Libya cáo buộc NATO đã tấn công mỏ dầu lớn nhất

Ngày 6/4, Thứ trưởng ngoại giao Libya đã cáo buộc máy bay Anh ném bom mỏ dầu Al-Sarir ở phía Đông Nam Libya làm 3 người thiệt mạng.
Ngày 6/4, Thứ trưởng ngoại giao Libya Khaled Kaim đã cáo buộc máy bay Anh ném bom mỏ dầu Al-Sarir ở phía Đông Nam Libya, làm 3 người thiệt mạng, nhiều người bị thương và khiến đường ống dẫn dầu từ Al-Sarir đến cảng Tobruk ở Địa Trung Hải hư hỏng nặng.

Al-Sarir là mỏ dầu lớn nhất Libya, chiếm tới 80% trữ lượng dầu mỏ nước này.

Trong khi đó, lực lượng chống chính phủ Libya hối thúc NATO tăng cường không kích thành phố Misrata ở phía Tây Libya để ngăn chặn cuộc tấn công của quân đội chính phủ nhằm vào thành phố này.

Phe đối lập chỉ trích NATO chậm trễ trong việc không kích lực lượng của ông Gaddafi và đòi NATO cung cấp vũ khí nếu như họ không muốn tấn công lực lượng ông Gaddafi.

Đáp lại những chỉ trích này, Thiếu tướng Hải quân Russel Harding của NATO cáo buộc quân đội trung thành với nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi sử dụng dân thường làm lá chắn, vì vậy NATO phải "rất thận trọng" khi quyết định không kích.

Ông Harding cũng bác bỏ việc phe đối lập Libya nói tổ chức này đã giảm bớt hoạt động không kích và khẳng định chỉ trong ngày 6/4, NATO đã bắn hạ một số lượng đáng kể các thiết bị hạng nặng và xe tăng ở thành phố Misrata.

Theo ông Harding, các cuộc tấn công của NATO nhằm vào mục tiêu là các đơn vị quân đội của Chính phủ Libya đang tiến về phía Đông, hệ thống cung cấp hậu cần và vũ khí.

Trong một động thái nhằm giúp phe đối lập cung cấp hậu cần tới Misrata, Pháp cam kết sẽ lập một tuyến hành lang trên biển đến thành phố đang bị bao vây này.

Cùng ngày, với sự giúp đỡ của Qatar, lực lượng chống chính phủ đã khởi động hoạt động xuất khẩu dầu mỏ với lượng hàng trị giá 100 triệu USD.

Đây là chuyến tàu xuất khẩu dầu đầu tiên kể từ khi Hội đồng dân tộc chuyển tiếp của lực lượng này được một số quốc gia công nhận. Xuất khẩu dầu là một trong những nguồn cung cấp tài chính quan trọng để phe đối lập mua vũ khí.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 6/4 đã bác bỏ bức thư của ông Gaddafi gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama, đồng thời yêu cầu ông Gaddafi thực thi một lệnh ngừng bắn, rút các lực lượng của mình và ra nước ngoài lưu vong.

Nhà Trắng trước đó xác nhận ông Gaddafi đã viết một bức thư gửi Tổng thống Obama, song không cho biết nội dung bức thư này. Hãng tin AP của Mỹ cho biết trong bức thư này, ông Gaddafi đã yêu cầu Mỹ ngừng bắn.

Chiều 6/4, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã ra tuyên bố bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo đang ngày càng trở nên trầm trọng ở Libya và khẩn cấp kêu gọi các tổ chức nỗ lực đảm bảo người dân nước Bắc Phi này được tiếp cận đầy đủ viện trợ nhân đạo.

Tuyên bố nhấn mạnh tình hình tại những thành phố xảy ra giao tranh suốt những tuần qua ở Libya, đặc biệt tại Misrata, Brega và Zintan, rất nghiêm trọng, những người dân bị kẹt lại không thể nhận được những nhu yếu phẩm cơ bản như nước sạch, thực phẩm, thuốc...

Tại thành phố Misrata, nơi giao tranh xảy ra 40 ngày liên tiếp vừa qua, đã có hàng trăm người chết và bị thương, hàng nghìn người bị kẹt lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục