Liban nhận được hơn 1 tỷ USD hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế

Dự trữ ngoại tệ tại ngân hàng trung ương Liban cạn kiệt dẫn đến tình trạng thiếu nghiêm trọng các loại hàng hóa cơ bản như nhiên liệu và thuốc ở nước này trong vài tháng qua.
Liban nhận được hơn 1 tỷ USD hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế ảnh 1Người dân xếp hàng dài chờ đổ xăng tại Tripoli, Liban. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 13/9, Bộ tài chính Liban cho biết ngân hàng trung ương nước này sẽ nhận được 1,135 tỷ USD dưới hình thức quyền rút vốn đặc biệt (SDR) từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào ngày 16/9.

Đây là một khoản tiền rất cần thiết trong bối cảnh Liban đang phải đối mặt với môt trong những đợt suy thoái nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Trong một thông báo, Bộ tài chính Liban cho biết phân bổ SDR của IMF cho nước này bao gồm 860 triệu USD trong năm 2021 và 275 triệu USD từ năm 2009.

Liban đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng khi hơn 70% người dân nước này rơi vào nghèo đói. Cùng với đó, dự trữ ngoại tệ tại ngân hàng trung ương nước này cạn kiệt dẫn đến tình trạng thiếu nghiêm trọng các loại hàng hóa cơ bản như nhiên liệu và thuốc ở nước này trong vài tháng qua.

[Bước tiến quan trọng đưa đất nước Liban vượt qua khủng hoảng]

Liban đã không có nội các kể từ ngày 10/8/2020, khi Thủ tướng tạm quyền Hassan Diab từ chức sau các vụ nổ ở cảng Beirut làm hơn 200 người chết và hàng nghìn người bị thương.

Ngày 22/10/2020, ông Saad Hariri được bổ nhiệm làm Thủ tướng, nhưng đã không thành lập được nội các mới do những bất đồng với Tổng thống Michel Aoun về danh sách thành viên.

Ngày 26/7/2021, ông Najib Mikati - một doanh nhân giàu có, đã giành đủ số phiếu trong các cuộc tham vấn của cơ quan lập pháp để được chỉ định làm Thủ tướng và được Tổng thống Michel Aoun trao quyền thành lập một chính phủ mới.

Ngày 10/9 vừa qua, Văn phòng Tổng thống Liban thông báo chính phủ mới đã được thành lập. Việc Liban thành lập chính phủ mới đã mở đường cho nước này nối lại các cuộc đàm phán với IMF./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục