Liên hợp quốc lạc quan sau đàm phán về tái thống nhất đảo Cyprus

Theo Liên hợp quốc, vòng đàm phán cấp chuyên gia mới nhất về tái thống nhất đảo Cyprus đã kết thúc "thành công" ngày 19/1, mặc dù không có thông tin cụ thể nào về kết quả đàm phán được công bố.
Liên hợp quốc lạc quan sau đàm phán về tái thống nhất đảo Cyprus ảnh 1Lãnh đạo cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ trên đảo Cyprus Mustafa Akinci (thứ 3, trái), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (giữa) và Lãnh đạo cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp Nicos Anastasiades (thứ 4, phải) tại cuộc họp ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 12/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Liên hợp quốc, vòng đàm phán cấp chuyên gia mới nhất về tái thống nhất đảo Cyprus đã kết thúc "thành công" ngày 19/1, mặc dù không có thông tin cụ thể nào về kết quả đàm phán được công bố.

Vòng đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ diễn ra trong 2 ngày tại khu nghỉ dưỡng Mont Pelerin thuộc thành phố Geneva (Thụy Sĩ), với sự tham gia của nhóm công tác gồm đại diện cấp chuyên gia của 2 cộng đồng gốc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ của đảo Cyprus, và 3 nước giám hộ về an ninh đối với hòn đảo Địa Trung Hải này là Anh, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông báo của Liên hợp quốc cho biết, nhóm công tác đã "hoàn thành nhiệm vụ" được hội nghị cấp ngoại trưởng gồm 5 bên về tái thống nhất đảo Cyprus giao phó tại cuộc họp ngày 12/1 vừa qua cũng tại Geneva.

Nhiệm vụ này tập trung vào "xác định những câu hỏi cụ thể liên quan đến an ninh và giám hộ cũng như các biện pháp cần thiết để giải đáp những câu hỏi này.

Vấn đề an ninh và vai trò giám hộ từ bên ngoài đối với các cộng đồng trên hòn đảo được xem là trở ngại gai góc nhất đối với các nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận cuối cùng về thống nhất đảo Cyprus.

Những người Cyprus gốc Hy Lạp muốn giải tán cơ chế giám hộ an ninh quốc tế và sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trên hòn đảo.

Trong khi đó, cộng đồng Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ lại yêu cầu duy trì cơ chế giám hộ hiện tại. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhiều lần nhấn mạnh việc nước này duy trì hiện diện quân sự và vai trò giám hộ tại đảo Cyprus là thể theo yêu cầu "thiết yếu" của cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông báo ngày 19/1 của Liên hợp quốc khẳng định cuộc họp về vấn đề an ninh và giám hộ đã diễn ra với "tinh thần xây dựng" và các bên liên quan cùng cam kết chưa tiết lộ bất kỳ thông tin chi tiết nào về quá trình thảo luận cho đến khi hoàn thành đàm phán.

Tuy nhiên, trong phát biểu cùng ngày trước đó, Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos nhấn mạnh nếu Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng gốc Thổ Nhĩ Kỳ trên đảo Cyprus muốn có một giải pháp "thì không thể có vấn đề hiện diện quân sự hoặc giám hộ an ninh."

Phát biểu này được Tổng thống Hy Lạp đưa ra sau cuộc gặp tại thủ phủ Nicosia của đảo Cyprus với ông Nicos Anastasiades, Tổng thống Cộng hòa Cyprus - nhà nước của cộng đồng gốc Hy Lạp.

Ông Nicos Anastasiades cũng nhấn mạnh lập trường không muốn có sự hiện diện quân sự hoặc giám hộ an ninh của bất kỳ bên thứ ba nào trên hòn đảo.

Sau cuộc đảo chính bất thành năm 1974 của những người gốc Hy Lạp trên đảo Cyprus, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân vào hòn đảo này và hậu thuẫn cộng đồng gốc Thổ Nhĩ Kỳ thành lập cái gọi là "Cộng hòa miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ."

Tuy nhiên cho đến nay, Cộng hòa Cyprus của những người gốc Hy Lạp vẫn là thể chế hợp pháp duy nhất đại diện cho hòn đảo được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, và là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2004.

Sự chia cắt của hòn đảo từng là thuộc địa của Anh là nguyên nhân chủ yếu gây căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ từ nhiều thập kỷ qua, và từng đẩy hai quốc gia láng giềng bên bờ Địa Trung Hải này vào miệng vực chiến tranh trong quá khứ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục