Ngày 17/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ "ngày càng quan ngại" về tình cảnh của những người di cư và tị nạn đang bị mắc kẹt trên các con thuyền lênh đênh ở các vùng biển Đông Nam Á.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn của ông Ban Ki-moon cho biết Tổng thư ký đã có các cuộc trao đổi qua điện thoại với Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha về vấn đề này, đồng thời Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Jan Eliasson cũng trao đổi với Ngoại trưởng Bangladesh Abul Hasan Mahmood Ali và Thứ trưởng Indonesia phụ trách vấn đề đa phương Hasan Kleib tìm cách giải quyết vấn đề.
Trong các cuộc thảo luận này, các lãnh đạo Liên hợp quốc đều nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ tính mạng của người di cư, thực hiện nghĩa vụ cứu người trên biển và bảo đảm luật pháp quốc tế.
Tổng thư ký Ban Ki-moon ủng hộ sáng kiến của Thái Lan tổ chức một hội nghị khu vực tại Bangkok để tìm cách giải quyết vấn đề trên và kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khu vực tham dự hội nghị. Tổng thư ký Liên hợp quốc nêu rõ "Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ mọi nỗ lực giải quyết tình hình."
Tổng thư ký Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại trong bối cảnh đang diễn ra làn sóng người di cư, chủ yếu là cộng đồng người Rohingya ở Myanmar và từ Bangladesh, tìm cách vượt biển ra nước ngoài tị nạn, trong đó Malaysia, Indonesia, Thái Lan là những điểm đến.
Giới chức các nước liên quan đã cung cấp thực phẩm, nước uống cho những người tị nạn trên các thuyền ngoài biển, nhưng không cho phép họ cập bờ. Hiện khoảng 8.000 người di cư được cho là đang lênh đênh trên biển trong các điều kiện bấp bênh.
Thái Lan đã đề xuất tổ chức một hội nghị khu vực vào ngày 29/5 tới để tìm giải pháp mang tính toàn diện cho vấn đề trên. Theo giới chức chính phủ Thái Lan, trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cũng bày tỏ quan ngại về tình hình trên, đồng thời cho biết Chính phủ Thái Lan đang theo dõi sát sao và đã lập một đơn vị đặc biệt để giải quyết vấn đề.
Thủ tướng Thái Lan nhấn mạnh một giải pháp bền vững đòi hỏi sự hợp tác của các tổ chức và các nước liên quan.
Cơ quan Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) đánh giá đây là một thách thức xuyên biên giới mà không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết, do đó các nước trong khu vực cần phối hợp chia sẻ trách nhiệm./.