Liệu Campuchia có thể là chất xúc tác cho quan hệ ASEAN-EU?

ASEAN hiện đang gần gũi hơn với EU do các chính sách không nhất quán của Tổng thống Donald Trump nhưng vẫn còn đó những rào cản cần được vượt qua.
Liệu Campuchia có thể là chất xúc tác cho quan hệ ASEAN-EU? ảnh 1Ảnh minh họa.

Trong bài bình luận mang tựa đề “Campuchia có thể làm thay đổi quan hệ ASEAN-EU” đăng trên tờ Bangkok Post ngày 17/12, nhà báo kỳ cựu chuyên về các vấn đề khu vực Kavi Chongkittavorn nhận xét trên cương vị chủ nhà của Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM) lần thứ 13 vào tháng 11/2020, Campuchia có thể là chất xúc tác giúp xác định tương lai của quan hệ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) tốt hơn hay xấu đi.

Vào lúc này, đây là vấn đề chưa ngã ngũ, vì EU đang dự tính nhiều biện pháp khác nhau để gây áp lực với Campuchia liên quan đến vấn đề nhân quyền. Trong khi đó, Campuchia với quan hệ gần gũi với Trung Quốc càng làm gia tăng thêm những lo lắng của các nhà chiến lược EU.

Hơn nữa, tranh chấp hiện nay giữa EU và hai nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới là Indonesia và Malaysia đã hạ bệ quy chế chính thức của EU như là một đối tác chiến lược.

Tháng Một vừa qua, ASEAN đã nhất trí với sự nâng cấp vai trò đối tác của EU, nhưng tranh chấp này làm chậm hơn nữa quyết định của khối này. Cả hai bên hiện bị mắc kẹt khi chờ đợi kết quả của nhóm làm việc được thành lập để xử lý rắc rối này. ASEAN và EU rất thận trọng vì tranh chấp dầu cọ có thể lan ra và biến thành một cuộc chiến thương mại.

Những yếu tố quyết định bên trong ASEAN và EU đang mang tính chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ. Các nhà hoạch định chính sách của hai bên chia sẻ tình thế tiến thoái lưỡng nan vì những sức ép bên ngoài vào thời điểm này. Để đưa quan hệ ASEAN-EU tiến lên phía trước, cả hai bên sẽ phải có những cân nhắc mang tính thực tế. Riêng với EU, đây là một trong những khu vực đa dạng nhất cùng với các hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau.

Vào thời điểm hiện nay, cả Campuchia và Myanmar đều đang nằm dưới sự xem xét kỹ lưỡng của các thành viên EU do chương trình ưu đãi thương mại đối với tất cả mặt hàng trừ vũ khí (EBA) dành cho hai nước này có thể bị hủy bỏ trong tương lai gần.

Đối với Campuchia, Brussels đã đặt ra hạn chót vào tháng 2/2020. Chế độ ưu đãi này được trao cho Campuchia trong số 50 nước kém phát triển trên toàn thế giới. EU bắt đầu thủ tục rút lại EBA dành cho Campuchia vào tháng 7/2018. Sau giai đoạn 6 tháng giám sát và đánh giá kết thúc hồi tháng 8/2019, EU gần đây đưa ra một báo cáo cho biết tình hình hiện nay ở Campuchia không được cải thiện, mà còn xấu hơn.

[Tại sao Đức muốn thắt chặt quan hệ với ASEAN?]

Việc EU hủy bỏ EBA dành cho Campuchia là một trường hợp nghiêm trọng vì điều này có thể tác động trực tiếp tới cuộc sống của 2 triệu người dân sống dựa vào 750.000 lao động làm việc trong các nhà máy may mặc trên toàn quốc. Lực lượng lao động này đóng vai trò nòng cốt cho thu nhập và "sức khỏe" của nền kinh tế đất nước.

Các sản phẩm may mặc là hàng xuất khẩu số 1 của Campuchia sang EU, chiếm gần 40% tổng xuất khẩu của nước này, đạt giá trị khoảng 5,8 tỷ USD năm 2018. Với những cấm vận EBA, Campuchia có thể phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn.

Phnom Penh đến tháng 2/2020 sẽ cần cải thiện đáng kể các điều kiện chính trị toàn diện trong nước, đặc biệt những vấn đề liên quan đến các nhà lãnh đạo đảng đối lập, xã hội dân sự và báo chí.

Trong những tháng qua, cả Campuchia và EU đã trao đổi những từ ngữ gay gắt về không can thiệp và chủ quyền. Sau bản báo cáo đánh giá dày 70 trang của EU, Thủ tướng Hun Sen thậm chí trở nên hiếu chiến hơn với EU. Tuy nhiên, ông Hun Sen vẫn nỗ lực gây dựng hình ảnh ngoại giao thông qua các chuyến thăm tới một số nước thành viên EU để tập hợp sự ủng hộ.

Hơn lúc nào hết, vào lúc này, ASEAN và EU cần đến nhau. Trong thời đại “nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump và các chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa biệt lập, EU - vốn từng là đồng bảo trợ cho các nỗ lực ngoại giao của Mỹ - không còn đồng lòng trong rất nhiều vấn đề toàn cầu. Do đó, Brussels đang tìm kiếm những quan hệ đối tác chiến lược mới.

Tháng trước, Đức đã tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), cùng với hai nước ký riêng rẽ khác là Pháp (năm 2007) và Anh (năm 2012). EU ký TAC năm 2012, trở thành tổ chức khu vực duy nhất tham gia hiệp ước này.

Trong bối cảnh môi trường toàn cầu thiếu chắc chắn suốt ba năm qua, EU đã có vai trò dẫn dắt tích cực hơn trong duy trì hòa bình và ổn định ở khắp nơi trên thế giới. Brussels hiểu rõ rằng những điều kiện bên ngoài không ổn định sẽ tác động đến an ninh chung của châu Âu. EU cũng rút ra những bài học từ cuộc khủng hoảng người di cư ở Địa Trung Hải mà đã gây chia rẽ EU sâu sắc.

Đáng tiếc là căn cứ vào lịch sử lâu đời của quan hệ ASEAN-EU, liên minh này vẫn không thể tối đa hóa quan hệ đối tác của họ với ASEAN, đặc biệt trong những thời kỳ cần thiết. Ngày nay, quan hệ ASEAN-EU không thể tiến lên phía trước do một cái gọi là “sự cố nhỏ” - từ được cố vấn ngoại giao cao cấp của Chính phủ Campuchia Sor Siphana sử dụng.

Sau 47 năm hợp tác, đối tác lâu đời nhất của ASEAN vẫn đang cố gắng tìm ra chính sách tốt nhất để gây dựng quan hệ với ASEAN trên khía cạnh từng nước lẫn với tập thể. Tuy nhiên, so với Mỹ, EU vẫn đang nhận được niềm tin và sự tin cậy chung của ASEAN. Hơn nữa, ASEAN hiện đang gần gũi hơn với EU do các chính sách không nhất quán của Tổng thống Donald Trump. Thế nhưng, vẫn còn đó những rào cản cần được vượt qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục