Thời điểm này, các thí sinh khối A đã thi xong môn cuối cùng là môn Hóa và khăn gói về quê thì các sỹ tử khối V vẫn đang miệt mài thi vẽ. Đi thi với lỉnh kỉnh đồ đạc, nào bút vẽ, nào giấy, nào thước, nào giá vẽ, cục tẩy… và chạy ra chạy vào để mua thêm cái này, lấy thêm cái kia, các sĩ tử khối V làm không khí trường Đại học Kiến trúc trước giờ thi khá nhộn nhịp. Theo phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Minh Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trong buổi sáng nay, các thí sinh sẽ dự thi môn Vẽ đồ tượng trong thời gian khá dài, 240 phút. Trong khi các môn thi văn hóa được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chặt chẽ về tổ chức phòng thi, như việc các thí sinh ngồi cách nhau ít nhất một mét, thì ở đây rất tự do. Mỗi thí sinh một giá vẽ và tự chọn chỗ ngồi phù hợp cho mình, chọn góc nào dễ tiếp cận với bức tượng nhất để có thể thuận lợi cho việc vẽ, và tất nhiên… liếc bài bạn thoải mái. Thí sinh chú ý quan sát bức tượng, giơ tay lên đo đạc, ước chừng kích thước rồi lại chăm chú vào giá vẽ, tỷ mẩn đưa từng nét bút chì. Thỉnh thoảng có thí sinh lại hì hụi tẩy tẩy, xóa xóa những nét vẽ chưa ưng ý. “Do tính đặc thù nên không khí thi cử ở đây rất thoải mái, phát huy tối đa năng khiếu của thí sinh,” ông Đỗ Việt Phương, Phó trưởng Phòng Tổng hợp, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết. Chiều nay, các em vẫn tiếp tục thi môn vẽ thứ 2 là vẽ sáng tạo theo chủ đề, thời gian thi 180 phút.
So với các môn thi văn hóa, hình ảnh phòng thi môn vẽ khá đặc biệt (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Theo Phó Hiệu trưởng Phạm Minh Hà, môn vẽ buổi sáng là vẽ cổ điển, môn thi bắt buộc vào các ngành có liên quan nên được tổ chức ở nhiều trường như Đại học Xây dựng, Đại học Mỹ thuật, Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là một trong những nội dung thi của nhiều trường kiến trúc trên thế giới. Tuy nhiên, môn vẽ thí sinh sẽ thi vào buổi chiều nay thì tại Việt Nam, chỉ duy nhất Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức thi. Lý giải về việc duy trì môn thi này, ông Hà cho biết, đây là môn thi thể hiện sự sáng tạo của thí sinh. [Đôi chân tật nguyền và ước mơ về một lập trình viên] Nhà trường sẽ đưa ra một chủ đề, quy định về kích thước, màu vẽ, còn lại thí sinh sẽ được tự do trình bày ý tưởng của mình. “Kiến trúc là ngành đặc thù, đòi hỏi có tính nghệ thuật, đây chính là cơ hội để thí sinh thể hiện được óc sáng tạo của mình,” ông Hà nói. Như vậy, thí sinh thi vào Đại học Kiến trúc sẽ phải dự thi 4 môn thay vì ba môn như các khối thi khác. Tuy nhiên, hai môn vẽ được tính điểm theo hệ số 5, sau đó trường cộng hai điểm lại thành một điểm, tính là điểm môn vẽ, nhân với hệ số môn năng khiếu là 1,5. Năm nay, Đại học Kiến trúc Hà Nội có trên 4.800 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 76% so với tổng số thí sinh đăng ký. Riêng khối V, tỷ lệ cao hơn nhiều, đạt 89%. Theo Phó Hiệu trưởng Phạm Minh Hà, sau hai môn thi Toán và Lý ngày hôm qua, trường chưa có thí sinh nào vi phạm quy chế thi./.
Phạm Mai (Vietnam+)