LHQ kêu gọi đầu tư có trách nhiệm vào nông nghiệp

Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển kêu gọi các nước, các tập đoàn tài chính quốc tế đầu tư có trách nhiệm hơn vào nông nghiệp.
Ngày 21/10, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đã kêu gọi các nước và các tập đoàn tài chính quốc tế đầu tư có trách nhiệm hơn vào nông nghiệp, trong khi các nước nhận các nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI ) này cũng sử dụng nguồn FDI có trách nhiệm hơn để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh thế giới luôn đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực hiện nay.

Tổng Thư ký UNCTAD Supachai Panitchpakdi nhấn mạnh các nguồn FDI đầu tư vào nông nghiệp đã tăng gấp ba lần từ 2 tỷ USD năm 2000 lên 6 tỷ USD năm 2008 nhưng lại giảm mạnh trong và sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây.

Nếu được quản lý tốt, nguồn FDI này có thể hỗ trợ các nước đang phát triển tạo thêm nhiều việc làm mới và tăng năng suất cũng như sản lượng lương thực.

Để thu hút FDI nông nghiệp tăng trở lại, chính phủ các nước cần thực hiện không chậm trễ các biện pháp để các nguồn này đem lại lợi ích có thể chấp nhận được cho các bên đầu tư và bên nhận đầu tư. Bên đầu tư đảm bảo nhận được lợi nhuận, còn nước đầu tư đạt được các mục tiêu phát triển nông nghiệp.

Các cơ quan phát triển nông nghiệp khác của Liên hợp quốc như Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã phát triển chung một bộ các nguyên tắc về đầu tư vào nông nghiệp một cách có trách nhiệm (RAI).

Tuy nhiên, UNCTAD lưu ý rằng cần xác định quy mô đầu tư FDI nông nghiệp để đảm bảo và không làm phương hại an ninh lương thực cũng như nguồn FDI nông nghiệp hỗ trợ đến mức nào cho các nước đang phát triển trong vấn đề tạo việc làm, tiếp cận thị trường, chuyển giao kỹ năng và công nghệ phát triển nông nghiệp.

Trong khi tổng FDI toàn cầu giảm 40% do khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2009, tổng xuất khẩu của các nước thuộc Diễn đàn hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sang các khu vực khác giảm 14%, nhưng xuất khẩu nông sản của khu vực này chỉ giảm 7%. Số liệu này cho thấy tiềm lực của khu vực nông nghiệp của các nước APEC đã mạnh hơn trước.

Báo cáo đầu tư thế giới năm 2010 của UNCTAD đã nêu bật tác động "lan tỏa" tích cực của FDI nông nghiệp đến các nhân tố khác của nền kinh tế, đặc biệt trong vấn đề tạo việc làm mới.

Theo số liệu của Mỹ, tỷ lệ tạo việc làm trên 1 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp là 12,7; trong khi con số này trong công nghiệp là 2,4; khai mỏ là 0,3 và trung bình tất cả các lĩnh vực là 0,9./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục