Liên kết phát triển vùng Bắc Trung Bộ-Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên

Năm 2018, các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 12/14 tỉnh có tốc độ tăng trưởng 8,5%, cao hơn bình quân cả nước; Tây Nguyên có 4/5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn cả nước.
Liên kết phát triển vùng Bắc Trung Bộ-Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên ảnh 1Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Đức Trung phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Sáng 12/8, Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng miền Trung và Tây Nguyên, do Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức, đã diễn ra tại thành phố Huế với sự tham gia của gần 300 đại biểu.

Các đại biểu đến từ 19 tỉnh, trong đó bao gồm 14 tỉnh (vùng Bắc Trung Bộ-Duyên hải miền Trung) từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên.

Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã trình bày 2 báo cáo về Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công năm 2019 và định hướng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2020; Định hướng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Đức Trung đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ 3 nội dung, gồm đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công 2019, trên cơ sở đánh giá kết quả 6 tháng 2019, làm rõ những vấn đề tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai; chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện kế hoạch 2020, bởi đây là năm cuối cùng của kỳ kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2016-2020.

Các địa phương trong vùng tập trung tổ chức triển khai các nhiệm vụ kinh tế xã hội, đầu tư công góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh giai đoạn 2016-2020; định hướng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; kiến nghị giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung lưu ý trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, các địa phương cần quan tâm đến các vấn đề như lựa chọn các dự án ưu tiên, trọng điểm, có khả năng tạo động lực cho tăng trưởng của địa phương và của toàn vùng; nghiên cứu kỹ về nguyên tắc, tiêu chí sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo nguyên tắc ưu tiên các dự án quan trọng.

Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều sự mất cân đối trong sử dụng ngân sách. Quan điểm xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cơ bản sẽ căn cứ vào nội dung của Luật Đầu tư công sửa đổi.

[Làm sao để 'hút' doanh nghiệp đầu tư vào miền núi, biên giới, hải đảo]

Nội dung của Luật Đầu tư công có nhiều điểm mới, đã sửa đổi, tháo gỡ, đơn giản hóa trong thực hiện kế hoạch đầu tư công. Đây sẽ là căn cứ để kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khả thi cao hơn giai đoạn trước.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung, khu vực miền Trung-Tây Nguyên có diện tích hơn 150.000km2, dân số hơn 24 triệu người. Những năm qua, khu vực có những bước đầu tận dụng tiềm năng trong kinh tế-xã hội và đạt những kết quả tích cực.

Năm 2018, các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 12/14 tỉnh có tốc độ tăng trưởng 8,5%, cao hơn bình quân cả nước; Tây Nguyên có 4/5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn cả nước.

Đây đồng thời là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; kết nối giữa hai miền Nam-Bắc.

Biển miền Trung là tài nguyên quốc gia, là mặt tiền biển của Việt Nam, chiều dài đường bờ biển 1.900km. Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển. Miền Trung còn là “bệ đỡ, là cửa ngõ” ra biển của tỉnh vùng Tây Nguyên kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây.

Toàn vùng có tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập rất lớn; trong đó, vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược thuộc Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

Vùng Tây Nguyên có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện-điện Mặt Trời, nông lâm nghiệp (cây công nghiệp, cây ăn trái, chăn nuôi đại gia súc, rừng…), chế biến nông lâm sản, du lịch.

Tây Nguyên có thể coi là "mái nhà của miền Trung," có chức năng phòng hộ rất lớn, là hậu phương, là nguồn nước ngọt cho sự phát triển ổn định và bền vững của cả vùng miền Trung và Tây Nguyên.

Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng bình quân của 14 tỉnh miền Trung 8,5% và 5 tỉnh Tây Nguyên là 7,3%, cao hơn bình quân chung cả nước. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Liên kết phát triển vùng Bắc Trung Bộ-Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên ảnh 2Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Tại hội nghị, các các địa phương đã tập trung trao đổi, thảo luận để tìm ra định hướng phát triển giữa hai khu vực.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng hội nghị triển khai xây dựng kế hoạch tại các vùng của cả nước là cách làm mới, tiên phong trong cải cách, sáng tạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kịp thời triển khai kế hoạch năm 2020 và giai đoạn 2021-2025.

Thừa Thiên-Huế cũng như nhiều tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn khó khăn về hệ thống hạ tầng; quy mô kinh tế nhỏ, chưa tự cân đối ngân sách, thu nhập bình quân đầu người thấp.

Trên tinh thần hợp tác, liên kết, Thừa Thiên-Huế cam kết đồng hành cùng các tỉnh/thành phố ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Các tỉnh trong vùng cũng mong muốn có sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương và các bộ, ban ngành trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trong huy động và phân bổ các nguồn lực cho vùng năm 2020, giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo kết nối, mang tính đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng nhanh và bền vững, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục