LHQ kêu gọi đẩy mạnh cuộc chiến chống tội phạm

Các nước thành viên Liên hợp quốc đã nhất trí thống nhất cần phải gắn bố chặt chẽ với nhau trong cuộc chiến chống tội phạm.
Các cơ quan chức năng của Liên hợp quốc và các nước thành viên Liên hợp quốc ngày 7/10 nhất trí cho rằng cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức, tham nhũng và buôn bán ma túy cần phải gắn bó chặt chẽ với nhau và chỉ có thể thành công nếu tất cả các nước đều hành động chung trên phạm vi toàn cầu.

Quyết định trên được đưa ra trong cuộc thảo luận toàn thể tại Ủy ban Xã hội, Nhân đạo và Văn hoá của Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 65 về ngăn ngừa tội phạm, kiểm soát ma tuý và đảm bảo công lý.

Giám đốc chấp hành Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) Yury Fedotov, nhấn mạnh đây là cuộc chiến quy mô lớn, cần có nguồn tài trợ ổn định và là thách thức toàn cầu, vì thế các nước không thể hành động riêng lẻ dù cho nước đó có mạnh đến đâu.

Những thách thức của cuộc chiến này phải được đặt trong chương trình an ninh nghị sự và phát triển toàn cầu của Liên hợp quốc.

Các vấn đề về tội phạm, buôn bán ma tuý, tham nhũng và khủng bố liên quan chặt chẽ với nhau, do đó, phải được xử lý đồng thời.

Phát triển cần an ninh để thành công đồng nghĩa với việc cần các thể chế hiệu quả và mạnh mẽ trên cơ sở pháp trị, trong đó không ai hoặc không một tổ chức nào được phép đứng trên luật pháp, đảm bảo cho người dân các quyền con người cơ bản và tiếp cận công lý một cách bình đẳng.

UNODC đánh giá tội phạm có tổ chức hiện đã trở thành một trong những lực lượng mạnh nhất thế giới về kinh tế và đã được vũ trang, đồng thời khẳng định tội phạm có tổ chức và các chế độ tham nhũng chỉ lung lay khi các nước trên thế giới nêu cao ý chí tập thể cùng nỗ lực hành động và thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm xuyên quốc gia và Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Kế hoạch toàn cầu chống buôn người và thành lập Quỹ tự nguyện của Liên hợp quốc hỗ trợ các nạn nhân của nạn buôn người, thực hiện chương trình toàn cầu chống khủng bố, trong đó, hỗ trợ 168 nước tăng cường khả năng chống khủng bố và đào tạo cho các nước hơn 10.000 quan chức chống khủng bố.

Phát biểu của đại diện 31 nước thành viên Liên hợp quốc tại cuộc thảo luận cũng khẳng định tính cấp thiết của cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức, tham nhũng và buôn bán ma tuý bất hợp pháp cũng như việc thống nhất hành động tập thể của các nước, các khu vực và trên thế giới trong cuộc chiến này.

Đại diện nhiều nước cảnh báo nguy cơ tội phạm trên mạng, trong đó có việc sử dụng các mạng xã hội để thực hiện hàng loạt vụ phạm tội khác nhau, xâm hại lợi ích công dân và quốc gia. Vì vậy, Liên hợp quốc cần sớm xây dựng công ước về tội phạm mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục