Lễ hội mùa Thu “Sa Pa - mùa vàng” 2024 hứa hẹn hàng loạt sự kiện hấp dẫn

Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024 không chỉ là dịp để du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của vùng cao mà còn là cơ hội để trải nghiệm những hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực hấp dẫn.

Những thửa ruộng bậc thang ở thung lũng Mường Hoa nhìn từ cabin cáp treo Fansipan. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Những thửa ruộng bậc thang ở thung lũng Mường Hoa nhìn từ cabin cáp treo Fansipan. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Tối 30/8, Ủy ban Nhân dân thị xã Sa Pa khai mạc Lễ hội mùa Thu Sa Pa năm 2024 với chủ đề “Sa Pa - mùa vàng” đồng thời đón nhận Bằng di tích danh thắng cấp tỉnh đối với Thác Bạc và Đỉnh Fansipan.

Đây là một trong những sự kiện quan trọng, điểm nhấn trong chuỗi hoạt động Lễ hội 5 mùa của Khu du lịch quốc gia Sa Pa năm 2024 nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương; thúc đẩy thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sa Pa Đỗ Văn Tân khẳng định, với quan điểm "Xây dựng Sa Pa phát triển toàn diện giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030," Sa Pa đã xác định việc bảo tồn khai thác hợp lý những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phục vụ du lịch là một trong những mục tiêu quan trọng.

Để thực hiện được những mục tiêu đó, thị xã Sa Pa đã xác định du lịch văn hóa là ngành kinh tế trọng tâm.

Với việc đón nhận Bằng di tích danh thắng cấp tỉnh đối với Thác Bạc và Đỉnh Fansipan, đưa tổng số di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh của Sa Pa lên 6 di tích, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sa Pa cam kết địa phương sẽ duy trì thực hiện thật tốt và hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn bằng trách nhiệm và lòng tự hào.

Điểm nhấn của Lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sỹ Trung ương và các nghệ sỹ, nghệ nhân các dân tộc thiểu số Sa Pa thể hiện niềm tự hào và khát vọng gìn giữ, bảo tồn các nét đẹp văn hóa truyền thống đa dạng, nhiều màu sắc trong cộng đồng các dân tộc Sa Pa; để lại ấn tượng sâu đậm cho hàng ngàn du khách trong và ngoài nước.

Được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Lễ hội mùa Thu Sa Pa năm 2024 có nhiều hoạt động hấp dẫn kéo dài từ ngày 17/8/2024 đến ngày 6/10/2024, nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc của Sa Pa, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết, hợp tác trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch giữa Sa Pa với các địa phương trong, ngoài tỉnh.

Dịp này, thị xã Sa Pa và huyện Mù Căng Chải (Yên Bái) phối hợp tổ chức Diễn đàn liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa thị xã Sa Pa và huyện Mù Cang Chải lần thứ nhất, năm 2024 với chủ đề: “Cung đường kết nối di sản Ruộng bậc thang” nhằm tạo sự liên kết giữa các di sản ruộng bậc thang của Sa Pa và Mù Cang Chải, không chỉ về mặt địa lý mà còn về văn hóa, kinh tế, và du lịch.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Lễ hội, Sa Pa tổ chức Ngày hội Văn hóa bản Mông tổ chức tại Khu Du lịch Cát Cát, trong đó trình diễn quá trình làm cốm, thưởng thức các món ăn từ cốm và tham gia các trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc thiểu số Sa Pa; Đêm hội Trăng rằm; Giải Marathon vượt núi Việt Nam 2024...

Theo Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sa Pa Hoàng Thị Vượng, ước tính lượng khách trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 trên địa bàn là 120.000 lượt người. Hiện, tỷ lệ đặt phòng trong ngày 31/8 và 1/9 đã được lấp đầy đối với phân khúc khách sạn từ 2 sao trở lên; phân khúc còn lại đạt khoảng 85%.

Riêng đối với các cơ sở kinh doanh homestay, ở khu vực các xã có ruộng bậc thang (Tả Van, Mường Hoa...), lượng khách đã đạt 100%; các địa phương còn lại khoảng 75%. Trong hai ngày nghỉ cuối (ngày 02/9 và ngày 03/9), công suất trung bình tất cả phân khúc đạt khoảng 90%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục