Thành phố Hồ Chí Minh tìm giải pháp phục hồi kinh tế hậu COVID-19

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ giải pháp hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, phấn đấu đến tháng 10/2020 giải ngân trên 80% dự án, thúc đẩy thị trường bất động sản.
Thành phố Hồ Chí Minh tìm giải pháp phục hồi kinh tế hậu COVID-19 ảnh 1Nghiên cứu phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Sáng 5/5, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế Thành phố Hồ chí Minh.”

Tọa đàm nhằm ghi nhận ý kiến đóng góp của chuyên gia kinh tế, lắng nghe các vướng mắc khó khăn từ phía doanh nghiệp làm cơ sở đánh giá tác động của đại dịch COVID-19, lắng nghe các kế sách để lãnh đạo thành phố đưa ra các giải pháp phù hợp hỗ trợ các ngành, lĩnh vực kinh tế, qua đó khôi phục phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Định hướng về các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, chính quyền thành phố, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tiếp tục chung tay phòng dịch quyết liệt, phục hồi sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường.

Thành phố triển khai các giải pháp ngăn chặn phá sản của doanh nghiệp như hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động, bảo đảm tính thanh khoản cho doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu người.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu rõ giải pháp hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương, mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế du lịch với từng nước.

Thành phố thúc đẩy số hóa tài nguyên của các doanh nghiệp, triển khai quản trị thông minh ở các doanh nghiệp, đẩy mạnh thực hiện thành phố thông minh, phấn đấu đến tháng 10/2020 giải ngân trên 80% các dự án, xây dựng Khu công nghệ cao giai đoạn 2, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, đẩy mạnh đề án khởi nghiệp sáng tạo…

[Hà Nội xây dựng kịch bản 3 thời điểm phát triển sản xuất kinh doanh]

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thành phố đã thực hiện tốt việc phòng chống dịch COVID-10 theo chỉ đạo của Chính phủ, chấp nhận hy sinh một phần lợi ích kinh tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khoẻ, tính mạng chho nhân dân.

Trong quý 1 năm 2020, việc thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội để phòng chống dịch, bệnh đã tác động rất lớn đến sự tăng trưởng của thành phố với mức tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,42% so cùng kỳ năm 2019, thấp nhất kể từ năm 1986 đến nay.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, với vai trò là đầu tàu kinh tế, dẫn dắt kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, thành phố luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cả nước trung bình từ 1,1-1,2 lần.

Sự tăng trưởng chậm lại của thành phố sẽ có nhiều tác động đến sự tăng trưởng chung của cả nước. Vì vậy, tập trung mọi nguồn lực và giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế thành phố là “mệnh lệnh” cần phải làm ngay.

Hiện thành phố đang phải đối diện với một số vấn đề thách thức như vấn đề kinh tế số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thị trường xuất nhập khẩu sẽ phải làm gì khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy nghiêm trọng; làm sao để vực dậy sức mua của thị trường nội địa, thời điểm mở cửa để phát triển du lịch quốc tế; giải pháp nào đảm bảo ổn định kinh tế, công ăn việc làm trong điều kiện phải thực hiện “mục tiêu kép” là giữ vững thành quả phòng chống dịch COVID-19 vừa khôi phục, tăng trưởng kinh tế.

Vì thế, lãnh đạo thành phố mong muốn chuyên gia, doanh nghiệp hiến kế giải pháp phát triển các ngành đóng góp cao vào tăng trưởng kinh tế thành phố như công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống, điện tử, bán buôn, bán lẻ, vận tải, tài chính ngân hàng… Đặc biệt giải pháp đối với những ngành chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 như các ngành sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng; vực dậy sự phát triển của ngành du lịch thành phố; hoạt động ngành vận tải và kho bãi.

Cùng với đó là các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục để nhanh chóng đưa các gói hỗ trợ đến các đối tượng một cách nhanh chóng và kịp thời; nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới thích ứng với tình hình dịch COVID-19 cũng như nghiên cứu, khai thác các thị trường nước ngoài lớn để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Dự báo về diễn biến phát triển kinh tế thành phố trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, tăng trưởng kinh tế quý 1/2020 của thành phố giảm rất sâu so với mức bình quân của cả nước.

Riêng trong tháng 4/2020 chỉ số công nghiệp giảm 8,3% so với tháng 3/2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ giảm 22,8%, ngành du lịch không phát sinh doanh thu…

“Theo kịch bản 1 và 2, tăng trưởng kinh tế của thành phố trong năm 2020 đạt từ 3-4%. Đây là kịch bản được trông chờ, có thể đạt được. Trong khi đó kịch bản 3 với mức tăng trưởng trên 5% là khó khả thi khi kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Kinh tế thành phố trong năm 2020 chắc chắc sẽ suy giảm, vấn đề là phải nhìn vào tương lai để đến năm 2021 phát triển nhanh, bền vững hơn," ông Ngân chia sẻ.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, đây là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghệ cao, đô thị xanh, giảm thâm hụt lao động. Chống dịch vẫn là mục tiêu quan trọng nhưng biện pháp thực hiện sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp để đạt được mục tiêu kép là kết hợp được sự phục hồi kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội; trong đó sự ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường trong nước trở nên quan trọng hơn đối với sự phục hồi kinh tế của Việt Nam nói chung và của Thành phố Hồ Chí Minh.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước đại dịch COVID-19 nhóm doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin ít sử dụng mặt bằng, ít thâm dụng lao động đã tận dụng cơ hội để sản xuất các thiết bị công nghệ cao phục vụ phòng chống dịch, sản phẩm thiết bị y tế, dịch vụ số cho doanh nghiệp, môi trường trực tuyến… nên ít ảnh hưởng, tăng trưởng tốt.

Tương tự, nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực lương thực thực phẩm do nhu cầu sản phẩm thiết yếu tăng cao nên đã tận dụng cơ hội để sản xuất hết công suất, đưa thêm nhiều sản phẩm, đầu tư thêm công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm .. nên đạt tăng trưởng và sẽ có cơ hội phát triển.

Trong khi đó nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày đã chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế để đi vào các thị trường lớn. Tuy nhiên do nguồn nguyên liệu ngày càng cạn kiệt nên sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục