Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thị trường lao động năm 2023 tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với năm 2022. Tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý 4/2022 đã "hạ nhiệt" trong các tháng cuối năm nay.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hôm nay, 25/12.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định. Các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định.
Thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh sôi động trở lại dịp cuối năm
Các sàn giao dịch cung-cầu việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh, liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã và đang tạo ra gần 50.000 vị trí việc làm vào dịp cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn.
Năm 2023, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa hơn 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022. Đây cũng là số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Chia sẻ thông tin từ địa phương về tình hình lao động giãn việc, mất việc đã giảm, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết năm 2023 ghi nhận những khó khăn, thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, giày da… bị ảnh hưởng do thiếu đơn hàng dẫn đến phải cắt, giảm lao động, việc làm. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ban ngành, các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động.
Theo ông Lê Đức Giang, tình hình lao động-việc làm trên địa bàn tỉnh năm 2023 cơ bản đã ổn định; thị trường lao động cơ bản được phục hồi hơn so với năm 2021 và năm 2022, công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương quan tâm; đến nay, không còn tình trạng doanh nghiệp giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ luân phiên, nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Năm 2023, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 62.850 lao động; đưa hơn 14.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy sự phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế đã giúp cho số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng so với năm 2022. Bên cạnh đó, kết nối cung-cầu lao động được tăng cường và lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc, qua đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động tìm kiếm việc làm. Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, kết quả cao hơn thời điểm trước đại dịch COVID-19, thậm chí đạt mức cao nhất từ trước đến nay./.
Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 11/2023, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là hơn 1 triệu người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 955.058 người, tăng 9,5%.