Dự kiến, kế hoạch này sẽ được đưa lên Nội các và Quốc hội thông qua vào tháng Sáu tới.
Theo các chuyên gia, Lào phải đối mặt với hai thách thức lớn trong tài khóa 2012-2013 là tác động của cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu và những thảm họa tự nhiên không lường trước được.
Thứ nhất, rắc rối về tài chính của "lục địa già" sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu dệt may và các khoản viện trợ tài chính của Lào. Thứ hai, những cơn bão và nạn lụt nghiêm trọng vào mùa mưa hàng năm cũng là mối đe dọa tiềm tàng đối với nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.
Năm ngoái, hai cơn bão nhiệt đới lớn đã đổ bộ vào Lào, gây ra nạn lụt, khiến 42 người chết và gây thiệt hại 200 triệu USD. Cơn bão đã phá hủy 37.000ha ruộng lúa và nhiều cơ sơ hạ tầng quan trọng khác như đường sá, cầu đường, trường học.
Để từng bước giải quyết hai thách thức nói trên, gần đây các quan chức của Chính phủ Lào đã tiến hành những buổi thảo luận với Liên minh châu Âu (EU) về tác động của cuộc khủng hoảng nợ công.
Bên cạnh đó, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới đang làm việc với Cơ quan Điều hành Thảm họa Quốc gia Lào để phát triển kế hoạch điều hành thảm họa quốc gia.
Về việc thu hút đầu tư nước ngoài, các nhà kinh tế nhận định sự ổn định về chính trị của Lào sẽ giúp xây dựng lòng tin của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, một lượng lớn người dân Lào cho rằng họ không được hưởng lợi từ đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự gia tăng đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh các khoản đầu tư không giúp cải thiện tình trạng thất nghiệp.
Trong sáu tháng đầu của tài khóa 2011-2012, các khoản đầu tư nước ngoài lên tới 2 tỷ USD, song chỉ giúp tạo mới 6.100 việc làm. Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào cho biết, có khoảng 1.780 người, trong đó có 634 phụ nữ, đã đăng ký thất nghiệp và mong muốn chính phủ giúp họ tìm việc làm.
Tuy nhiên, các quan chức Lào cho biết thách thức lớn đối với những lao động Lào là họ thiếu kỹ năng làm việc so với người lao động tại các quốc gia khác.
Trong khi đó, nhà kinh tế Mana Southichack nhận định, các khoản đầu tư nước ngoài sẽ vừa giúp tạo mới việc làm, vừa thúc đẩy các ngành công nghiệp địa phương.
Mặc dù vấn đề hiện nay là Lào có rất ít các ngành công nghiệp địa phương, mà chủ yếu dựa vào nhập khẩu, nhưng nhà kinh tế Southichack khẳng định với những nỗ lực nghiêm túc của chính phủ, Lào sẽ giảm bớt được các rào cản và tạo ra những thay đổi./.