Hiện nay còn quá sớm để nói về sự bình thường hóa mối quan hệ của Liên minh châu Âu (EU) với Nga.
Đây là tuyên bố của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU, bà Federica Mogherini đưa ra ngày 19/1, sau cuộc thảo luận chiến lược về quan hệ với Nga của các ngoại trưởng EU tại Brussels-Vương quốc Bỉ.
Đại diện cấp cao EU cho biết liên minh này trước tiên sẽ duy trì chính sách gây áp lực đối với Nga thông qua các biện pháp trừng phạt.
Bà Mogherini nhấn mạnh bất kỳ quyết định áp đặt trừng phạt nào được EU đưa ra đều sẽ dựa trên chính sách không chấp nhận việc bán đảo Crimea (Crưm) sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014 và mối quan hệ của liên minh này với Moskva có thể được thay đổi nếu thỏa thuận Minsk được thực thi.
Brussels đến nay chưa có ý định thay đổi phương hướng chính trị trong quan hệ với Nga.
Tuy nhiên, theo bà Mogherini, Ngoại trưởng 28 quốc gia thành viên EU nhất trí tiếp tục tiến hành đối thoại cấp chuyên gia với Moskva về các vấn đề trọng yếu, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng.
EU đồng thời chú trọng đối thoại chính chị với Nga về các vấn đề quốc tế then chốt như cuộc nội chiến ở Syria hay đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran, cuộc khủng hoảng ở Trung Đông hay Afghanistan, Libya cũng như những thách thức toàn cầu hiện nay, nổi bật là vấn đề biến đổi khí hậu.
Do những bất đồng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, EU đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga với cáo buộc (điều mà Moskva luôn bác bỏ) cho rằng Moskva hỗ trợ lực lượng đòi độc lập ở miền Đông quốc gia láng giềng.
Tuy nhiên, trong nội bộ EU cũng đã có những ý kiến trái chiều, trong khi Anh, Ba Lan, Hà Lan và các nước Baltic ủng hộ duy trì việc áp đặt trừng phạt Nga, thì Áo, Hungary, Italy, CH Cyprus, Luxembourg, Slovakia, Pháp và CH Séc lại tán thành việc dỡ bỏ trừng phạt Moskva.
Dự kiến, vấn đề quan hệ với Nga sẽ tiếp tục được thảo luận tại các cuộc gặp tiếp theo của Hội đồng bộ trưởng EU và Hội nghị thượng đỉnh EU, có thể diễn ra tháng 2 và 3 tới./.