LHQ kêu gọi nước giàu tăng viện trợ cho châu Phi

LHQ kêu gọi nước giàu tăng viện trợ cho châu Phi - nơi đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng do hậu quả của khủng hoảng kinh tế.
Liên hợp quốc cùng Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế ( OECD) vừa lên tiếng kêu gọi các nước giàu tăng viện trợ cho châu Phi, bởi khu vực này đang phải đối mặt với những thách thức rất nghiêm trọng do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo đánh giá tiến bộ của châu Phi hướng tới thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trước thềm Hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc, diễn ra tại New York trong các ngày 20-22/9, để các nhà lãnh đạo 192 nước thành viên Liên hợp quốc kiểm điểm những việc đã và chưa làm được, Ủy ban kinh tế châu Phi Liên hợp quốc và OECD nêu rõ châu Phi đã đạt được tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực như quản trị, hòa bình, an ninh, giáo dục tiểu học, giảm đói nghèo.

Tuy nhiên, ở châu Phi còn tồn tại những thách thức rất lớn như đẩy nhanh tiến độ đưa nước sạch và các điều kiện vệ sinh cơ bản tới các vùng, giảm bớt tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em.

Có thể nói những tiến bộ đạt được thời gian qua đã giúp châu Phi vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng hậu quả vẫn còn rất nặng nề.

Tăng trưởng kinh tế châu Phi đã giảm từ mức bình quân 6% trong giai đoạn 2006-2008 xuống 2,2% vào năm 2009, đẩy tăng trưởng bình quân đầu người gần như về số 0.

Mặc dù các nền kinh tế châu Phi được dự đoán sẽ được cải thiện trong năm nay và năm tới, nhưng sự thụt lùi trong năm 2009 đã tạo ra những thách thức lớn hơn trong 5 năm còn lại để có thể hoàn thành Các mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) vào năm 2015.

MDG, đặt ra vào năm 2000, kêu gọi các nước nỗ lực giảm bớt tỷ lệ cực nghèo trên thế giới vào năm 2015, đồng thời thúc đẩy phát triển giáo dục, bình đẳng giới, sức khỏe bà mẹ, bảo vệ môi trường và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Theo các nhà quan sát, những tiến bộ mà châu Phi đạt được trong những năm gần đây tỏ ra "chậm chạp," nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, năng lượng, phát triển môi trường bền vững, nước và vệ sinh.

Rõ ràng là các nước giàu không thực hiện cam kết mà họ đưa ra cách đây 5 năm là tăng gấp đôi viện trợ cho châu Phi vào năm 2010. Trái lại nguồn viện trợ phát triển dành cho châu Phi trong tổng nguồn viện trợ của thế giới lại giảm. Hơn nữa, tỷ lệ người nghèo ở châu Phi lại tăng nhanh và có thể lên tới 40% vào năm 2015.

Do đó, các nước giàu phải có trách nhiệm tăng thêm phần đóng góp vào nguồn viện trợ dành cho châu Phi. Họ cần tăng cường hỗ trợ các lĩnh vực như quản trị kinh tế, nhất là quản lý tài chính để các nước châu Phi có thể có thêm nguồn thu trong nước và ít lệ thuộc vào viện trợ nước ngoài.

Về phần mình các nước châu Phi cũng phải nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy hội nhập khu vực, điều kiện tiên quyết để mở rộng buôn bán giữa các nước trong châu lục và xây dựng hạ tầng cơ bản./.

Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục