Tái ngộ công chúng mộ điệu Việt Nam sau 15 năm, trong concert “Hublot Loves Art" tối 31/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nghệ sỹ dương cầm Lang Lang – người làm nên “hiện tượng” với những concert “cháy vé” - được cho là đã làm nên cuộc cách mạng trong thưởng thức nhạc cổ điển đã có những chia sẻ với báo VietnamPlus về hành trình trở thành thần đồng dương cầm nổi tiếng thế giới và lựa chọn phong cách nghệ thuật khi kết hợp truyền thống và hiện đại gây nhiều tranh cãi.
- Trở lại Việt Nam sau 15 năm, nhất đây lại là show mở màn cho tour diễn lần này của anh sau hai năm tạm nghỉ do chấn thương ở tay. Tinh thần “tái ngộ” công chúng mộ điệu tối nay của anh có gì khác biệt với lần trước?
Lang Lang: Tôi rất vui. Việt Nam là một đất nước rất xinh đẹp. Hẳn là tôi có duyên với đất nước các bạn. Lần trước tôi đến đây với cha mình. Lần này tôi mang đến một món quà. Đó là người học trò xuất sắc 12 tuổi. Cậu bé tên là Peter. Cậu bé là tay đàn nhí được quỹ của tôi tìm kiếm tài năng của tôi phát hiện và hỗ trợ. Tối nay tôi sẽ biểu diễn với học trò trên sân khấu các tác phẩm của Schubert, Schulzman, Chopin...
- Sau thời gian gián đoạn, anh đã lấy lại cảm hứng với phím đàn như thế nào?
Lang Lang: Đó thực sự là bản năng của nghệ sỹ. Mỗi lần ra sân khấu, tôi có 10 giây nhập cuộc khi đi từ cánh gà ra đến cây đàn. Khi tôi ngồi trước cây đàn và đặt đôi tay của mình trên phím, toàn bộ tâm trí của tôi sống trọn trong âm nhạc, giống như người thợ lặn vậy, từng chút từng chút ngụp lặn trong vẻ đẹp của âm nhạc. Cảm xúc đó xâm chiếm lấy toàn bộ khối óc và con tim, chảy xuống từng ngón tay của tôi để đến với người nghe.
- Đôi tay là sinh mạng của người chơi dương cầm. Đôi tay của Lang Lang còn là báu vật của quốc gia. Nhưng đôi tay của anh còn là báu vật của các nhãn hàng. Những show diễn liên tiếp, những hợp đồng quảng cáo. Điều này đã khiến anh ngày càng xa rời sự mực thước của âm nhạc cổ điển?
Lang Lang: Tôi nghĩ rằng đã là nghệ sỹ, điều quan trọng nhất chính là phong cách nghệ thuật. Nếu bạn cứ nhất mực muốn giữ sự mực thước thì đôi khi lại mang đến sự buồn tẻ cho người nghe. Truyền thống hay đương đại thì bạn đều phải là chính mình, thay vì bắt chước người khác.
Tài năng chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ, quan trọng là sự khổ luyện. Mỗi người có cách luyện tập khác nhau, lúc vui, lúc buồn, lúc cáu giận… Nhưng dù bạn là ai, thiên tài hay người ngoài hành tinh thì bạn đều phải tập luyện chăm chỉ.
- Gọi tên mình là “đương đại” với phong cách phóng khoáng, không ngại giao thoa. Đó có phải lý do anh cố tình xây dựng hình ảnh của mình như một “ngôi sao” với bề ngoài bóng bẩy và phù phiếm mặc cho những chỉ trích của giới phê bình anh đang thị trường hóa nhạc cổ điển?
Lang Lang: Tôi nghĩ rằng âm nhạc chính là cảm xúc. Con người ngoài đời và Lang Lang khi chơi đàn hoàn toàn khác nhau. Trước đây, khi tôi còn trẻ, còn ngựa non háu đá, tôi luôn muốn chinh phục các bản nhạc khó nhất, đòi hỏi kỹ thuật lão luyện.
Giờ đây, khi đã trải qua các cung bậc của cuộc sống, tôi nghiệm ra rằng, âm nhạc cổ điển thì không chỉ là kỹ thuật mà còn là cảm xúc. Bạn chơi gì không quan trọng bằng bạn chơi như thế nào. Đó là lý do tôi không ngại kết hợp và giao thoa để mang đến cảm xúc mới mẻ cho người nghe.
- Là một trong ba nghệ sỹ dương cầm tài năng nhất Trung Quốc, ít người biết rằng Lang Lang đã trải qua thời gian khổ luyện với cây đàn piano từ lúc 3 tuổi bởi sự nghiêm khắc của cha mình. Trở thành thần đồng thì không có tuổi thơ. Thời gian đó, anh có chán ghét cây đàn piano không?
Lang Lang: Có. Có thể bạn không tin nhưng thời gian đó cây đàn piano là nỗi ám ảnh của tôi. Lịch tập luyện và thi đấu chiếm hết thời niên thiếu của tôi. Tôi và bố cũng xung đột rất nhiều. Nhưng nhờ sự hà khắc và khát vọng của người cha mà tôi đã trở thành thần đồng và gắn cuộc đời mình với âm nhạc.
- Khởi điểm đó có phải là lý do dù còn rất trẻ nhưng anh đã thành lập quỹ phát hiện và ươm mần tài năng piano từ cách đây 10 năm. Khát vọng người cha đã thấm đẫm vào anh, với mong muốn ngày càng có nhiều thêm các thần đồng đến từ châu Á?
Lang Lang: Quỹ âm nhạc phi lợi nhuận của tôi tìm kiếm và ươm mầm các tài năng trên toàn thế giới, không riêng gì Châu Á. Mong muốn của tôi là muốn tạo ra môi trường để các bạn được làm quen và đến với cây đàn thư giãn hơn, tươi vui hơn.
Vì tôi đã trải qua thời gian khổ luyện vô cùng khắc nghiệt, nên bản thân tôi hiểu rất rõ sự được mất của nó. Vì thế, tôi hướng đến phát triển giáo dục âm nhạc và xây dựng văn hoá nghe nhạc của giới trẻ thông qua những sự kiện trải nghiệm nhạc sống bởi không chỉ những em nhỏ có năng khiếu mới cần được quan tâm.
Quỹ của tôi tìm đến cả những trường công lập, ủng hộ và giúp đỡ các em theo đuổi đam mê âm nhạc bằng phương thức gần gũi, ít tốn kém nhưng lại cần thiết để chắp cánh ước mơ và lan tỏa âm nhạc cổ điển.
Một tin vui cho bạn là, hiện nay ranh giới giữa cổ điển châu Á và châu Âu đã rút ngắn rất nhiều. Thời của tôi, những người theo học trong trường âm nhạc cổ điển danh tiếng thế giới chỉ chiếm 30% nhưng hiện nay tỷ lệ đó đã lên tới 60-70%. Tôi thấy có điểm chung ở đa số những người trẻ, cả ở Việt Nam lẫn quốc tế, là họ luôn nỗ lực và cố gắng để đạt được giấc mơ. Nếu kiên trì và cố gắng, tôi tin rằng tất cả sẽ chạm được tới đích.
Tôi mong câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng cho các bạn trẻ ở Việt Nam để luôn tin tưởng vào sự lựa chọn của bản thân, kiên trì với ước mơ. Khi bạn chăm chỉ, thành công sẽ đến./.