Phát triển vùng: Không vì mục tiêu riêng mà lãng quên cái chung

Liên kết tiềm năng, tạo sức mạnh tổng lực cho phát triển vùng

Sáu nghị quyết phát triển vùng của Bộ Chính trị được kỳ vọng sẽ phát huy các tiềm năng, lợi thế của vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng và gia tăng quy mô cho nền kinh tế.
Liên kết tiềm năng, tạo sức mạnh tổng lực cho phát triển vùng ảnh 1Nút giao thông Liêm Tuyền thuộc thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam là điểm kết nối giao thông quan trọng của tỉnh Hà Nam với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Bài 2: Phát triển vùng: Không vì mục tiêu riêng mà lãng quên cái chung

Để triển khai các nghị quyết phát triển vùng của Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị đã và đang tích cực vào cuộc với tinh thần "nghị quyết ban không ban hành ra rồi để đấy." Điều này đúng với tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: "tiền hô hậu ủng," "nhất hô bá ứng," "trên dưới đồng lòng."

"Nghị quyết không phải ban hành ra rồi để đấy"

Sáu nghị quyết phát triển vùng của Bộ Chính trị được kỳ vọng sẽ giúp khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế của vùng cho phát triển, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng và gia tăng quy mô cho nền kinh tế. Tuy nhiên, chính sách tốt là một chuyện, chất lượng của việc thực hiện là một chuyện khác. Đưa nghị quyết vào thực tiễn đời sống là vấn đề rất quan trọng có ý nghĩa quyết định.

Ngay khi các nghị quyết được ban hành, các hội nghị học tập, quán triệt của Trung ương đã được triển khai rộng rãi trong tất cả các tầng lớp để thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Đảng.

Quốc hội đã ban hành Chương trình hành động thực hiện các nghị quyết phát triển vùng kinh tế trong đó xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm sẽ lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng; phối hợp Chính phủ xem xét cân đối bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có tính chất liên kết vùng.

Cùng với đó, ngày 9/1/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghị quyết xác định rõ phát huy tối đa lợi thế của quốc gia, vùng, địa phương; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nghị quyết nêu rõ quan điểm về tổ chức không gian phát triển là: không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng, khu vực và quốc tế gắn với khai thác lợi thế so sánh của quốc gia, từng vùng, từng địa phương trong vùng nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết vùng cũng nêu rõ thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng, liên vùng để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các "điểm nghẽn," huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng. Nghiên cứu xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối và kết nối phát triển vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động liên kết nội vùng, liên vùng. Đây sẽ là những nguồn động lực mới giúp các địa phương khai thác tốt nhất các tiềm năng, thế mạnh cùng bứt phá vươn lên.

[Lực đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng qua kết nối giao thông]

Tại các hội nghị, của các ngành các cấp, và địa phương đều đưa ra chương trình hành động thực hiện các nghị quyết. Điều này khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của toàn Đảng, Nhà nước và nỗ lực của toàn dân sớm hiện thực hóa nghị quyết một cách hiệu quả như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: Nghị quyết không phải ban hành ra rồi để đấy mà phải thật sự đi vào cuộc sống; nghĩa là phải làm ra của cải vật chất, làm cho đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Mới đây, 4 địa phương khu vực Đông Nam Bộ gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đã thống nhất cùng nhau phối hợp chặt chẽ triển khai các tuyến giao thông kết nối liên vùng và của mỗi địa phương có tác động đến vùng.

Một loạt dự án giao thông trọng điểm, kết nối các tỉnh thành lân cận đang được đẩy nhanh tiến độ, trong đó dự án mở rộng Quốc lộ 13 dự kiến khởi công năm 2025, Vành đai 3 phấn đấu khai thác năm 2026; Vành đai 4 dự kiến hoàn thành năm 2027...

Liên kết tiềm năng, tạo sức mạnh tổng lực cho phát triển vùng ảnh 2Đường vành đai 4-Vùng Thủ đô qua xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội phải thu hồi là 32,23ha. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Hay tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, các địa phương đang đặt quyết tâm đầu tư hoàn thành các tuyến vành đai vùng (vành đai 4, vành đai 5), cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, Nội Bài-Hạ Long, Cổ Tiết-Chợ Bến, các tuyến liên kết vùng để phát triển các hành lang, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế-đô thị, tạo đột phá phát triển vùng.

Những động thái trên cho thấy sự vào cuộc của các bộ ngành địa phương trong nỗ lực đưa nghị quyết của Bộ Chính trị vào cuộc sống. Tất nhiên, việc thực thi hiệu quả ra sao vẫn chờ vào sự điều hành và quyết liệt của mỗi địa phương.

"Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước"

Để các nghị quyết đi vào cuộc sống, tất cả các cấp ngành cần có sự đổi mới về tư duy. Chỉ thay đổi tư duy mới tạo được bước phát triển đột phá về lý luận phát triển, làm cơ sở cho xây dựng đường lối, thể chế, cơ chế, chính sách phát triển. Tư duy đó là tư duy không chỉ chăm chú phát triển riêng cho địa phương mình mà "lãng quên" mục tiêu chung của vùng của đất nước, tư duy không vì lợi ích cục bộ mà bỏ qua lợi ích chung của đất nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ: "Để liên kết vùng hiệu quả, đòi hỏi phải có sự phối hợp để cùng hành động, cùng chia sẻ các mục tiêu, lợi ích. Tỉnh anh với tỉnh tôi, chúng ta sẽ phải cùng đóng góp, cùng chia sẻ các lợi ích chung."

Kinh nghiệm phát triển vùng nói chung của một số nước cho thấy để thực hiện hiệu quả các chiến lược vùng về nhận thức, chúng ta cần coi quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo vùng là một bộ phận hữu cơ của tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng quốc gia; là phương thức để tạo ra các mũi nhọn, các "cực tăng trưởng" đối với các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương trong tổng thể nền kinh tế; là biện pháp khắc phục cơ cấu kinh tế "khép kín" theo địa giới hành chính, trên cơ sở đó mà khai thác tối đa nguồn lực của xã hội.

Ngoài thể chế pháp luật chung của quốc gia, còn cần sự chủ động, sự nhận thức của các địa phương trong thực hiện liên kết vùng.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược liên kết kinh tế vùng trong chiến lược phát triển quốc gia, tạo cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển, đầu tư, quản trị, dịch vụ công, phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ… phù hợp với mỗi vùng và liên vùng có hiệu quả. Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương, vùng phải thể hiện rõ tính liên kết vùng, sớm xóa bỏ tình trạng phát triển kinh tế khép kín.

Chính sách phát triển vùng, trong đó có liên kết vùng cần quan tâm đến tính lịch sử và trình độ phát triển kinh tế-xã hội khác nhau của mỗi vùng, địa phương để đảm bảo tính công bằng giữa các cộng đồng, tầng lớp dân cư, dân tộc, tạo cơ hội phát triển, chia sẻ lợi ích trong quá trình phát triển, nhất là giữa các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; tạo lập cơ chế, chính sách thích hợp, thúc đẩy liên kết, tăng cường đầu tư theo vùng phù hợp với chức năng kinh tế-xã hội để tạo điều kiện phát triển nhanh hơn cho các địa phương, đặc biệt là vùng biên giới, hải đảo.

Đối với các vùng kinh tế trọng điểm, cần cân nhắc để ban hành chính sách cạnh tranh với các trung tâm kinh tế khu vực và trên thế giới; quy định rõ liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức và tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, thúc đẩy sự năng động của các khu công nghiệp theo chiến lược tăng trưởng mới, như là địa bàn đột phá trong phát triển kinh tế.

Liên kết tiềm năng, tạo sức mạnh tổng lực cho phát triển vùng ảnh 3Đường tránh thành phố Bà Rịa mới được đầu tư. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Đối với các vùng điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, cần có chính sách nhằm hướng việc thu hút đầu tư vào các ngành khai thác lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội; làm rõ chức năng bảo tồn sinh thái, gìn giữ văn hóa, bảo đảm an ninh chính trị, để từ đó có những chính sách tích hợp tổng thể đặc thù cho vùng đảm bảo các chức năng trên.

Không chỉ vậy, nếu chỉ dừng lại ở quy hoạch, hoàn thiện thể chế thì chưa đủ, chúng ta còn phải tiếp tục hoàn thiện một số công cụ khác. Ví dụ như về quản lý và sử dụng các nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư từ ngân sách để đảm bảo sự lan tỏa và hiệu quả ở tầm của vùng, từ đó tác động đến các vùng khác và cả nước.

Có thể nhận thấy các nghị quyết vùng của Bộ Chính trị khẳng định vai trò của mỗi vùng kinh tế trong mối quan hệ chung của cả nước, quyết tâm không để vùng nào ở phía sau.

Chúng ta vẫn cần phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững trong thời kỳ đến năm 2030.

Đồng thời, chúng ta vẫn cần có cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp với điều kiện của nền kinh tế để bảo đảm an sinh xã hội, cung cấp các dịch vụ công cho các khu vực khó khăn, đặc biệt là dịch vụ về y tế, giáo dục, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với địa bàn thuận lợi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói "Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước." Vì vậy, cần xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành trung ương và địa phương để xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết theo đúng tinh thần "đúng vai, thuộc bài."

Cùng với các kết luận quan trọng trong chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội của Trung ương thời gian vừa qua, 6 nghị quyết phát triển các vùng kinh tế sẽ là điểm tựa vững chắc để các cấp, ngành, địa phương biến thách thức thành cơ hội, đưa đất nước bứt phá, phát triển nhanh, bền vững.

Những bài học từ thực tiễn triển khai các nghị quyết về phát triển các vùng kinh tế cũng sẽ góp phần tiếp tục bổ sung, làm sáng tỏ lý luận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.

Bài 1: Chuyển tiềm lực thành động lực khả thi mạnh mẽ

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục