Lào Cai: Nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế-xã hội hậu dịch COVID-19

Tỉnh Lào Cai đã đưa ra những kịch bản, đánh giá, dự báo, nhận định mặc dù khó khăn nhưng cố gắng cơ bản không điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Lào Cai: Nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế-xã hội hậu dịch COVID-19 ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. (Nguồn: laocai.gov.vn)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép”  vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Tại phiên họp thường kỳ Ủy ban Nhân dân tỉnh tháng 5 mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đặng Xuân Phong cho biết dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến các thế mạnh phát triển kinh tế của tỉnh như du lịch, cửa khẩu, sản xuất công nghiệp... Tất cả các chỉ tiêu đều đạt thấp, so với cùng kỳ đều giảm...

Cụ thể, hoạt động sản xuất công nghiệp tuy gặp một số khó khăn nhưng cơ bản vẫn duy trì sản xuất ổn định, chủ động tìm kiếm thị trường cung và cầu hàng hóa, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) tháng 4 ước đạt 2.676,3 tỷ đồng, lũy kế trên 9.590 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ diễn ra trầm lắng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng ước đạt 1.300 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu ước đạt 175,9% triệu USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng khách du lịch đến tỉnh Lào Cai ước đạt 625,4 nghìn lượt, giảm 69,2% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu giảm 69,4%.

Tháng 4, do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giảm, ước đạt 334 tỷ đồng, lũy kế 1.779 tỷ đồng, giảm 30,5% với cùng kỳ năm ngoái. 

Tổng thu ngân sách địa phương ước đạt 1.079 tỷ đồng, lũy kế 4.414,2 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng chi ngân sách địa phương đạt 1.068 tỷ đồng, lũy kế 4.918 tỷ đồng, tăng 18% so với chứng khoán.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ,... nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Lào Cai tháng 4 giảm 2,21% so với tháng trước, bình quân tăng 4,96% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tăng cao; một số nông sản tiêu thụ khó khăn, thiên tai, thời tiết diễn biến bất thường (mưa đá, giông lốc) ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Vẫn còn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...

[Lào Cai tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp hậu dịch COVID-19]

Trước những khó khăn trên, tỉnh Lào Cai đã đưa ra những kịch bản, đánh giá, dự báo, nhận định, mặc dù khó khăn nhưng cố gắng cơ bản không điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Nếu không đạt được, tỉnh sẽ có đánh giá phân tích nguyên nhân để từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể, phù hợp, quyết tâm hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.

Theo đó, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng những việc cụ thể như tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thủ tục hành chính; đẩy nhanh các dự án nông nghiệp gắn với chế biến.

Tỉnh Lào Cai cũng khẩn trương triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất kinh doanh hoàn thành chi trả trước 1/5/2020 cho 3 nhóm đối tượng (Nhóm người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng không bao gồm thân nhân, nhóm các đối tượng xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng và nhóm người thuộc hộ nghèo, cận nghèo).

Ngành Lao động, Thương bình và Xã hội cùng với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lưu ý rà soát các nhóm đối tượng; Rà soát mua sắm trang thiết bị y tế trong phòng chống dịch Covid -19, chuẩn bị báo cáo Chính phủ theo quy định.

Các ngành, các địa phương rà soát lại kế hoạch công tác, điểu chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế đảm bảo hoàn thành cao nhất mục tiêu kế hoạch đã ra của tỉnh.

Đối với lĩnh vực nông lâm nghiệp, tỉnh khắc phục hậu quả bão lũ trên tinh thần chủ động, tại chỗ (hộ gia đình tự khắc phục) trừ các trường hợp đặc biệt không có khả năng như hộ cận nghèo, hộ nghèo.

Ngành công nghiệp tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy như nhà máy thép Việt-Trung, nhà máy luyện đồng, các khu đô thị, điện nông thôn, giao thông nông thôn, giải ngân vốn.

Thương mại dịch vụ, tài chính tín dụng (nhóm hết sức quan trọng) tiếp tục có phương án linh hoạt theo hướng mở phù hợp với đặc thù của tỉnh, như về vận chuyển công cộng, các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, xem xét gỡ bỏ 2 trạm kiểm soát còn lại (tại quốc lộ 279 đoạn bắt đầu vào xã Nghĩa Đô, Bảo Yên và tại đường bộ huyện Bắc Hà giáp với huyện Xín Mần, Hà Giang).

Các ngành ngoại vụ, biên phòng, cửa khẩu trao đổi với phía Trung Quốc để thông thương qua cửa khẩu được thông suốt giữa hai bên.

Về tài chính-tín dụng, tỉnh sẽ tăng cường quản lý thu, chống thất thu, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế, tăng cường công tác quản lý chi ngân sách nhà nước, hạn chế các khoản chi phát sinh ngoài dự toán được giao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục