Tỉnh Quảng Nam không chỉ nổi tiếng với những di sản văn hóa được UNESCO công nhận hay cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn ghi dấu ấn bao đời với những làng nghề truyền thống như: làng đúc đồng Phước Kiều, làng mộc Kim Bồng, làng dệt chiếu cói Bàn Thạch, làng dệt Mã Châu… Trong số này, làng dệt lâu đời Mã Châu (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) nằm giữa tuyến giao thông nối hai di sản Mỹ Sơn và Hội An được hình thành từ thế kỷ 15, nhưng tiếc thay lại đang đứng trước bờ vực phá sản.
Khung cửi “đắp chiếu” Một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn sót lại, cụ Nguyễn Thùy (87 tuổi) cho biết, Mã Châu trước mang tên “Tứ mã” với 4 làng Mã Thành, Mã Thượng, Mã Đông, Mã Tây và bến đò tơ nổi tiếng cung cấp các loại tơ lụa cho thương nhân nước ngoài ở cảng Trà Nhiêu-Hội An.” Cụ Thùy vẫn nhớ: “Giai đoạn hưng thịnh nhất của làng nghề là quãng thời gian những năm 70-80 của thế kỷ trước. Thời đó công nhân làm không hết việc, cả bốn huyện như Đại Lộc, Quế Sơn, Điện Bàn, Duy Xuyên đều làm nghề dệt hết.”
Khung cửi “đắp chiếu” Một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn sót lại, cụ Nguyễn Thùy (87 tuổi) cho biết, Mã Châu trước mang tên “Tứ mã” với 4 làng Mã Thành, Mã Thượng, Mã Đông, Mã Tây và bến đò tơ nổi tiếng cung cấp các loại tơ lụa cho thương nhân nước ngoài ở cảng Trà Nhiêu-Hội An.” Cụ Thùy vẫn nhớ: “Giai đoạn hưng thịnh nhất của làng nghề là quãng thời gian những năm 70-80 của thế kỷ trước. Thời đó công nhân làm không hết việc, cả bốn huyện như Đại Lộc, Quế Sơn, Điện Bàn, Duy Xuyên đều làm nghề dệt hết.”
(Lặng lẽ những chiếc thoi hiếm hoi - Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Thời đó, được các cấp chính quyền khuyến khích, nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng cả tỷ đồng đầu tư máy móc. Những bộ khung cửi gỗ được “cơ khí hóa” bằng máy khung sắt rồi chuyển sang máy dệt kiếm (máy công nghiệp tự động) với giá thành từ khoảng 60 -100 triệu đồng/chiếc. Bởi, “Với loại máy kiếm một công nhân có thể đứng được sáu máy và cho sản lượng 100 mét/ngày còn máy gỗ cổ truyền chỉ cho khoảng 30 mét/ngày thôi. Máy gỗ đã bị người dân đem bán phế liệu gần hết rồi,” anh Lương Công Nghĩa, người sinh ra trong một gia đình truyền thống làm nghề dệt của làng Mã Châu nói. Tuy nhiên, từ đầu năm 2008 đến nay, làng nghề dệt vải Mã Châu lâm vào cảnh khốn khó và đứng trước nguy cơ phá sản. “Tình trạng này kéo dài 2 năm nay rồi, nhất là năm nay rất khó khăn, công nhân phải nghỉ gần hết,” anh Nguyễn A – con trai thứ 9 của cụ Thùy cho biết. Cụ Thùy buồn rầu lý giải: “Do giá nguyên liệu đầu vào cao nên sợi ra lên tới gần 100 triệu/tấn, mãi mới xuống được tới 70 triệu/tấn. Nếu bán thì chúng tôi lỗ ít nhất đã 30 triệu/tấn. Nhưng với giá đó, thương lái họ vẫn thấy cao quá nên sợ không dám mua, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm. Mà chất lượng vải cũng giảm hơn ngày xưa…” Vì thế, đời sống người dân vô cùng khốn khó. “Thôn có 700 hộ, 200 hộ làm nghề nông còn lại 500 hộ là sống bằng nghề dệt. Người làm nghề dệt của Mã Châu không có đất ruộng nên không làm nghề này thì ‘chết’ luôn. Đất ruộng có răng mà làm. Giai đoạn ni đang là giai đoạn ‘chết’ của người dệt Mã Châu,” cụ Lương Khái (nghệ nhân 85 tuổi) thở dài.
(Quang cảnh hoang tàn ở một xưởng dệt thời điểm này - Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Giờ đây, quang cảnh đìu hiu bao trùm cả làng nghề. Cảnh tan ca hàng trăm công nhân cùng túa ra ồn ã như nhiều năm trước đây đã không còn. Những doanh nghiệp lớn thời điểm này cũng chỉ hoạt động cầm chừng, cắt giảm sản lượng còn người dân chuyên sản xuất gia công cho các doanh nghiệp thì hầu hết phải “đắp chiếu” khung cửi. Quyết bám nghề và chờ thời! Khó khăn chồng chất khó khăn là vậy nhưng những nghệ nhân cao niên còn sót lại như cụ Thùy, cụ Khái… hay thế hệ hậu bối như anh Nghĩa, anh A… khi được hỏi rằng có bỏ nghề không thì đều nhất mực khẳng định sẽ theo nghề đến cùng. Cụ Nguyễn Thùy phân trần rằng, đã trải qua bao thăng trầm với nghề, ba chìm bảy nổi cũng chỉ với nghề này nên không thể bỏ. Tới giờ đang là "đáy" phát triển của làng nghề nhưng cụ và các con cháu vẫn quyết giữ lấy nghề truyền thống và chờ cơ hội khôi phục lại làng nghề. “Tôi hy vọng qua tháng 9 tới tết theo quy luật như mấy năm trước hàng sẽ bán chạy lại. Tôi không chỉ truyền nghề cho con cái từ khi chúng 14-15 tuổi mà tôi còn truyền cho chúng tình yêu nghề, nên có tới chết như chừ cũng không bỏ nghề,” cụ Thùy nói.
(Hoạt động cầm chừng - Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Còn đại diện cho lớp trẻ của làng, anh Nghĩa không dấu nổi đau xót trước thực tế: “Ngày xưa gia đình tôi mua ba máy dệt hết gần 10 lượng vàng giờ đem phá ra bửa củi…” Thế nhưng, anh Nghĩa cũng khẳng định ngoài làm dệt ra sẽ không làm nghề gì khác. Nói về số lượng 30% hộ còn giữ được nghề của làng anh Nghĩa nói: “Đó là những hộ không thể chuyển đổi mô hình kinh doanh và do họ tâm huyết với nghề, yêu nghề.”
(Vẫn hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn - Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Với chừng ấy quyết tâm, làng dệt vải Mã Châu tiếng tăm một thời giờ đang gồng mình chống đỡ sức ép từ cơ chế thị trường. Để giữ được "lửa" trong những tấm lòng với nghề đã là đáng quý và khó khăn nhưng để khôi phục, gìn giữ và phát huy nghề dệt ở đây còn khó hơn nhiều./.
ChiLê (Vietnam+)