Trong hai ngày 22 và 23/11, Hội thảo "Lịch sử và triển vọng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản nhìn từ miền Trung Việt Nam" diễn ra tại Đại học Đà Nẵng.
Với sự tham gia của các giáo sư, chuyên gia uy tín đến từ Nhật Bản và các cơ quan, tổ chức của Việt Nam, Hội thảo nhằm giới thiệu các mối quan hệ Việt-Nhật từ thời cổ đại đến thời hiện đại dưới góc nhìn từ miền Trung Việt Nam.
Các diễn giả đã giới thiệu về lịch sử giao thương Việt Nam và Nhật Bản- Những phân tích từ đồ gốm sứ Việt Nam giao dịch với Nhật Bản; câu chuyện nhà sư Phật Triết người Chăm Pa tại Nhật Bản; quan hệ bang giao giữa Nguyễn Hoàng với Nhật Bản cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII; giao thương đường biển giữa miền Trung Việt Nam và Nhật Bản vào thế kỷ XVII-XVIII; phát triển kinh tế Việt Nam nhìn từ sự phát triển kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh và thực trạng miền Trung Việt Nam với những kỳ vọng phát triển trong tương lai; quan hệ hiện nay giữa Đà Nẵng và Nhật Bản; quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản nhìn từ công tác nghiên cứu, đào tạo tại khu di tích Huế, giai đoạn 2005-2012...
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận xoay quanh việc quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, triển vọng cho tương lai.
Theo giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo), từ năm 1993, các nước tiên tiến và các định chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế hằng năm gặp nhau bàn về nhu cầu phát triển và quyết định vốn viện trợ (ODA) cho Việt Nam. Đối với Việt Nam, cho đến nay, Nhật luôn là nước cung cấp ODA nhiều nhất. Nhìn từ Nhật Bản, từ năm 2011, Việt Nam cũng trở thành quốc gia nhận ODA nhiều nhất của nước này.
Về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, cho đến năm 2011, Nhật xếp thứ ba, thứ tư về vốn đăng ký, nhưng dẫn đầu về vốn thực hiện. Từ năm 2012, Nhật vươn lên số một trong cả vốn đăng ký.
Ngoài việc du nhập tư bản, FDI là kênh quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ và tri thức kinh doanh. Như vậy, đối với Việt Nam, Nhật đóng vai trò quan trọng nhất trong việc cung cấp vốn, công nghệ và bí quyết kinh doanh. Do đó, đánh giá quan hệ kinh tế Việt-Nhật trong 20 năm qua, đồng thời cũng là đánh giá vai trò của ODA và FDI nói chung trong quá trình phát triển của Việt Nam.
Sau khi phân tích vai trò của ODA và FDI trong các giai đoạn phát triển kinh tế của Việt Nam, giáo sư Trần Văn Thọ đặt vấn đề Việt Nam phải làm gì để tận dụng có hiệu quả các nguồn lực từ Nhật Bản. Theo đó, Việt Nam cần đặt ra kế hoạch giảm ODA trong 10 năm tới, tiến tới "tốt nghiệp" ODA trong 15-20 năm tới; có như vậy đồng vốn trong nước và vốn ODA mới được quan tâm sử dụng có hiệu quả.
Việt Nam cần củng cố, tăng cường nội lực mới tận dụng hiệu quả ngoại lực; cần thống nhất cơ quan lập chiến lược, chính sách công nghiệp hóa đi kèm với sự quy định trách nhiệm của người lãnh đạo, của quan chức thực hiện; mặt khác phải quan tâm xây dựng, nuôi dưỡng doanh nghiệp trong nước; đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước theo hướng áp đặt chặt chẽ quy luật thị trường.
Ngoài ra, Việt Nam phải nuôi dưỡng, nâng đỡ doanh nghiệp dân doanh, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ dễ dàng tiếp cận với vốn, với đất xây dựng nhà máy; cần lập chiến lược công nghiệp hóa gồm cả FDI và doanh nghiệp trong nước.../.