Trang mạng gulfnews.com đưa tin Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Nền kinh tế Mỹ ước tính trị giá gần 22.000 tỷ USD, trong khi nền kinh tế Trung Quốc là ở vào khoảng 14.000 tỷ USD.
Thị trường tài chính Mỹ và Trung Quốc cũng nắm giữ hai vị trí hàng đầu thế giới, lần lượt là 45.000 tỷ và 11.000 tỷ USD. Xếp sau đó là Nhật Bản và Anh, với quy mô bằng 2/3 và 1/3 giá trị của Trung Quốc.
Thị trường tài chính Mỹ và Trung Quốc quy mô nhờ sự hậu thuẫn bởi nền kinh tế khổng lồ. Song đằng sau đó là lý do khác. Không quốc gia nào có các công ty hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số có quy mô và phạm vi như các doanh nghiệp của Mỹ và Trung Quốc. Những doanh nghiệp này là một hiện tượng tương đối mới.
Khoảng 10 năm trước, 3 trong số 10 doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ là các công ty công nghệ. Ngày nay con số này là 5. Tại Trung Quốc 10 năm trước, không có doanh nghiệp nào đứng trong top 10, còn ở thời điểm hiện tại, 8/10 doanh nghiệp hàng đầu là các hãng công nghệ.
[Trung Quốc khẳng định không nhượng bộ Mỹ trong các vấn đề trọng yếu]
Những thay đổi này không quá ngạc nhiên, nhất là khi nhìn vào mức độ số hóa xã hội và nền kinh tế.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp lớn nhất ở phần còn lại của thế giới phần lớn vẫn là các công ty tài chính, hàng hóa và tiêu dùng như trước. Lý do là vì phần lớn “nền kinh tế mới” của thế giới bên ngoài Trung Quốc bị chi phối bởi những gã khổng lồ Mỹ.
Điều đó không có nghĩa là các công ty Trung Quốc có tương lai ít hứa hẹn hơn.
Trước hết, thị trường nội địa vẫn còn rất tiềm năng. Thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc, khoảng 10.000 USD trong năm 2020, bằng 1/5 so với mức thu nhập ở hầu hết các nước phát triển.
Ngoài ra, các nhà sản xuất điện thoại di động Trung Quốc và những ứng dụng như TikTok ngày càng hiện diện mạnh mẽ ở khắp nơi trên thế giới với rất nhiều tiềm năng hứa hẹn.
“Quyền lực mềm” của Trung Quốc (sức hấp dẫn của nền văn hóa) chưa thể bằng Mỹ, song chất lượng của những thành quả tạo ra từ quyền lực mềm tiếp tục được cải thiện, và với số lượng nhân tài khổng lồ, Trung Quốc cũng sẽ trở thành một nhà “xuất khẩu” văn hóa.
Vì vậy, điểm chung dễ thấy giữa Mỹ và Trung Quốc chính là sự hiện diện của “các nền kinh tế mới.”
Xét ở góc độ chính sách kinh tế, rất nhiều điều thú vị đang diễn ra và đây có khả năng sẽ là lĩnh vực chứng kiến nhiều tương tác thương mại mạnh mẽ.
Năm 2009, thời điểm kết thúc cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đã khởi xướng chương trình kích thích tài chính tương đương 25% GDP.
Tuy nhiên, sáng kiến này được ghi dấu theo hướng tiêu cực, do khối lượng nợ công lớn, và cũng bởi phần lớn số nợ này là khoản tiền dùng để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng gây nhiều tranh cãi.
Ngày 11/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật kích thích tương đương 8% GDP, tiếp nối các gói kích thích tương đương 17% GDP từ năm ngoái.
Điều trớ trêu là tổng giá trị các gói kích thích mà Mỹ thúc đẩy lại đúng bằng con số 25% của Trung Quốc cách đây một thập kỷ. Chỉ có lịch sử mới trả lời xem những sáng kiến này có hiệu quả hay không, song chắc chắn đây là những thay đổi chưa từng có.
Gói kích thích mà chính quyền Biden xây dựng lớn hơn nhiều so với mức cần thiết, nhất là xét tới hiệu lực của 2 gói kích thích trước đó, tốc độ tiêm vaccine COVID-19 và mức độ lây nhiễm trong cộng đồng.
Đảng Dân chủ đang chuyển hướng thông điệp từ gói cứu trợ COVID-19 sang gói hỗ trợ người dân, và tiếp theo đó là những kế hoạch quy mô nhằm đầu tư cho môi trường và cơ sở hạ tầng.
Thượng nghị sỹ Bernie Sanders từng so sánh Tổng thống Joe Biden với cố lãnh đạo Franklin Delano Roosevelt và cho rằng giống như việc “Roosevelt đã hiểu ra trong thời kỳ Đại suy thoái, Joe Biden biết rằng đất nước này ngày nay đang phải đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Tổng thống Biden đã đi đến kết luận rằng nếu muốn làm điều gì đó có ý nghĩa, chính quyền phải nghĩ lớn, và phải giải quyết những cuộc khủng hoảng chưa từng có này theo cách chưa từng có."
Mọi việc sẽ thú vị khi đối chiếu với những gì Trung Quốc đang làm. Quốc gia này đã bắt đầu một chiến dịch giảm kích thích từ năm 2015 và rút lại các gói kích thích trong năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát.
Tuy nhiên, có vẻ như Bắc Kinh đã lựa chọn việc quay trở lại các gói kích thích này.
Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ XIV vừa kết thúc ở Bắc Kinh đã đặt ra các ưu tiên rõ ràng, bao gồm cả ổn định tài chính và ngăn chặn tình trạng mất cân bằng trong khu vực tư nhân.
Dù không được nêu rõ, song hầu hết các động thái chính sách gần đây của Trung Quốc đều phản ánh một thái độ thận trọng hơn.
Tăng trưởng tín dụng giảm tốc, các biện pháp hạn chế mới đang được triển khai trong lĩnh vực bất động sản và mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức cho năm nay được giữ ở mức 6% cho năm nay, thấp hơn 1/3 so với dự báo của khu vực tư nhân.
Ông Quách Thụ Thanh, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC), tuyên bố hồi đầu tháng: “Các nước phát triển đang phải đối phó với dịch bệnh nghiêm trọng đã áp dụng các chính sách tài khóa tích cực và chính sách tiền tệ thả lỏng, điều rất dễ hiểu. Tuy nhiên, các tác dụng phụ đã dần xuất hiện. Thị trường tài chính ở các nước phát triển hoạt động quá nóng, trái ngược với nền kinh tế thực… Chúng tôi lo lắng về nguy cơ vỡ thị trường tài chính, đặc biệt là bong bóng tài sản tài chính ở nước ngoài, đang nghiên cứu các biện pháp hiệu quả hơn.”
Xét từ những góc độ này, Mỹ và Trung Quốc có điểm chung rất lớn và vì vậy càng dễ va chạm.
Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Biden đã định vị lại rõ ràng các vấn đề, từ thương mại đến công nghệ.
Trong quá khứ, Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô thực tế không phải là điều gì tốt đẹp, song công bằng mà nói, “cuộc đua không gian" - phản ứng phụ của cuộc chiến này - đã tạo ra những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ.
Các phát minh mà được sử dụng rộng rãi ngày nay xuất phát từ các chương trình nghiên cứu và phát triển của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), như hệ thống GPS, máy quét CAT, tai nghe không dây, đèn LED chiếu sáng và máy tính xách tay.
Những phát minh này có thể vẫn sẽ ra đời, song không thể nhanh chóng đến như vậy nếu không có sự thúc đẩy mạnh mẽ của chính phủ.
Để trở lại câu hỏi ban đầu rằng liệu "Trung Quốc có phải là một nước Mỹ mới hay không?" có lẽ câu trả lời tốt nhất sẽ là cả hai đang ngày càng trở nên giống với nhau hơn.
Nếu một cuộc xung đột về ưu thế công nghệ buộc hai nước phải hướng đến những phát minh vĩ đại, thì có lẽ đây sẽ là một thực tế rất thú vị nếu nhìn nhận từ góc độ của một nhà đầu tư.
Dù vậy, người ta vẫn nên hy vọng rằng những phát minh đó sẽ được sử dụng cho mục đích thực sự tốt đẹp./.