Luật An toàn Giao thông Hàng hải mà Trung Quốc đưa ra mới đây đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Trước những diễn biến mới có thể làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, Tiến sỹ Vijay Sakhuja, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách, Hội đồng các vấn đề thế giới (Ấn Độ) cho rằng đã đến lúc ASEAN cần thay đổi cách tiếp cận nhằm hoàn thiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
VietnamPlus xin trân trọng giới thiệu bài viết, được đăng trên trang mạng của Quỹ Nghiên cứu quốc tế The Peninsula Foundation.
Liên quan đến Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Hướng dẫn thực hiện DOC, việc soạn thảo và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đã được nêu ra trong Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á kể từ năm 2013 khi Brunei Darussalam còn giữ chức Chủ tịch ASEAN.
Các vấn đề này đã được nhắc lại nhiền lần và nội dung liên quan đến Biển Đông trong Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á lần thứ 11 vào tháng 8/2021 dưới sự chủ trì của Brunei Darussalam, cũng không khác gì.
Trong khi đó, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5/8/2021 có đề cập rằng Trung Quốc hiện đã đặt ra một mục tiêu mới, theo đó Bắc Kinh và ASEAN sẽ “kiềm chế các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng và khoét sâu những khác biệt, đặc biệt là sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực."
Mặc dù ý định của Trung Quốc là một dấu hiệu tích cực đáng hoan nghênh, nhưng “Luật An toàn Giao thông Hàng hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” (MTSL) mới có hiệu lực từ ngày 1/9/2021, đã gây ra những xôn xao giữa các quốc gia tranh chấp.
Theo hướng dẫn của Luật An toàn Giao thông Hàng hải, các tàu phải “báo cáo tên, biển báo, vị trí hiện tại, cảng ghé tiếp theo và thậm chí cả thời gian đến dự kiến cho chính quyền Trung Quốc."
[Chuyên gia nói về Luật An toàn Giao thông hàng hải mới của Trung Quốc]
Philippines đã quyết định “phớt lờ” các quy định mới của Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã làm rõ quan điểm của Philippines về vấn đề này rằng “chúng tôi không tôn trọng những quy định luật đó và sẽ không công nhận đạo luật này của Trung Quốc."
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã nhắc lại vấn đề cần phải tuân thủ nghiêm ngặt Công ước UNCLOS 1982 “khi ban hành các văn bản luật trong nước liên quan đến biển."
Lầu Năm Góc đã cáo buộc Trung Quốc về việc “Các tuyên bố hàng hải bất hợp pháp và trên diện rộng, bao gồm cả ở Biển Đông, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các quyền tự do trên biển, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và hoạt động giao thương hợp pháp không bị cản trở cũng như các quyền và lợi ích tại Biển Đông của các quốc gia ven biển,” và người phát ngôn Bộ Quốc phòng đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ “tiếp tục tiến hành bay, đi biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép."
Xét trên mọi khía cạnh, việc sớm hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông khá viển vông bởi ý tưởng về Bộ quy tắc đã được thảo luận hơn hai thập kỷ rưỡi kể từ năm 1996. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã tỏ ra rất phấn khích khi Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông có thể trở thành “nền tảng cho sự ổn định lâu dài trong khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các nước có tranh chấp."
ASEAN đã nỗ lực nghiêm túc và tiếp tục duy trì đàm phán cho một Bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng đến giờ vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận cuối cùng. Hiện có quan điểm cho rằng đã đến lúc phải thay đổi “mục tiêu xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử toàn diện." Thay vào đó, ASEAN và Trung Quốc phải hướng tới “việc xây dựng từng bước một loạt các thỏa thuận” để có thể “cuối cùng tập hợp thành Bộ quy tắc ứng xử trong tương lai."
Điều này có thể được thực hiện bằng cách xây dựng “các thỏa thuận nhỏ lẻ mang tính thực tế hơn," từ đó có thể giúp “giảm leo thang căng thẳng trong các tình huống có nguy cơ xảy ra tranh chấp."
Lập luận trên đang thu hút được sự chú ý bởi ít nhất hai lý do quan trọng. Thứ nhất, Biển Đông đang trở thành điểm nóng do các cuộc tranh chấp quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Hải quân Mỹ tiếp tục tham gia các cuộc tập trận và việc triển khai mới đây Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson và Phi đoàn Phòng không Tương lai ở Biển Đông đã phản ánh cam kết của Mỹ đối với lực lượng sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ lợi ích các hàng hải chung của Mỹ và các đồng minh, đối tác trong khu vực."
Ngoài ra, Hải quân Mỹ đã liên tục tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) và hiện nay hoạt động này đã có sự tham gia của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ. Các quốc gia thành viên Nhóm Bộ Tứ (QUAD) cũng đã điều tàu chiến đến Biển Đông để tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar và hải quân châu Âu do Pháp và Anh dẫn đầu cũng đang hoạt động trong khu vực Biển Đông.
Các cuộc tập trận hải quân đa quốc gia này đã dẫn tới việc Trung Quốc phản ứng khi có các hành động tương tự như việc Hải quân và Không quân Trung Quốc đã liên tục được triển khai trong khu vực. 'Tình trạng' này có khả năng sẽ còn tiếp diễn.
Thứ hai, có quan điểm cho rằng mặc dù Bộ quy tắc ứng xử cần thiết phải phù hợp với Công ước UNCLOS 1982 và không nên “làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia không phải là một bên trong các cuộc thảo luận."
Đánh giá này có thể gây ra sự tranh cãi giữa các bên liên quan có quan hệ chính trị-ngoại giao, lợi ích kinh tế và chiến lược trong khu vực, và trước đó đã kịch liệt kêu gọi xây dựng một hệ thống dựa trên luật lệ và đã phản đối các yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như việc nước này không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016.
Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc dường như không còn động lực và đang cố tình trì hoãn việc hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử; Trung Quốc hiện ưu tiên theo đuổi cách tiếp cận “hoạt động như không có gì xảy ra," gây ra sự bất an lớn đối với các quốc gia có tranh chấp khác. Trong khi đó, các nước thành viên ASEAN hiện đang có cảm giác sốt sắng, mong muốn hoàn thiện sớm Bộ quy tắc ứng xử và sự kiên nhẫn của các nước ngày càng suy giảm./.