Lĩnh vực không gian thương mại của Trung Quốc có thể 'cất cánh'?

Bất chấp sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực không gian thương mại tại Trung Quốc, các công ty trong lĩnh vực vũ trụ tại đây phải đối mặt với những thách thức khó khăn cả ở trong và ngoài nước.
Lĩnh vực không gian thương mại của Trung Quốc có thể 'cất cánh'? ảnh 1Module Thiên Hòa được phóng đi bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-5B Y2. (Nguồn: CCTV/framegrab)

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin năm 2014, Trung Quốc tuyên bố cho phép đầu tư tư nhân tham gia lĩnh vực không gian, lĩnh vực mà trước đây chỉ chấp nhận các thực thể quốc doanh.

Quyết định này dẫn tới sự phát triển nhanh chóng của các công ty vũ trụ thương mại, tạo ra một lĩnh vực không gian thương mại phát triển nhất thế giới.

Tuy nhiên, bất chấp sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực không gian thương mại tại Trung Quốc, các công ty trong lĩnh vực vũ trụ tại đây phải đối mặt với những thách thức khó khăn cả ở trong và ngoài nước.

Ngành công nghiệp vũ trụ của Trung Quốc bị chi phối bởi hai doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) và Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC).

[Hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu và tham vọng cường quốc vũ trụ của Trung Quốc]

Những doanh nghiệp nhà nước khổng lồ này và các công ty con đã giúp Trung Quốc đưa con người vào không gian và đưa tàu thăm dò tới vùng tối của Mặt Trăng.

Giống như ở Mỹ, sự xuất hiện của các công ty vũ trụ thương mại - những doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận thay vì chỉ đơn thuần là thực hiện các mục tiêu của chính phủ - đang thay đổi toàn cảnh ngành công nghiệp vũ trụ Trung Quốc.

Bằng cách tập trung vào đầu tư tư nhân, các công ty không gian thương mại có thể linh hoạt hơn so với các doanh nghiệp nhà nước trong việc điều hướng áp lực thị trường, tăng cường năng lực cách tân và tối ưu chi phí.

Tại Mỹ, SpaceX đã tiên phong trong ngành công nghệ tên lửa tái sử dụng để có thể giảm chi phí cho các chuyến bay vũ trụ.

Giới chỉ trích cho rằng điều ngược lại đang xảy ra ở Trung Quốc. Với sự hỗ trợ từ nhà nước, các công ty Trung Quốc “miễn nhiễm” trước áp lực thị trường.

Tấm lá chắn này thậm chí có thể cho phép các công ty vũ trụ Trung Quốc cung cấp các dịch vụ phóng, vệ tinh và cung cấp hình ảnh với mức giá hợp lý hơn so với các đối tác Mỹ.

Tuy nhiên, thực tế phức tạp hơn. Lĩnh vực du hành không gian thương mại của Trung Quốc gồm công ty thuộc sở hữu nhà nước, doanh nghiệp hỗn hợp và tư nhân.

Nhiều công ty trong số này cũng được hỗ trợ bởi chính quyền cấp tỉnh thay vì Bắc Kinh, yếu tố cho phép doanh nghiệp có quyền tự chủ đáng kể hơn so trong các hoạt động.

Các công ty không gian thương mại của Trung Quốc đóng vai trò bổ trợ đáng kể trong các hoạt động do chính phủ tài trợ.

Các doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ thực hiện các dự án cao cấp như hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng và Sao Hỏa, các công ty thương mại này sẽ “lấp đầy” những khoảng trống mà các thực thể nhà nước bỏ qua.

Phần lớn các công ty vũ trụ Trung Quốc tập trung vào việc phát triển vệ tinh và các linh kiện, gồm cả các vệ tinh siêu nhỏ và các chòm sao vệ tinh nhỏ để đưa lên quỹ đạo thấp của Trái Đất.

Có một số ngoại lệ như Landspace, iSpace và OneSpace, chuyên tập trung vào các phương tiện phóng cỡ nhỏ.

Tuy nhiên, việc mở rộng vai trò ở “vùng biên” này trong hệ sinh thái không gian tổng thể của Trung Quốc có thể đẩy các công ty du hành không gian tư nhân vào cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước đang thống trị.

Không phải chịu áp lực thị trường, các thực thể quốc doanh này về cơ bản đã có được lợi thế đáng kể hơn nhiều trên sân chơi so với các công ty thương mại tư nhân.

Dù Trung Quốc có thể có những lợi ích kinh tế nhờ thúc đẩy cạnh tranh trong nước song rất khó để tưởng tượng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc từ bỏ lợi thế của khối quốc doanh, nhân tố giúp họ tạo dựng uy tín với người dân trong nước.

Dù một số nhà phân tích lo ngại về việc các công ty du hành không gian tại Trung Quốc nhận được sự hậu thuẫn không công bằng của chính phủ, song thực tế Bắc Kinh có thể chưa làm đủ để thúc đẩy các doanh nghiệp này.

Không giống như các cường quốc không gian khác, Trung Quốc không có luật không gian quốc gia.

Thực tế này khiến các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong ngành không gian mơ hồ về các quyền lợi pháp lý, các hạn chế cũng như thị trường.

Có lẽ vì những lý do này mà các công ty Trung Quốc thường tỏ ra ít lạc quan hơn về triển vọng phát triển cũng như thiếu niềm tin về quỹ đạo phát triển của ngành công nghiệp vũ trụ thương mại Trung Quốc so với nhận định của giới quan sát bên ngoài.

Những ràng buộc thậm chí còn lớn hơn ở nước ngoài. Bất kể mức độ độc lập như thế nào với chính quyền trung ương, các công ty này vẫn gặp phải một vấn đề cố hữu về thương hiệu.

Trong lĩnh vực không gian thương mại tại Mỹ, có một nhận thức khá phổ biến là các doanh nghiệp vũ trụ Trung Quốc có quyền tiếp cận gần như không giới hạn với nguồn tài trợ của chính phủ trung ương.

Nhận thức cho rằng các doanh nghiệp du hành không gian Trung Quốc chỉ đơn thuần là một bộ phận của nhà nước có thể khiến các khách hàng quốc tế tiềm năng cảnh giác do lo ngại việc phải tương tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc Quân Giải phóng Nhân dân.

Thực tế này đang gây nhiều vấn đề cho các công ty không gian đang tìm cách mở rộng hoạt động ra ngoài phạm vi biên giới Trung Quốc.

Trong khi các quốc gia có quan hệ địa chính trị chặt chẽ với Trung Quốc có thể sẵn sàng chào đón các cơ hội kinh doanh, các quốc gia có quan hệ đối địch nhiều hơn với chính quyền có thể miễn cưỡng với tiềm năng này, dù cái giá chào mời có là gì.

Đối với các công ty vũ trụ Trung Quốc, sự hiện diện nhất định của chính phủ Trung Quốc vô hình chung đang hạn chế tiềm năng phát triển trên thị trường toàn cầu.

Cụ thể hơn, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và các hạn chế khác mà Mỹ cùng các đồng minh và đối tác đặt ra đang hạn chế đáng kể khả năng nhập khẩu công nghệ vũ trụ và mở rộng ra thị trường quốc tế của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đây có thể chỉ là một bước lùi ngắn hạn đối với lĩnh vực không gian thương mại của Trung Quốc.

Về lâu dài, lĩnh vực này có thể được hưởng lợi từ việc tập trung vào những cách tân cần thiết ngay ở trong nước.

Dù vẫn còn quá sớm để xác định quỹ đạo của lĩnh vực không gian thương mại đầy phức tạp và đang phát triển của Trung Quốc, những điểm mạnh của ngành công nghiệp này thường bị phóng đại trong khi hạn chế lại bị phớt lờ.

Các công ty vũ trụ Trung Quốc vẫn còn chặng đường dài phía trước nếu muốn cạnh tranh với các đối tác Mỹ.

Những đe dọa phóng đại về lĩnh vực không gian thương mại của Trung Quốc sẽ chỉ làm căng thẳng thêm mối quan hệ ngày càng gập ghềnh giữa Washington và Bắc Kinh - cả trên Trái Đất và trong không gian./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục