là hôm 30/4, lúc 10 giờ 30, tôi đang ngồi bên Đài thì nhận được tin từ Đài phát thanh Sài Gòn Dương Văn Minh nói lời đầu hàng “Tôi, Dương Văn Minh Tổng thống Cộng hòa miền Nam Việt Nam yêu cầu toàn bộ quân lực Cộng hoà ngừng bắn, không chống cự nữa…”. Lúc đó tôi sướng đến gai hết người.
Khi làm chuyên mục “Sổ tay chiến sự”, ông làm cách nào để "nghi binh" với địch mà không "nghi binh" với hàng triệu quân dân Việt Nam
cũng thường xuyên theo dõi tin tức qua đài phát thanh?
Đại tá Cao Nham: Thời đó tôi có học Cụ Hồ câu này: “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Bác dặn tuyên huấn các chú không được giết thêm một thằng địch nào, bắn rơi 1000 máy bay phải nói 1000 chứ không được nói 1001…
Vì thế, trong tin của tôi có hai yếu tố, một yếu tố xác định và một yếu tố không xác định. Nếu ta thắng thì nói số địch bị diệt còn không nói số quân ta thương vong, thương vong 10 mà nói bốn hay nói một, như thế mới là nói dối, còn như ta chỉ là không nói thôi. Nói thế là không dối bà con mà là tôi đang nói dối thằng địch đấy chứ.
Đó là nghiệp vụ của làm tin thời chiến. Vì trong chiến tranh, bất kỳ một sai lầm nhỏ cũng phải trả giá bằng xương máu đồng bào. Không như thời bình bây giờ, đưa tin một tấn thịt lợn ôi hay sữa dính melamin nhưng ngày mai có thể cải chính để chúng tiếp tục được tiêu thụ…/.