Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã lên tiếng kêu gọi các nước phương Tây ngừng đe dọa Nga bằng những lệnh cấm vận mới, thay vào đó cần nới lỏng các lệnh trừng phạt hiện tại để có thể đạt được những tiến triển trong tiến trình hòa bình tại Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn kéo dài hai giờ với đài phát thanh France Inter mới đây, Tổng thống Hollande nói rằng những lệnh trừng phạt nghiêm khắc của phương Tây đối với Nga nên được gỡ bỏ nếu việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine đạt được tiến triển.
Nhà lãnh đạo Pháp tuyên bố phản đối các chính sách thù địch, tuy nhiên, ông cũng khẳng định sẽ không có bất kỳ thay đổi nào liên quan tới lệnh trừng phạt nếu các bên liên quan không đạt được tiến triển trong hòa đàm về vấn đề Ukraine.
Ông Hollande cho biết ông mong đợi sẽ đạt được những tiến triển như vậy trong cuộc đàm phán về hòa bình cho Ukraine giữa các nhà lãnh đạo Nga, Đức, Pháp và Ukraine dự kiến diễn ra vào ngày 15/1 tại Kazakhstan.
Tại Đức, Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel cũng thể hiện quan ngại về những tác động ngược trở lại châu Âu của các lệnh trừng phạt Nga.
Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, ông Hans-Werner Sinn cũng cảnh báo nếu kinh tế Nga sụp đổ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho ngành công nghiệp Đức và các ngân hàng ở châu Âu, nhất là những ngân hàng của Pháp và Áo vốn có hợp tác chặt chẽ với Nga.
Tuy vậy, người phát ngôn của Thủ tướng Angela Merkel vẫn khẳng định bà Merkel sẽ không tham dự đối thoại sắp tới, nếu không có triển vọng rõ ràng cho một thỏa thuận mới.
Việc hạn chế thương mại với Nga hiển nhiên sẽ gây ra tổn thất to lớn cho Liên minh châu Âu (EU) bởi theo cơ quan thống kê của EU, trong năm 2013, 28 nước thành viên đã bán tổng số hàng hóa trị giá 120 tỷ euro sang thị trường Nga, cho dù con số này chỉ chiếm 7% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của liên minh này.
Đức, nền kinh tế lớn nhất của EU, chiếm tới 1/3 tổng sản lượng hàng hóa bán sang Nga, trị giá khoảng 36 tỷ euro.
Còn theo số liệu do Đại học Bocconi, một trong những trường kinh tế danh tiếng nhất châu Âu, công bố tại Diễn đàn kinh tế Nga-châu Âu ở Milan, Italy, nền kinh tế Italy có thể thiệt hại gần 3,7 tỷ euro do những biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây đối với Nga, cũng như do xuất khẩu vào Nga sụt giảm.
Về phần Pháp, cường quốc duy nhất phát đi những tín hiệu tích cực tới Nga, cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã khiến nước này không hoàn tất được việc chuyển giao hai tàu chiến lớp Mistral cho Nga.
Tháng 11/2014, Paris đã trì hoãn việc chuyển giao hai tàu chiến công nghệ cao này “cho tới khi có thông báo mới.”
Pháp - vốn đang chật vật về mặt kinh tế - có thể sẽ phải chịu một khoản tiền phạt rất lớn, nếu nước này phá vỡ bản hợp đồng trị giá 1,2 tỷ euro (tương đương 1,5 tỷ USD) với Nga.
Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của EU và Mỹ, cùng với giá dầu giảm mạnh, đã khiến đồng ruble của Nga năm 2014 giảm 40% giá trị so với đồng USD./.