Liên hợp quốc thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn ở Libya

Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya sẵn sàng hỗ trợ GNA và LNA thúc đẩy những gì đã đạt được trong thỏa thuận ngừng bắn tạm thời để tiến tới ký kết một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.
Liên hợp quốc thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn ở Libya ảnh 1Lực lượng trung thành với Tướng Khalifa Haftar được triển khai tại Tripoli, Libya, ngày 26/5/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14/8, Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) cho biết phái bộ này đang có kế hoạch biến thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo giữa Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) và lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) thành một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.

Trong một tuyên bố, UNSMIL nêu rõ dưới sự trung gian của Liên hợp quốc, các bên liên quan tại Libya đã cam kết thực hiện thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo và giảm bạo lực xung quanh thủ đô Tripoli nhân dịp lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo, kéo dài từ 11-15/8.

Mặc dù vẫn còn một số vi phạm, bao gồm cả việc sử dụng hỏa lực mạnh ở các khu vực dân sự, nhưng phái bộ hoan nghênh tinh thần nghiêm túc chấp hành thỏa thuận của các bên.

UNSMIL sẵn sàng hỗ trợ GNA và LNA thúc đẩy những gì đã đạt được trong thỏa thuận ngừng bắn tạm thời để tiến tới ký kết một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammer Gaddafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Hiện ở nước này tồn tại 2 chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng.

[Mỹ và 4 nước đồng minh ra tuyên bố chung kêu gọi ngừng bắn ở Libya]

Lực lượng LNA của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi GNA được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.

Đầu tháng Tư vừa qua, lấy danh nghĩa chống khủng bố và truy quét phiến quân, LNA đã triển khai chiến dịch quân sự nhằm chiếm thủ đô Tripoli, vốn thuộc quyền kiểm soát của GNA.

Sau những thắng lợi ban đầu, đến nay chiến dịch của LNA đang bế tắc do gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ các lực lượng thân GNA.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến nay, xung đột vũ trang bùng phát tại Libya đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, hơn 5.700 người khác bị thương và khoảng 120.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

Dư luận lo ngại về khả năng nổ ra một cuộc nội chiến mới cũng như thảm họa nhân đạo tại quốc gia Bắc Phi này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục