Đón Tết trên đỉnh cao

Lang thang đón Tết cổ truyền trên đỉnh cao Tây Bắc

Cảm giác được đứng trên một đỉnh núi cao chót vót, xung quanh sương khói mờ mịt, vào dịp đầu năm đã gần như một thứ men say.
Những ngày này, nhiều "xóm phượt” online của dân du lịch bụi đang trở nên náo loạn vì vô số thông báo tuyển “xế” cho những chuyến đi vùng cao. Hát quốc ca nơi chót vót cột cờ Lũng Cú, lang thang trên những cung đường Tây Bắc đã bung đầy hoa mận hoa đào. Thậm chí, hò nhau “băm” rừng hít hà cái lạnh thấu xương trên đỉnh Fansipan…, những hành trình ấy đang hớp hồn "dân phượt" trong những ngày đầu năm mới.

Hạnh phúc lang thang…

Cái cảm giác được đứng trên một đỉnh núi cao chót vót, xung quanh sương khói mờ mịt, hướng ánh mắt ra những dải quạt ánh sáng le lói phía chân trời dịp đầu năm gần như một thứ men say cứ mỗi năm qua lại muốn nếm.

23 Tết, bất ngờ tôi nhận được một bức thư của Thưởng, gã bạn lâu năm với những dòng chào mời hấp dẫn đến nao lòng như thế. Hết thư, gã lại gọi điện, nằng nặc rủ đứa bạn cũ đi phượt chào đón năm mới cùng gã.

“Đi. Có một rừng phong đỏ trong rừng Chế Tạo, Yên Bái. Đón xuân bằng đào rừng nhạt rồi, năm nay đi ngắm phong một chuyến mới thú,” Thưởng hồ hởi.

Theo gã, từ hai năm nay, gã đã chẳng mấy khi “dừng chân” khi Tết về. Cứ đến hết ngày mùng 3, khi đã thăm nom họ hàng, gã lại xe máy, balô… chọn miền Tây miên viễn mà thẳng tiến.

Gã kể, lần đầu tiên đi, chỉ có gã và một “ôm” chứ chẳng có đoàn nào chạy cùng. Điểm đến là cột cờ Lũng Cú, Hà Giang. Hai người bạn độc hành, vặn tay lái ôm cua tròn qua những khúc quanh như ruột ngựa của cao nguyên đá. Hai bên đường, hoa đào nở bung bên những rào đá, tường đá như những nét chấm phá độc đáo. Người đi giữa có cảm giác xe mình đang chạy qua một đường hoa, rừng hoa rực rỡ.

Trong tiềm thức những "tay phượt" lão làng, miền Tây miên viễn ấy còn là đỉnh đầu của Tổ quốc, chỉ cần được đứng trên những cổng trời, nhìn ra khắp bốn phía trong cái nắng le lói của ngày đầu năm, tự nó đã thật thiêng liêng.

Anh Nguyên, một thành viên đình đám trong box du lịch của diễn đàn Trái tim Việt Nam online chia sẻ: “Bình thường, được đi đã là một niềm hạnh phúc, đi đến mỏi mòn của đầu gối vẫn đầy đam mê. Nhưng, quả thật rất khó cưỡng lại khao khát được đứng trên đỉnh cột cờ Lũng Cú trong đúng những ngày đầu năm mới.”

Những kẻ xe máy đường trường ấy náo nức hô hào nhau chuẩn bị lên đường đến những vùng cực khó, cực xa và cũng cực cao của Đất mẹ. Có nhóm rủ nhau “hát quốc ca bên cột cờ Lũng Cú,” có nhóm lại phấn khích với kế hoạch “kéo cờ, chạm tay vào nóc nhà Đông Dương.”

Chị Lê Ánh Trà, nhân viên một công ty xuất khẩu hàng dệt may tại Hà Nội, háo hức kể chúng tôi nghe về kế hoạch bốn ngày ba đêm đi Simacai (Lào Cai). Chị bảo, để thực hiện được chuyến đi hiếm hoi này, từ trước đó hai tuần, chị đã phải làm công tác “dân vận” với gia đình để các cụ đồng ý cho chị đi sau ngày mùng 3 Tết.

“Nhiều bạn ở tận Thành phố Hồ Chí Minh cũng không tiếc công ra Hà Nội để cùng nhau vi vu trên mấy con ngựa sắt. Nôn nóng lắm được hưởng cái cảm giác đứng trên miền cao Tây Bắc vào đúng dịp đầu năm,” chị Trà hào hứng.  

Rưng rưng nhìn Tổ quốc từ địa đầu Tây Bắc

Với những người đã từng “dám” lang thang trên những rẻo cao dịp xuân về, mỗi chuyến đi là một sự trải nghiệm, để họ có được cái nhìn xa hơn về Tổ quốc.

Nhớ lại khoảnh khắc đón năm mới trên cực Tây xa xôi, Nguyễn Tiến, một thành viên kỳ cựu của nhóm phượt BN vẫn chẳng thể giấu được sự tự hào. Sau hai ngày băng qua ngọn đèo kỳ vĩ Pha Đin, băng qua những dải rừng cháy nham nhở của tỉnh Điện Biên, sáng mùng 7 Tết, Tiến và các bạn đã có mặt tại xã Tả Khố Khừ, Mường Nhé, Điện Biên.

Theo kế hoạch, cả nhóm sẽ cắt rừng, vượt núi để lên mốc 0 ngay trong ngày mùng 8.

Đúng 7 giờ sáng, một đoàn gồm mấy gã với máy ảnh lỉnh kỉnh và một dân quân Tả Khố Khừ bắt đầu con đường chinh phục mốc cực Tây Tổ Quốc. Nắng len lỏi qua lớp sương vẫn còn chũng xuống trên đầu. Người vừa đi vừa rét run nhưng vẫn thấy ấm lòng khi nghĩ đến lúc sẽ được căng lá cờ Tổ quốc trên mốc.

Tiến nhớ lại: “Để tiếp cận được với mốc, chúng tôi phải mất đúng 6 giờ đi bộ qua những quả đồi cỏ gianh cao đến ngang người. Nắng càng lúc càng gay gắt, người muốn lả đi. Núi rừng thì vẫn cứ trập trùng và ngăn ngắt trước mặt.”

Chiếc ba lô trên vai được Nguyên chuẩn bị sẵn một lá cờ nhỏ giờ đã nặng trĩu. Dốc mỗi lúc một cao. Bình nước mang đi cũng đã cạn. Nguyên cùng các thành viên phải di dọc theo con suối chảy từ đỉnh núi xuống để có nước uống.

Đã 6 giờ trôi qua. Cả đoàn đã mệt nhoài vì gió Cực Tây từ nước bạn Lào vượt qua những sườn núi hun hút thổi. Vượt thêm qua một sườn núi dốc đứng và đầy tre nứa, mốc 0 thân yêu của Tổ quốc bỗng ẩn hiện dưới làn mây mù.

“Lúc ấy, chúng tôi quên cả đói, quên cả mệt, tất cả đều cố leo nhanh hơn,” Nguyên kể.

Đứng trên mốc, nhìn lại quãng hành trình mình đã đi qua, ngắm mây bay vờn sát mặt, mỗi thành viên trong đoàn lại cảm thấy ấm áp hơn. Gần như ngay lập tức, cờ Tổ quốc được căng ra. Các thành viên đứng nghiêm trang và bất ngờ cũng cất lên bài quốc ca hùng tráng.

“Giờ nhớ lại, đứng đúng ở ngã ba biên giới, gần chục con người, già có, trẻ có… đứng hát hồn nhiên trong cái lạnh se sắt của miền cao. Mắt mỗi người vẫn không ngừng hướng về Tổ quốc,” Nguyên tâm sự.

Không chỉ có vậy, với đa số những người “gàn dở” phượt Tết, đi đồng nghĩa với việc sẻ chia và đồng cảm. Nhớ lại hành trình 4 ngày lên Simacai dịp xuân năm ngoái, Bích Ngọc, phóng viên một tờ báo phụ nữ chia sẻ: “Đi nhiều chuyến trước, thấy đồng bào mình còn thiếu thốn nhiều quá nên khi bắt đầu hành trình, chúng tôi mang theo rất nhiều quần áo ấm quyên góp được ở Hà Nội cùng bánh kẹo. Lên đến Simaca [Lào Cai-PV], cả đoàn chia số quà ấy cho đồng bào người Mông.”

Khoảnh khắc thấy một cháu bé cười giòn tan giữa cái lạnh đến rợn người trên đỉnh Simacai, Bích Ngọc lần đầu tiên biết được cảm giác “vui như trẻ nhận quà ngày Tết” một cách đúng nghĩa nhất.

“Đón Tết bằng cách sẻ chia như vậy, chúng tôi thấy lòng mình ấm áp hơn,” Ngọc chia sẻ.

Chừng ấy cảm giác mê say, sẻ chia, đồng cảm… lại bắt đầu thúc giục dân phượt chuẩn bị cho hành trình lang thang đón Tết trên những rẻo cao năm Nhâm Thìn./.

Tết trên hành trình xuyên Á
 
Không chỉ đón Tết trên Tây Bắc, nhiều bạn trẻ còn tổ chức những chuyến đi dài hơi hơn, quy mô hơn để có thể thực sự hưởng trọn vẹn không khí Tết của các nước bạn.
 
 Trần Hiền, một thành viên của Box Du lịch, diễn đàn Trái tim Việt Nam online chia sẻ, năm trước, bạn đã đón Tết bằng một chuyến đi xuyên qua đất nước Campuchia. Năm nay, bạn sẽ cùng các thành viên trong nhóm “chạy” một chuyến “khủng” hơn khi đi qua địa phận 3 nước Campuchia-Thái Lan-Lào. Hành trình sẽ được bắt đầu từ ngày 28 tháng Chạp đến ngày 13 tháng Giêng.
 
 “Đây hứa hẹn sẽ là một chuyến đi hết sức ý nghĩa nhưng cũng rất vất vả. Mặc dù vậy, việc đón Tết trên những nẻo đường khác lạ cũng sẽ cho chúng tôi những trải nghiệm thú vị,” Hiền tâm sự.
Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục