Lật ngược thế cờ

Lật ngược thế cờ 2009 và lạc quan thận trọng 2010

Thị trường chứng khoán năm qua đã bứt phá với tốc độ đáng kinh ngạc và từng bước “hồi sinh” để khép lại trong màu xanh êm dịu.
Các thị trường chứng khoán thế giới mở sàn năm 2009 với sắc đỏ ngập tràn bởi dư âm cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ lan rộng sang toàn cầu và đẩy kinh tế thế giới rơi vào cuộc suy thoái tệ hại nhất trong nhiều thập niên qua.

Nhưng rồi thị trường đã bứt phá với tốc độ đáng kinh ngạc theo sau sự phục hồi bước đầu của kinh tế thế giới để khép lại năm 2009 trong màu xanh êm dịu.

Năm 2009: Lật ngược thế cờ

Các sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu đã rơi vào cảnh “đèn đỏ” gần trọn 3 tháng đầu năm khi hầu hết các chỉ số chứng khoán chủ chốt bị kéo xuống mức thấp kỷ lục trong lịch sử vào mùa Xuân.

Nguyên nhân là do giới đầu tư chứng khoán bị vụ phá sản của Ngân hàng Lehman Brothers nhấn chìm vào tháng 9/2008, lo ngại các thể chế tài chính từng nhận tiền cứu trợ khổng lồ từ Chính phủ để vượt bão khủng hoảng bị quốc hữu hóa.

Sau sự khởi đầu chuệch choạc đó, các sàn giao dịch chứng khoán thế giới từng bước “hồi sinh” và dần thoát khỏi “đáy vực”. Chớp lấy cơ hội, giới đầu tư không ngần ngại trở lại đổ tiền vào chứng khoán, tạo ra đợt bứt phá ngoạn mục cho thị trường mà có lẽ phải mất nhiều năm nữa mới có khả năng tái diễn.

Thị trường bắt đầu ghi điểm nhờ Chính phủ và Ngân hàng trung ương nhiều nước tung ra các biện pháp vô tiền khoáng hậu để vực dậy nền kinh tế sau “cơn địa chấn khủng khiếp”. Nhờ đó, không chỉ Phố Wall, mà nhiều sàn chứng khoán khác đã thăng hoa suốt từ nửa sau tháng 3 cho tới tháng 5, sau ngày 9/3 đen tối.

Chỉ đáng tiếc là cuộc khủng hoảng nợ Dubai trong những ngày cuối tháng 11 đã một lần nữa đẩy thị trường vào cảnh hoảng hốt. Nhưng rồi các thị trường đã lấy lại đà và bứt phá nhanh hơn trong những ngày cuối năm để giành lại những gì đã mất.

Không những thế thị trường chứng khoán London còn tăng điểm mạnh ngang mức trước thời điểm đại gia Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ.

Tại London chỉ số FTSE 100 đã có mức tăng hàng năm cao nhất kể từ 1997 với 22,07%. Chỉ số DAX của Đức tăng 23% và CAC 40 của Pháp tăng 22,32%. Các sàn khác ở châu Âu đạt mức tăng trên 30% còn có Lisbon (34%), Brussels (31%).

Theo các chuyên gia chứng khoán, bảng điện tử tại các sàn “xanh trở lại” một phần là nhờ sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Nhà phân tích Geoffrey Yu thuộc UBS cho rằng hệ thống tài chính toàn cầu ổn định đã giúp chặn đứng cơn suy thoái khi hầu hết những nhóm tài sản bắt đầu cảm nhận được tác động của các chính sách đặc biệt. Kinh tế thế giới đã lùi khỏi bờ vực thẳm. Tuy nhiên, nếu tính cả một thập niên qua FTSE, DAX và CAC đều mất điểm hơn 20%.

Làn sóng đổ tiền đầu tư chứng khoán cũng diễn ra ở Vùng Vịnh, nơi tất cả các thị trường tính chung cho cả năm đều lên điểm. Sau khi để mất điểm trong quý đầu năm, sang quý III các thị trường chứng khoán khu vực đã bật nhảy trở lại và càng về cuối năm càng leo dốc nhanh hơn, trừ vài phiên cuối tháng 11, do tác động của vụ khất nợ Dubai World để có được mức tăng khá ấn tượng lên tới hơn 30%.

Tổng giá trị vốn hóa của các thị trường khu vực đã tăng từ 600 tỷ USD cuối năm 2008 lên 680 tỷ USD vào cuối năm 2009.

Phố Wall trải qua năm 2009 nhiều chông gai, nhưng cuối cùng cũng tới được đích tăng trưởng chứ không phải thụt lùi.

Mở màn năm 2009 Phố Wall đỏ sàn bởi vụ phá sản của Lehman. Nhưng tới mùa Xuân thị trường bắt đầu chuyển sắc và lập nên một trong những đợt tăng giá ngoạn mục nhất trong lịch sử ngay vài tháng sau đó.

Cho dù để tụt điểm khoảng 1% giá trị trong những thời khắc cuối năm, nhưng tính chung cả năm chỉ số S&P 500 vẫn tăng gần 25%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2003. Chỉ số Dow Jones tăng 20% và chỉ số công nghệ Nasdaq thậm chí còn đạt mức tăng gấp đôi tới 45%.

Phố Wall vượt được bão tài chính đã làm an lòng giới đầu tư trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự phục hồi. Nhưng nếu so với các thị trường chứng khoán châu Á, nơi mà thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng tới 80%, những gì mà Phố Wall đạt được thì vẫn còn “khiêm tốn”.

Hơn một năm sau khi các nền kinh tế rơi tự do, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã phục hồi mạnh mẽ nhờ các gói kích thích kinh tế khổng lồ của Chính phủ các nước. Năm 2009 cũng chứng kiến niềm tin của các nhà đầu tư trở lại trên khắp khu vực.

Chỉ số Hang Seng của Hongkong tăng điểm tới 52% sau khi để tuột đúng số phần trăm đó ngay trong năm trước. Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản khép lại năm 2009 đầy biến động với mức tăng khiêm tốn hơn là 19,04%. Kinh tế Nhật Bản hiện vẫn đang trong tình trạng giảm phát và suy thoái có nguy cơ quay trở lại.

Không chịu lép vế năm qua thị trường chứng khoán Ấn Độ cũng chạy đua nước rút để cuối cùng chỉ số Sensex tăng 81%, mức tăng mạnh nhất trong 18 năm trở lại đây, và là một trong những mức đỉnh của châu Á.

Giới đầu tư nước ngoài đã trở lại thị trường khi đổ vào 17,38 tỷ USD mua chứng khoán, giúp chỉ số Sensex tăng gấp đôi số điểm trong một khoảng thời gian ngắn chưa từng có. Các thị trường chứng khoán khác trong khu vực cũng tăng khá như Straits Times của Singapore tăng 65%, Bangkok và Manila tăng hơn 60%.

Theo ông Gregori Volokhine từ Tập đoàn Đầu tư Meeschaert ở New York, thị trường chứng khoán thế giới đã tránh được thảm họa. Thị trường chứng khoán toàn cầu đã được giải cứu khỏi đợt suy thoái kinh tế nhờ sự can thiệp mạnh tay của chính phủ và ngân hàng trung ương các nước thông qua việc bơm hàng nghìn tỷ USD vào hệ thống tài chính đang bị lung lay.

Năm 2010: Lạc quan trong thận trọng


Các chuyên gia đánh giá, năm 2010, tỷ lệ tăng điểm như năm qua khó có khả năng lặp lại. Chính phủ các nước có thể sẽ rút bớt các gói hỗ trợ kinh tế, khiến giới doanh nghiệp và người tiêu dùng gặp khó khăn về nguồn tín dụng.

Nhà phân tích David Morrison thuộc hãng GFT cho rằng năm 2010 sẽ tạo ra nhiều thách thức mới cho các nhà đầu tư chứng khoán, cho dù họ kỳ vọng thị trường sẽ tiếp nối đà khởi sắc từ năm 2009.

Nợ nước ngoài sẽ là mối quan tâm lớn của thị trường khi nhiều nước vẫn ngập chìm trong nợ nần và chưa tìm được lối thoát. Kế đó là lợi nhuận của các doanh nghiệp, thước đo của cải của họ trong nền kinh tế. Thu nhập sa sút cũng đồng nghĩa với việc thị trường sẽ trải qua các đợt điều chỉnh mạnh.

Giới đầu tư sẽ tiếp tục hướng về nước Mỹ trong bối cảnh có thêm nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang dần thoát khỏi đợt suy thoái tệ hại nhất trong nhiều thập niên qua.

Tình hình năm 2010 phụ thuộc nhiều vào việc lãi suất ở Mỹ có bắt đầu tăng hay không, bởi nó có thể sẽ giúp tăng giá đồng USD và qua đó làm giảm giá vàng. Đồng USD suy yếu khiến các mặt hàng như vàng và dầu thô trở nên rẻ với các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó làm tăng nhu cầu và đẩy giá lên cao hơn.

Thị trường bật lên sau đợt tuột dốc tháng 3/2009 phần nào dựa vào làn sóng đầu cơ mới được tiếp sức bởi nguồn tiền nóng từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Chính FED đã chủ động kéo lãi suất xuống mức cực thấp gần như là 0% từ tháng 12/2008 và liên tục bơm hàng trăm tỷ USD vào hệ thống tài chính đang bị lung lay.

Cho dù các thị trường chứng khoán châu Á đã hồi sinh sau những thăng trầm do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra, nhưng giới phân tích nhận định, với thị trường chứng khoán Trung Quốc thì năm 2010 sẽ là thời kỳ củng cố.

Thế giới đang kỳ vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục được cải thiện, nhưng tiến trình đó sẽ thử nghiệm “sự nhẫn nại” không chỉ của giới đầu tư mà còn của cả các nhà chính trị. Đó cũng chính là phép thử đối với thị trường chứng khoán thế giới trong năm 2010 sau một năm vượt bão tài chính thành công./.

Hoàng Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục