Lan tỏa giá trị Di sản trong Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc 2023

Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc 2023 có nhiều nội dung mới, lần đầu tiên tái hiện cảnh Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương chỉ huy, chiến đấu chiến thắng giặc Nguyên Mông trên Lục Đầu giang.
Lan tỏa giá trị Di sản trong Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc 2023 ảnh 1Quang cảnh Lễ hội quân trên sông Lục Đầu. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Đã thành thông lệ, trung tuần tháng Tám âm lịch hàng năm là dịp diễn ra Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), kỷ niệm ngày mất của Đức Thánh Trần Hưng Đạo (20/8 âm lịch) và ngày mất của Anh hùng Dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (16/8 âm lịch).

Lễ hội mùa Thu Đền Kiếp Bạc đã có từ cách đây hơn 720 năm với nhiều nghi thức tế lễ và diễn xướng dân gian rất nổi tiếng như lễ rước cỗ tiến thánh, lễ hội quân trên sông Lục Đầu, lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu, tục hầu Thánh, lễ ban ấn của Đức Thánh Trần, cùng nhiều trò chơi dân gian khác như đấu vật, đua thuyền, bắt vịt, thổi cơm, thi nhảy phỗng…, thu hút hàng vạn du khách và nhân dân thập phương về trảy hội và tưởng nhớ các bậc vĩ nhân.

Năm nay, Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc diễn ra trong 11 ngày, từ ngày 24/9-4/10 (10-20/8 âm lịch), tái hiện nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc, kết hợp với Tuần Văn hóa Du lịch và giới thiệu các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Hải Dương.

Đặc biệt, thông qua lễ hội sẽ tăng cường quảng bá các giá trị di sản văn hóa nổi bật toàn cầu của khu di tích trong quá trình tỉnh Hải Dương đang cùng với các tỉnh xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn-Kiếp Bạc là Di sản Thế giới.

Lễ hội sẽ mở đầu bằng Lễ dâng hương và Tế cáo yết vào ngày 24/9 (tức 10/8 âm lịch) và kết thúc vào ngày 4/10 (20/8 âm lịch) với Lễ rước bộ, Lễ tế và Giỗ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Các hoạt động chính của lễ hội sẽ tập trung từ ngày 30/9 đến 4/10 (tức 16-20/8 âm lịch).

Vào sáng 30/9 sẽ là Lễ rước, Lễ dâng hương tưởng niệm 581 năm ngày mất của Anh hùng Dân tộc-Danh nhân Văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi; Lễ tế tại Đền thờ Nguyễn Trãi và Đền thờ Trần Nguyên Đán (Khu Di tích Côn Sơn)

Tối 30/9 sẽ khai mạc đồng thời các sự kiện Lễ tưởng niệm 723 năm Ngày mất của Anh hùng Dân tộc Trần Hưng Đạo; Lễ khai hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2023; Tuần Văn hóa Du lịch và Xúc tiến Thương mại Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2023.

Lan tỏa giá trị Di sản trong Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc 2023 ảnh 2Lễ ban ấn Đền Kiếp Bạc. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Nét mới của lễ hội năm nay là Lễ tưởng niệm ngày mất của Anh hùng Dân tộc Trần Hưng Đạo sẽ được mở đầu với hoạt cảnh ‘Hùng khí Lục Đầu giang,’ nhằm tái hiện cảnh Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương chỉ huy, chiến đấu chiến thắng giặc Nguyên Mông.

[Di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc trong hành trình trở thành Di sản Thế giới]

Tuần Văn hóa Du lịch và Xúc tiến Thương mại Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2023 được tổ chức trên đê sông Lục Đầu và có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với 65 gian hàng, trong đó có 35 gian hàng bày bán các sản phẩm du lịch, nông sản đặc trưng của Hải Dương và 30 gian hàng của các địa phương trong cả nước.

Đêm 30/9, vào lúc 23h sẽ là Lễ khai ấn và ban ấn tại đền Kiếp Bạc.

Lễ hội quân trên sông Lục Đầu diễn ra sáng 1/10; Liên hoan diễn xướng hầu Thánh được tổ chức tối cùng ngày tại Khu Di tích Kiếp Bạc.

Tối 2/10 là Lễ cầu an và Hội hoa đăng trên sông Lục Đầu.

Lan tỏa giá trị Di sản trong Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc 2023 ảnh 3Quang cảnh lễ cầu an và hội hoa đăng. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Trong khuôn khổ lễ hội, Ban Tổ chức sẽ tổ chức trình diễn nghệ thuật múa rối nước tại hồ Kiếp Bạc; các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian đặc sắc tại hai Khu Di tích Côn Sơn và Kiếp Bạc.

Đi liền với Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2023, thành phố Chí Linh lần đầu tiên tổ chức Festival Chí Linh-Hải Dương với chủ đề “Tinh hoa hội tụ-Khát vọng tỏa sáng.”

Festival diễn ra từ ngày 24/9-4/10 tại Quảng trường Sao Đỏ, Khu di tích Quốc gia Đền Mẫu Sinh-Đền Thánh Hóa và Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc.

Khu Di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc là một danh thắng có núi sông hòa hợp, sơn thanh thủy tú, phong cảnh hữu tình, là nơi hội tụ nhiều giá trị về văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng đặc sắc và phong phú, một địa chỉ văn hóa tâm linh quan trọng trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam.

Giá trị của di tích, về danh nhân và vùng đất này gắn với thiền phái Trúc Lâm và cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược vào thế kỷ 8.

Sự giàu có về các giá trị văn hóa vật thể hội tụ cùng những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc thể hiện ở các lễ hội gắn với di tích là lý do nơi đây thu hút hàng chục vạn lượt du khách mỗi năm.

Lan tỏa giá trị Di sản trong Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc 2023 ảnh 4Lễ rước văn từ nhà thờ Tổ Chùa Côn Sơn sang Đền Nguyễn Trãi. (nh: Mạnh Minh/TTXVN)

Trải qua bao biến thiên lịch sử, các di tích và những lễ hội truyền thống ở Côn Sơn-Kiếp Bạc còn vẹn nguyên các giá trị và có sức thu hút đặc biệt.

Năm 2012, Côn Sơn-Kiếp Bạc đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia Đặc biệt. Lễ hội Chùa Côn Sơn và Lễ hội Đền Kiếp Bạc được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Quốc gia.

Để nâng tầm giá trị của di tích, tỉnh Hải Dương cùng hai tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang hiện đang khẩn trương phối hợp xây dựng Hồ sơ khoa học “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc” để trình UNESCO công nhận là Di sản Thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục