LHQ nhấn mạnh cần tiếp tục đối thoại với Taliban tại Afghanistan

Trưởng phái bộ LHQ tại Afghanistan đã nêu bật những quan ngại về tình hình chính trị và đảm bảo các quyền con người hiện nay tại Afghanistan kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền vào tháng 8/2021.
LHQ nhấn mạnh cần tiếp tục đối thoại với Taliban tại Afghanistan ảnh 1Taliban cấm phụ nữ học đại học. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/12, đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc tại Afghanistan đồng thời là Trưởng phái bộ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA), bà Roza Otunbayeva, nhấn mạnh bất chấp những lập trường khác nhau, chính quyền Taliban và UNAMA cần phải duy trì đối thoại vì lợi ích của người dân quốc gia Tây Nam Á này.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bà Otunbayeva đã nêu bật những quan ngại về tình hình chính trị và đảm bảo các quyền con người hiện nay tại Afghanistan kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền vào tháng 8/2021.

Bà nhắc lại tình cảnh khốn khó, nghèo đói của người dân Afghanistan; rằng chính quyền Taliban dù nắm quyền kiểm soát về cơ bản nhưng không thể ngăn chặn được các nhóm khủng bố trong nước gia tăng hoạt động chống phá.

Ngoài ra, Taliban tiếp tục thực hiện các chính sách xã hội hà khắc, gồm một loạt các sắc lệnh  ảnh hưởng tới quyền lợi của nữ giới, hạn chế vai trò của họ cả trong lĩnh vực xã hội và chính trị...

Bà Otunbayeva nêu rõ chính quyền Taliban đang đối diện với rất ít sự phản đối trong nước nhưng lại từ chối nhu cầu đối thoại ngay trong chính quốc gia này, cho dù Liên hợp quốc tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực đại diện và tham vấn rộng rãi hơn.

[Afghanistan: Taliban ra thông báo cấm phụ nữ học đại học]

Bà Otunbayeva khẳng định Liên hợp quốc không đồng quan điểm với Taliban về nhiều vấn đề, song trọng tâm và điều nên làm là duy trì đối thoại vì một tương lai tốt đẹp hơn cho Afghanistan, nơi mọi người, từ phụ nữ, nam giới, trẻ em trai và trẻ em gái... có thể sống cuộc sống bình đẳng và được coi trọng nhân phẩm.

Bên cạnh đó, đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc cũng ghi nhận một số diễn biến tích cực kể từ khi Taliban lên nắm quyền. Cụ thể, tham nhũng nói chung "giảm đáng kể" trong 6 tháng qua, thu ngân sách 10 tháng đầu năm 2022 cao hơn so với cùng kỳ 2 năm trước, bất chấp nền kinh tế suy giảm 20% trong năm 2021.

Với những khoản thu này và bằng cách giảm chi tiêu của chính quyền, Taliban đã xoay sở để có nguồn tiền cho ngân sách hoạt động và cho thấy họ đã có những nguồn lực để bắt đầu triển khai một số dự án phát triển.

Hơn nữa, Taliban đã cố gắng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và xuất khẩu đạt mức kỷ lục 1,7 tỷ USD trong năm nay, so với mức 700 triệu USD của năm liền kề trước đó.

Ngoài ra, bà Otunbayeva cũng cho biết chính quyền Taliban đang thực hiện một chiến lược kinh tế tập trung vào nội lực, thông qua việc đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy lợi, cơ sở hạ tầng, quản lý nước, khai thác mỏ và các ngành công nghiệp tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Taliban cũng đã xác định khu vực tư nhân là động lực chính cho tăng trưởng.

Tuy vậy, bà Otunbayeva cảnh báo rằng những bước phát triển kinh tế này có thể không bền vững nếu những mối quan tâm thực sự của người Afghanistan không được giải quyết. Bà cho biết UNAMA gần đây đã triệu tập các cuộc họp gồm các bên liên quan tại 12 tỉnh. Hơn 500 người đã tham gia, trong đó có 189 phụ nữ và hơn 80 đại diện của Taliban.

Trong các cuộc họp này, người dân bày tỏ lo ngại về các vấn đề như cấm trẻ em gái đi học, thiếu các cơ sở y tế, nghèo đói, bất ổn kinh tế và tình trạng phân biệt đối xử với các sắc tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, người dân bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều dự án dài hạn hơn liên quan tới tạo việc làm, tạo thu nhập và định hướng phát triển tại Afghanistan thay vì chỉ có những khoản tiền viện trợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục