Lư Cấm được xem là “làng ông Táo” vì đây nổi tiếng là nơi sản xuất ra các bếp ông Táo cung cấp cho thị trường tỉnh Khánh Hòa và nhiều tỉnh lân cận.
Hơn chục năm trước đây, cứ đến những ngày giáp Tết, đặc biệt là 23 tháng Chạp, ngày ông Táo lên chầu trời, không khí tại thôn Lư Cấm, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nhộn nhịp hẳn lên. Vui nhất là các hộ làm bếp ông Táo vì hàng làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.
Thế nhưng gần đây, năm nào "làng ông Táo" cũng tồn đọng cả trăm cái bếp.
Lư Cấm thời xưa cả làng làm nghề gốm thì giờ đây đang đứng trên bờ vực mai một làng nghề.
Ông Lê Văn Sương, một người bám nghề gần 30 năm cho biết: “Cách đây khoảng 40 năm cả cái làng này đều làm gốm, làm bếp. Từ 20 năm đổ lại, sau bao phen sóng gió đến bây giờ chỉ còn 5 hộ duy trì được nghề là hộ ông Đặng Văn Hiệu, Lê Văn Chương, Lê Văn Triết, Hồ Nhỏ và tôi. Các sản phẩm của làng từ nồi, niêu, chén bát bây giờ cũng chỉ còn duy nhất sản xuất bếp ông Táo.”
Các hộ ở đây cho biết, trừ những lúc lụt còn mưa nắng gì hằng tháng mỗi hộ cũng sản xuất ra được khoảng 1.000-1.500 cái bếp, giá 1 cái 10.000 đồng. Trừ chi phí, tiền lời mỗi tháng được khoảng 7 triệu đồng/3 lao động mà tính theo đầu người thì khoảng 2,5 triệu đồng/người/ tháng.
Tuy nhiên, để có được mức thu nhập này, người làm phải mất rất nhiều công sức, từ lúc nhào đất, lên khuôn, phơi phong, nặn lò cho đến nung lò. Tất cả các công đoạn làm bếp ngốn hết 20 ngày.
Đến thăm một lò nung khác, chúng tôi bắt gặp một bàn tay khéo léo, cắt vuốt, xoay nặn, đôi mắt vẫn chăm chút, đam mê khi tạo ra những chiếc bếp ông Táo.
Vẫn mê nghề, gắn bó với nghề lắm nhưng ông Lê Văn Chương không giấu được nét buồn phảng phất.
Ông tâm sự: “Tui làm nghề này đã được 4 đời rồi, có lẽ đến đời tui là hết làm thôi chú à. Mấy đứa con tui hiện tại đi học hết, nghe đến làm bếp là nó sợ luôn. Cũng do nghề này cực quá mà! Lấm lem bùn đất quanh năm mà hàng hóa làm ra ngày càng ế ẩm. Thêm đó là đất đai, than củi càng lúc càng cạn kiệt. Bếp gas, bếp điện thì ngày càng phổ biết, cái làng làm bếp ông Táo này e rằng sắp đến ngày tàn rụi rồi.”
Trong lúc trò chuyện, ông Chương chỉ vào cái cột mốc cắm sâu vào đất nhà ông gần 50m từ mặt đường vào, rồi cho biết: “Sắp tới lại có đợt giải tỏa, lò nung nhà tui sắp hết chỗ làm rồi. Nhận tiền đền bù rồi đi nơi khác mua đất sinh sống, chẳng biết có giữ được nghề cha ông không nữa…”
Xuân sắp về, không khí se se lạnh, len lỏi vào từng ngõ phố, từng căn nhà.
Ngày ông Táo chầu trời đến rất gần, chúng tôi dạo quanh thành phố Nha Trang với mong ước tìm lại chút ấm ấm, khói khói từ lửa của những bếp lò gốm nung. Chợt chạnh lòng vì người dân đã quên dần với bếp lò, quên dần tục lệ thay ông đầu Táo nhân dịp cuối năm.
Một phụ nữ giải thích: “Nhà toàn bếp gas chẳng lẽ tôi đem ra vứt?"
Cát bụi sẽ trở về với cát bụi, còn sắt thép đưa ông Táo về trời có lẽ sẽ khó khăn đây…/.
Hơn chục năm trước đây, cứ đến những ngày giáp Tết, đặc biệt là 23 tháng Chạp, ngày ông Táo lên chầu trời, không khí tại thôn Lư Cấm, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nhộn nhịp hẳn lên. Vui nhất là các hộ làm bếp ông Táo vì hàng làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.
Thế nhưng gần đây, năm nào "làng ông Táo" cũng tồn đọng cả trăm cái bếp.
Lư Cấm thời xưa cả làng làm nghề gốm thì giờ đây đang đứng trên bờ vực mai một làng nghề.
Ông Lê Văn Sương, một người bám nghề gần 30 năm cho biết: “Cách đây khoảng 40 năm cả cái làng này đều làm gốm, làm bếp. Từ 20 năm đổ lại, sau bao phen sóng gió đến bây giờ chỉ còn 5 hộ duy trì được nghề là hộ ông Đặng Văn Hiệu, Lê Văn Chương, Lê Văn Triết, Hồ Nhỏ và tôi. Các sản phẩm của làng từ nồi, niêu, chén bát bây giờ cũng chỉ còn duy nhất sản xuất bếp ông Táo.”
Các hộ ở đây cho biết, trừ những lúc lụt còn mưa nắng gì hằng tháng mỗi hộ cũng sản xuất ra được khoảng 1.000-1.500 cái bếp, giá 1 cái 10.000 đồng. Trừ chi phí, tiền lời mỗi tháng được khoảng 7 triệu đồng/3 lao động mà tính theo đầu người thì khoảng 2,5 triệu đồng/người/ tháng.
Tuy nhiên, để có được mức thu nhập này, người làm phải mất rất nhiều công sức, từ lúc nhào đất, lên khuôn, phơi phong, nặn lò cho đến nung lò. Tất cả các công đoạn làm bếp ngốn hết 20 ngày.
Đến thăm một lò nung khác, chúng tôi bắt gặp một bàn tay khéo léo, cắt vuốt, xoay nặn, đôi mắt vẫn chăm chút, đam mê khi tạo ra những chiếc bếp ông Táo.
Vẫn mê nghề, gắn bó với nghề lắm nhưng ông Lê Văn Chương không giấu được nét buồn phảng phất.
Ông tâm sự: “Tui làm nghề này đã được 4 đời rồi, có lẽ đến đời tui là hết làm thôi chú à. Mấy đứa con tui hiện tại đi học hết, nghe đến làm bếp là nó sợ luôn. Cũng do nghề này cực quá mà! Lấm lem bùn đất quanh năm mà hàng hóa làm ra ngày càng ế ẩm. Thêm đó là đất đai, than củi càng lúc càng cạn kiệt. Bếp gas, bếp điện thì ngày càng phổ biết, cái làng làm bếp ông Táo này e rằng sắp đến ngày tàn rụi rồi.”
Trong lúc trò chuyện, ông Chương chỉ vào cái cột mốc cắm sâu vào đất nhà ông gần 50m từ mặt đường vào, rồi cho biết: “Sắp tới lại có đợt giải tỏa, lò nung nhà tui sắp hết chỗ làm rồi. Nhận tiền đền bù rồi đi nơi khác mua đất sinh sống, chẳng biết có giữ được nghề cha ông không nữa…”
Xuân sắp về, không khí se se lạnh, len lỏi vào từng ngõ phố, từng căn nhà.
Ngày ông Táo chầu trời đến rất gần, chúng tôi dạo quanh thành phố Nha Trang với mong ước tìm lại chút ấm ấm, khói khói từ lửa của những bếp lò gốm nung. Chợt chạnh lòng vì người dân đã quên dần với bếp lò, quên dần tục lệ thay ông đầu Táo nhân dịp cuối năm.
Một phụ nữ giải thích: “Nhà toàn bếp gas chẳng lẽ tôi đem ra vứt?"
Cát bụi sẽ trở về với cát bụi, còn sắt thép đưa ông Táo về trời có lẽ sẽ khó khăn đây…/.
Quang Đức (Vietnam+)